RSS Feed for Đề xuất của EVN về cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 10:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất của EVN về cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời

 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, đề xuất cơ chế đấu thầu cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, EVN đề xuất theo 3 phương án: Đấu thầu cho từng dự án; đấu thầu đại trà và đấu thầu khu vực.

Hướng giải quyết vấn đề giá điện mặt trời trên mái nhà
Mức giá FIT cho điện mặt trời ‘có thể thấp hơn giai đoạn trước’


Sau khi nghiên cứu và tham khảo cơ chế đấu thầu điện mặt trời của một số nước trên thế giới, EVN đề xuất phương án đấu thầu như sau:

Phương án 1: Đấu thầu cho từng dự án (tương tự như Phương án solar park based bidding của World Bank - WB đang đề xuất).

Đối tượng áp dụng: Là dự án lớn đã được bổ sung quy hoạch, có điều kiện thuận lợi về: Bức xạ tốt; điều kiện đấu nối tốt và đất đai/mặt nước và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định để thực hiện đấu thầu theo hình thức này.

Phương án đấu thầu: Bổ sung dự án vào quy hoạch, thực hiện trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh và thẩm định bởi Viện Năng lượng. Bộ Công Thương sẽ quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của EVN (hoặc theo đề xuất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), EVN trực tiếp xây dựng Pre-FS để phối hợp cùng UBND các tỉnh trình Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy hoạch).

Công bố thông tin dự án: Công suất, đất đai và mặt nước, quy mô các công trình cần di chuyển, điểm đấu nối, quy mô các công trình đấu nối thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (khác với đề xuất của WB và khác với mô hình đấu thầu tại Campuchia, chủ đầu tư chịu toàn bộ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình đấu nối...vv sau khi được lựa chọn).

Nhà đầu tư sau khi được lựa chọn qua đấu thầu sẽ làm việc với UBND tỉnh về Quyết định giao đất và Quyết định Chủ trương đầu tư theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nhà thầu tự tính toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có), chi phí các công trình đấu nối, chi phí đầu tư dự án và các chi phí giao dịch để đầu tư, xây dựng và đưa dự án vào vận hành thương mại theo đúng quy định của pháp luật để tham gia dự thầu theo hình thức lựa chọn chủ đầu tư có giá chào tại điểm đấu nối là thấp nhất.

Hợp đồng mẫu, giá trần nằm trong RFP.

Sau khi thắng thầu, chủ đầu tư được lựa chọn sẽ ký PPA với EVN theo PPA mẫu trong RFP với giá chào thầu; chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng và đưa dự án vào vận hành trên cơ sở có đầy đủ các giấy phép theo quy định.

Ưu điểm của phương án này là chủ đầu tư không phải chịu rủi ro về quy hoạch nguồn.

Nhược điểm là chỉ phù hợp với các dự án lớn, nếu dự án quy mô nhỏ sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí tổ chức để có thể thu hút một lượng công suất lớn trong một giai đoạn nhất định.

Đối với ĐMT nổi, hiện dự án lớn nhất thế giới đã đưa vào vận hành 150 MW (tại Trung Quốc), chưa có dự án nào lớn cỡ như đề xuất tại hồ Trị An, lý do chính lo ngại về môi trường. Theo ý kiến của ADB (tại cuộc họp ngày 13/12/2019), ADB đang giúp Bộ Công Thương xây dựng cơ chế đấu thầu thí điếm ĐMT nổi 50 MW mới tại hồ NMTĐ Đa Mi mà không đề xuất thí điểm cho một dự án tại hồ Trị An, lý do chính theo ADB là nước hồ Đa Mi được khẳng định bởi UBND tỉnh Bình Thuận là không trực tiếp sử dụng cho sinh hoạt. Do vậy, có thể đánh giá rủi ro lớn nhất khi giao cho EVN thực hiện thí điểm là khả năng có thể đạt được báo cáo ĐTM của các dự án ĐMT nổi quy mô lớn. EVN cho rằng giải pháp đấu thầu từng dự án không thể coi là giải pháp cứu cánh để thu hút một lượng công suất đáng kế ĐMT vào vận hành giai đoạn 2020-2025 để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện.

Phương án 2: Đấu thầu đại trà.

Đối tượng áp dụng: Là các dự án đã được các tỉnh đề xuất, đã phù hợp về quy hoạch đất đai các tỉnh.

Phương án đấu thầu: Trong thời gian qua có một thực tế là tổng công suất các dự án đã bổ sung quy hoạch và đề nghị bổ sung quy hoạch đều lớn hơn nhu cầu của Chính phủ đối với từng giai đoạn (hiện nay khoảng 16.000 MW, bao gồm khoảng 4.000 MW đã bổ sung quy hoạch chưa ký PPA và 12.000 MW có hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch). Các dự án trên, khi đã trình lên Bộ Công Thương, đã đảm bảo về quy hoạch đất của từng địa phương. Một đặc điểm chung của các dự án trên là: Thời điếm COD chưa xác định và điều kiện đấu nối chưa chắc chắn. Do vậy, nguyên tắc thực hiện của phương án này như sau:

Kiểm tra điều kiện đấu nối cho mỗi vòng đấu thầu theo nguyên tắc EVN chỉ xây dựng các công trình lưới theo quy hoạch và chủ đầu tư chịu trách nhiệm các công trình đấu nối đến lưới điện do EVN sở hữu - có thể coi đây là vòng sơ loại.

Đưa ra nhu cầu ĐMT của mỗi vòng đấu thầu ở mức thấp hơn tổng công suất ĐMT đã được kiểm tra đạt yêu cầu đấu nối.

Tổ chức đầu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo nhu cầu và theo hình thức Pay as Bid, lựa chọn các dự án có giá chào tại điểm đấu nối từ thấp đến cao, với mức giá trần bằng mức giá FIT hoặc mức giá trúng thầu bình quân của vòng đấu thầu trước.

Các dự án được lựa chọn qua đấu thầu sẽ đương nhiên được bổ sung quy hoạch, thỏa thuận đấu nối và ký PPA với EVN. Các dự án bị loại ở vòng này sẽ được tham gia trực tiếp vào vòng đấu thầu kế tiếp.

Ưu điểm của phương án này là kế thừa được cách thức phát triển dự án trước đây. Chủ đầu tư đã làm việc với tỉnh về đất đai và đã bỏ chi phí thực hiện một số giai đoạn phát triển dự án (thuê tư vấn xây dựng Pre-FS để đề nghị bổ sung quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, mua đất, vv), nay chủ đầu tư tiếp tục có quyền phát triển dự án. Tuy nhiên để phát triển dự án thành công, chủ đầu tư phải tiết kiệm chi phí đưa ra giá chào tại điếm đấu nối ở mức cạnh tranh.

Kiểm soát được mục tiêu phát triến ĐMT trong phạm vi cả nước phù hợp với năng lực giải tỏa của hệ thống lưới điện hiện hữu trong môi trường cạnh tranh.

Mua được số lượng công suất lớn để đảm bảo phụ tải điện tăng trưởng lớn hàng năm.

Đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu thông qua việc xác định trước tổng công suất cần mua qua từng vòng đấu thầu và cơ chế thiết lập giá trần giảm dần qua từng vòng.

Phương án đấu thầu đại trà trong phạm vi cả nước được nhiều nước sử dụng đặc biệt là Nam Phi và Trung Quốc.

Nhược điểm là cần có quy trình để sự phối hợp của các tỉnh, EVN và Bộ Công Thương. Đặc biệt tại vòng sơ loại, cần có Quy trình và tiêu chí lựa chọn đảm bảo tính có thể dự báo được và tính có thể giám sát được từ phía các chủ đầu tư. Để khắc phục được nhược điểm này, có thể nghiên cứu kinh nghiệm Trung Quốc về việc phân bổ lượng công suất ĐMT cho từng tỉnh căn cứ theo tải của tỉnh đó + tổng công suất NLTT đã đưa vào vận hành của từng tỉnh và sử dụng các tiêu chí này để lựa chọn các dự án vòng sơ loại một cách minh bạch.

Phương án 3: Đấu thầu khu vực (tương tự như Phương án substation based bidding của WB).

Đối tượng áp dụng: Tất cả các chủ đầu tư có nhu cầu, đấu thầu tại các khu vực hoặc trạm biến áp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

Phương án đấu thầu: Phương án này tương tự phương án đấu thầu theo trạm biến áp (substation based bidding) tuy nhiên có bổ sung thêm công suất giải tỏa của các đường dây liên quan để tăng tính cạnh tranh. Các bước thực hiện như sau:

Bộ Công Thương tính toán đưa ra khả năng mua điện theo công suất tại các khu vực (trạm biếm áp và các đường dây liên quan) phù hợp với khả năng giải tỏa của lưới điện và nhu cầu phát triển ĐMT tại khu vực đó.

Các nhà thầu đáp ứng đủ điều kiện năng lực theo hồ sơ mời chào giá sẽ được mời chào giá. Hồ sơ sẽ yêu cầu các nhà thầu phải đáp ứng một số điều kiện sơ bộ về mặt bằng và hướng tuyến với tỉnh.

Nguyên tắc lựa chọn theo Pay As Bid với giá trần = giá FIT.

Các nhà thầu được lựa chọn cũng sẽ làm các thủ tục về bổ sung quy hoạch, các thỏa thuận kỹ thuật theo quy định và ký PPA.

Ưu điểm là khắc phục được nhược điểm của Phương án substation based bidding của WB để tăng tính cạnh tranh và các ưu điểm khác tương tự phương án đấu thầu đại trà. Phạm vi thực hiện có thể theo từng tỉnh và không cần bước sơ loại như phương án 2. Có thể mua được công suất theo đúng nhu cầu tại từng khu vực cụ thể.

Nhược điểm là khó có thể tính toán và công bố được công suất có thể trao đổi qua từng trạm và đường dây hiện hữu, đặc biệt là các đường dây liên kết các trạm; Khó có thể tích hợp yếu tố phụ tải của tỉnh, của vùng trong việc xem xét về giải tỏa công suất và bổ sung quy hoạch ĐMT.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương:

1/ Xem xét, nghiên cứu để áp dụng đồng thời cả 03 phương án đấu thầu theo đề xuất của EVN, cụ thể: Phương án 1: Đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư phát triển các dự án ĐMT có quy mô công suất lớn, ĐMT nổi đã bổ sung quy hoạch; Phương án 2: Sớm thực hiện đấu thầu đại trà để lựa chọn được lượng công suất lớn, giảm nguy cơ thiếu điện và Phương án 3: Áp dụng lâu dài.

2/ Đẩy nhanh các dự án hỗ trợ TA của WB và ADB đang thực hiện hiện nay để sớm hoàn thiện khung pháp lý của 02 phương án trên đây trong Quý I/2020 để đưa vào áp dụng trong Quý II/2020.

3/ Xem xét hoàn thiện cơ chế để thực hiện thí điểm đấu thầu lựa chọn CĐT dự án ĐMT nổi (dự án do ADB đang giúp Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế) vào Quý II/2020 và Báo cáo Thủ tướng cho phép các dự án đã bổ sung quy hoạch và chưa ký PPA với EVN được phép hưởng cơ chế giá FIT mới. COD cụ thể của từng dự án sẽ được EVN kiểm tra và thống nhất cụ thể trong PPA của từng dự án tùy thuộc vào điều kiện giải tỏa công suất đối với từng dự án. Trường hợp không được Thủ tướng chấp thuận, đề nghị hoàn thiện cơ chế để tổ chức vòng đấu thầu đại trà đầu tiên đối với các dự án trên (điều kiện COD trước 30/6/2021) vào Quý II/2020 và tiếp tục hoàn thiện cơ chế đấu thầu đại trà để áp dụng cho các dự án có COD sau 30/6/2021.

4/ Đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với ADB, EVN xem xét tác động môi trường của các dự án ĐMT nổi quy mô lớn trên 50 MW trong các hồ thủy điện hiện có của EVN./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động