RSS Feed for Tổng giám đốc PVN trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 23:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng giám đốc PVN trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Bằng trí tuệ, bản lĩnh, nỗ lực không ngừng của hơn 60 nghìn CBCNV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2018, các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí, các sản phẩm công nghiệp chủ lực hầu hết đều hoàn thành và vượt kế hoạch Chính phủ giao... Nhân dịp chuẩn bị đón xuân Kỷ Hợi, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN đã có cuộc phỏng vấn với Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh kế hoạch sản xuất, kinh doanh chủ yếu của ngành Dầu khí Việt Nam trong năm 2019, cũng như chia sẻ về những thách thức trong công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; Giải pháp giải quyết khó khăn tại các dự án nhiệt điện: Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1; Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh, Lô B và định hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng từ nhập khẩu LNG trong tương lai tới.

Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam
Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia


Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết vài nét tổng quát về thành quả sản xuất, kinh doanh của PVN trong năm 2018? Những khó khăn gặp phải và những nỗ lực của Tập đoàn trong đảm bảo kế hoạch khai thác dầu thô, khí đốt, cũng như sản xuất các sản phẩm xăng dầu… cung cấp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong năm vừa qua?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Nhìn lại năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Việc gia tăng bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch, cùng với những điều chỉnh chính sách của Mỹ và một số nước lớn đã tác động đáng kể đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu leo thang, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tình hình Biển Đông có những diễn biến không thuận lợi tác động đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn. Điều kiện triển khai các dự án dầu khí ở trong nước ngày càng khó khăn, do phải triển khai ở vùng sâu và xa bờ trên Biển Đông. Việc tìm kiếm, triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tốt ở nước ngoài ngày càng khó khăn do phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới. Giá dầu thô trong 10 tháng đầu năm phục hồi rất tốt, nhưng những tháng cuối năm 2018 lại sụt giảm rất mạnh (từ mức đỉnh 85USD/thùng xuống dưới 60USD/thùng). Giá dầu thô không ổn định làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Tập đoàn, nhất là đối với các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

Mặc dù vậy, với phương châm "Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động", được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng trí tuệ và bản lĩnh, nỗ lực không ngừng của hơn 60 nghìn cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm 2018, các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí, các sản phẩm công nghiệp chủ lực hầu hết đều hoàn thành và vượt kế hoạch.

Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất Chính phủ giao Tập đoàn đều về đích trước kế hoạch năm từ 3 - 53 ngày, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 12 triệu tấn dầu quy đổi, tổng sản lượng khai thác dầu khí năm 2018 đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5% so với kế hoạch Chính phủ giao. Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 626,8 nghìn tỷ đồng, vượt 96 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm, tăng 25,9% so với năm 2017; nộp ngân sách Nhà nước 2018 ước đạt 121,3 nghìn tỷ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017. Tập đoàn đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước 7,08% và cân đối ngân sách Nhà nước.

Công tác an toàn trên các công trường, nhà máy được triển khai thực hiện nghiêm túc, không có sự cố nào xảy ra.

Công tác triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy Công ty mẹ; là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành hợp nhất các ban của Đảng với ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng. Năm 2018, Tập đoàn đã cổ phần hóa thành công 3 đơn vị thành viên gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (BSR), thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho Nhà nước.

Việc xử lý các tồn tại ở các dự án yếu kém, khó khăn được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Về cơ bản, các đơn vị trong Tập đoàn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.  

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN (đội mũ vàng) trên công trường Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.



Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết những kế hoạch sản xuất, kinh doanh chủ yếu của PVN trong năm 2019 và những vấn đề thách thức trong công tác tìm kiếm, thăm dò, nâng cao trữ lượng dầu khí?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Năm 2019 là năm thứ tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019 có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở, tiền đề vững chắc để thực hiện kế hoạch 5 năm (2016- 2020), góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức để đẩy nhanh phát triển kinh tế đi đôi với với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tập đoàn phấn đấu thực hiện vượt mức và về đích trước tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2019 được Chính phủ giao.

Trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, gia tăng trữ lượng dầu khí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của bất kỳ một công ty dầu khí nào. Gia tăng trữ lượng không những bù đắp sản lượng dầu khí khai thác hàng năm mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2018 và những năm tiếp theo, vấn đề gia tăng trữ lượng dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư hàng năm cho công tác tìm kiếm, thăm dò giai đoạn 2016 - 2018 chỉ còn bằng khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư hàng năm cho công tác tìm kiếm, thăm dò giai đoạn 2011 - 2015. Hệ quả của việc suy giảm tổng vốn đầu tư là sự suy giảm tương ứng của khối lượng tìm kiếm, thăm dò và tất yếu đó là sự suy giảm của gia tăng trữ lượng dầu khí.

Theo tôi, nguyên nhân của sự suy giảm đầu tư nói trên trong giai đoạn 2016 - 2018 là tổng hợp của nhiều yếu tố: Sự sụt giảm mạnh và kéo dài của giá dầu đã có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò; Tiềm năng dầu khí của Việt Nam là có hạn; Các phát hiện mới hầu hết là các phát hiện nhỏ, khó đưa vào phát triển; Do đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên. Đồng thời, thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò; Các khu vực truyền thống đã được thăm dò và tận thăm dò khá chi tiết, cần thiết phải mở rộng ra các khu vực nước sâu, xa bờ - nơi được đánh giá có tiềm năng dầu khí còn lại chưa phát hiện chủ yếu.

Tuy nhiên, việc mở rộng vùng hoạt động này cần có vốn đầu tư lớn (nước sâu) và khó triển khai các hoạt động thi công thực địa; Khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò - lĩnh vực luôn có tính rủi ro cao; Cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò chưa đủ hấp dẫn. Hợp đồng dầu khí mẫu mới ban hành cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn, góp phần thu hút các nhà thầu dầu khí, đặc biệt là nhà thầu dầu khí nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò.

Năng lượng Việt Nam: Được biết, hiện PVN đang có những khó khăn lớn trong quá trình đầu tư xây dựng một vài dự án nhà máy nhiệt điện than như: Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Xin ông cho biết nguyên nhân của những khó khăn và các giải pháp cần thiết của bản thân Tập đoàn, cũng như các hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế để khắc phục vượt qua?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Về dự án nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong năm 2020 và hàng năm sẽ cung cấp khoảng 7,8 tỷ kWh lên hệ thống điện quốc gia. Đến nay, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 83%. Với khối lượng công việc còn lại không nhiều (khoảng 17%), tuy nhiên dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, trong đó lớn nhất là năng lực tài chính của Tổng thầu PVC ngày càng cạn kiệt đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ về đích của dự án.

Các khó khăn về cơ chế triển khai cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Theo Quyết định 2114 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện cấp bách được hưởng cơ chế đặc biệt, tuy nhiên, tính đến nay, sau gần 5 năm có hiệu lực, một số nội dung còn vướng mắc của dự án vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về những khó khăn, vướng mắc này và kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ, thúc đẩy, đưa dự án về đích.

Về dự án Nhiệt điện Long Phú 1, tiến độ tổng thể đạt khoảng 77%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ngày 26/1/2018, Nhà thầu Power Machines (Thành viên đứng đầu Liên danh Tổng thầu EPC tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1) bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách các tổ chức của Nga bị Mỹ cấm vận. Đến nay, Nhà thầu Power Machines (PM) chưa giải quyết được tổng thể các vướng mắc với các nhà thầu phụ do ảnh hưởng của cấm vận và chưa xác định được tiến độ khả thi của dự án.

Các vướng mắc đó là: Việc tạm dừng công tác thiết kế do tư vấn Kuljial (Mỹ) thực hiện từ tháng 2/2018; Công tác thanh toán, công tác thu xếp nguồn vốn vay ECA và thương mại quốc tế cho dự án theo dự kiến ban đầu không thực hiện được do ảnh hưởng của lệnh cấm vận; Khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị đạt rất thấp do thiếu thiết kế, chi phí, thiết bị không đồng bộ do Nhà thầu PM và các nhà thầu cung cấp thiết bị bị ảnh hưởng cấm vận... Trong khi đó, phần lớn các hợp đồng thầu phụ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận đã gần như hoàn tất công tác gia công, chế tạo tại xưởng và chờ để vận chuyển về công trường.

Việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận với Nhà thầu PM là vấn đề chính trị giữa các quốc gia (Mỹ, Nga), có tính chất toàn cầu và chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành năng lượng của Việt Nam nên việc xử lý các vấn đề liên quan có thể nói đã vượt ra khỏi khuôn khổ các quy định của Hợp đồng EPC đã ký. Do các khó khăn vướng mắc nêu trên đều vượt quá thẩm quyền và khả năng giải quyết của PVN, vì vậy chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để cho ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1: Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào vận hành trong năm 2019. Dự án đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc dẫn tới tiến độ bị chậm do việc lựa chọn nhà thầu phụ bị kéo dài; nhân lực và thiết bị máy móc của một số nhà thầu còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thi công, trong khi đó Tổng thầu chưa làm tốt vai trò điều hành của mình.

Trong những năm qua, sản lượng điện sản xuất của PVN chiếm khoảng 13% sản lượng điện quốc gia. PVN đã thành lập ra các tổ công tác chuyên trách xử lý từng dự án, thường xuyên có mặt trực tiếp trên các công trường để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các dự án được triển khai tốt nhất.

Từ năm 2015 đến nay là giai đoạn có nhiều khó khăn của ngành Dầu khí Việt Nam với việc giá dầu trên thế giới giảm sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cân đối vốn cho các dự án của Tập đoàn, trong khi đây​ là giai đoạn triển khai đồng thời các dự án điện có quy mô lớn như: Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Mỗi dự án có tổng mức đầu tư lên đến 2 tỷ USD khiến cho áp lực thu xếp vốn của Tập đoàn rất lớn. Tuy nhiên, với vai trò góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PVN đã huy động mọi nguồn lực, với quyết tâm đưa các dự án điện than vào vận hành từ năm 2020, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu điện mà theo dự báo có khả năng thiếu điện từ năm 2020, đặc biệt tại khu vực miền Nam.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết một số định hướng và công tác chuẩn bị cho đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh, Lô B và LNG của PVN đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh)? Những khó khăn gì trong quá trình đầu tư và những đề xuất về sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước? PVN có định hướng đầu tư thêm các dự án nhà máy điện khí sử dụng LNG để đa dạng hóa nguồn năng lượng và tăng cường năng lượng sạch không?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), PVN được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện khí miền Trung 1 và 2 sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh, dự án Sơn Mỹ 2 sử dụng khí LNG nhập khẩu. Hiện nay, các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với mục tiêu đưa các dự án vào vận hành trong giai đoạn 2023 - 2025 đồng bộ với tiến độ cấp khí của mỏ Cá Voi Xanh và tiến độ nhập khẩu LNG.

Tuy nhiên, việc triển khai đồng thời các dự án điện có tổng mức đầu tư lớn trong bối cảnh PVN đang tập trung triển khai đầu tư các dự án thượng nguồn quan trọng như dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh… khiến áp lực thu xếp vốn cho các dự án của PVN nói chung và dự án điện nói riêng là rất lớn. Các dự án điện có tổng mức đầu tư rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ VNĐ. Do đó, để có đủ vốn đầu tư xây dựng, hầu hết các chủ đầu tư đều phải vay vốn (khoảng 70% tổng mức đầu tư dự án) từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các tổ chức này thì việc vay vốn chỉ được thực hiện khi có sự bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính. Trong khi đó, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016, Chính phủ đã tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước theo Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 20/4/2017. Điều này dẫn tới PVN và các doanh nghiệp khác rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư xây dựng các dự án điện.

Vì vậy, để các chủ đầu tư có đủ vốn triển khai và hoàn thành dự án, PVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án điện thuộc Quy hoạch điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với các dự án điện sử dụng LNG nhập khẩu thì khó khăn lớn nhất trong việc quyết định đầu tư là khả năng cạnh tranh của dự án.

Hiện nay, nguồn khí thiên nhiên giá thấp khai thác trong nước đang suy giảm nhanh, do đó Chính phủ đã chủ trương quy hoạch phát triển lĩnh vực khí LNG tại Việt Nam để đa dạng hoá nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho sản xuất điện; Phát triển hiệu quả và bền vững ngành điện, đáp ứng mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường; Bù đắp lượng khí thiếu hụt trong nước do nguồn cung khai thác trong nước suy giảm… Theo tôi, chủ trương này của Chính phủ là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, do giá khí LNG nhập khẩu cao, dẫn tới giá điện sản xuất từ các nhà máy khí (sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới) cao, khó cạnh tranh với các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện than trong nước. Vì vậy, Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích dành cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư các dự án điện sử dụng khí nhập khẩu LNG.

Năng lượng Việt Nam: Nhân dịp chuẩn bị chào đón xuân Kỷ Hợi, xin ông cho biết một vài chia sẻ của mình với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Trước hết, tôi xin ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tạp chí Năng lượng Việt Nam trong công tác tuyên truyền về ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, là các chuyên đề phản biện khoa học và các văn bản kiến nghị tới Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho Tập đoàn, cũng như các đơn vị thành viên trong năm vừa qua.  Và gần đây nhất là Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc giaNhập khẩu than cho các dự án điện của PVN: Thách thức và giải pháp, v.v... đã tạo hiệu ứng tích cực, hiệu quả đến với Chính phủ, các bộ, ngành và trong dư luận xã hội.

Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới Kỷ Hợi 2019, thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tôi xin chuyển tới bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam lời chúc mừng tốt đẹp nhất và rất mong nhận được sự ủng hộ, động viên, chia sẻ của các bạn trên bước đường đi tới. 

Năng lượng Việt Nam: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn rất cởi mở và thú vị này!

MAI THẮNG (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động