RSS Feed for Sau năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu khí LNG | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 19:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sau năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu khí LNG

 - Theo dự báo, từ năm 2017 đến năm 2035 nguồn cung khí của Việt Nam sẽ không đáp ứng đủ cầu, do sự suy giảm của các nguồn khí hiện tại và sự phát triển thêm các nhà máy điện mới theo Quy hoạch Điện VII. Do vậy, cần thiết phải phát triển các nguồn khí mới, xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, phát triển các mỏ khí cận biên và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

PV Gas nghiên cứu nhập khẩu khí từ Indonesia
Thành lập Công ty cổ phần LNG Việt Nam
PV Gas tiếp tục phát triển chuỗi giá trị "khí hóa lỏng"

Theo ông Vũ Đào Minh, Ban Khai thác Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện nay, sản lượng khí trong nước cung cấp vào khoảng 10 tỷ m3 khí/năm, dự kiến sẽ duy trì đến năm 2020. Nhưng từ năm 2020 trở đi, các mỏ khí khai thác hiện hữu sẽ suy giảm ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo nguồn cung khí cho các khách hàng tiêu thụ.

Bên cạnh việc suy giảm sản lượng khí, việc phát triển các mỏ khí mới đối mặt với những khó khăn như: hàm lượng tạp chất cao (CO2, H2S), ở vị trí nước sâu, xa bờ và có vị trí tại những khu vực nhạy cảm. Những yếu tố này tác động để chi phí khai thác, thu gom, chế biến ảnh hưởng đến giá khí cung cấp cho khách hàng tiêu thụ.

Theo đó từ năm 2017 đến năm 2035 tổng cung khí của cả nước là trên 268 tỷ m3 khí trong khi tổng cầu trong khoảng thời gian này là trên 344 tỷ m3. Như vậy, cung sẽ không đáp ứng đủ cầu do sự suy giảm của các nguồn khí hiện tại và sự phát triển thêm các nhà máy điện mới theo Quy hoạch Điện VII.

Để bù đắp sự thiếu hụt này, cần thiết phải phát triển các nguồn khí mới, xây dựng cơ sở hạ tầng để thu gom, phát triển các mỏ khí cận biên và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo thông tin dự báo sản lượng LNG nhập khẩu, khu vực Đông Nam bộ sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG từ 2020, với sản lượng khoảng 0,6 triệu tấn và tăng lên khoảng 1 triệu tấn khi cả hai nhà máy điện Nhơn Trạch 3/4 đi vào vận hành.

Sau năm 2025, nhu cầu LNG nhập khẩu tăng mạnh từ mức 5 triệu tấn/năm vào 2025, tăng lên 11 triệu tấn năm vào 2030 và đạt mức 13,9 triệu tấn vào 2035.

Khu vực Bắc bộ cũng bắt đầu tham gia nhập khẩu LNG từ năm 2025 cấp bù khí cho các khách hàng tiêu thụ tại Thái Bình và các tình lân cận khu vực Bắc bộ.

Bên cạnh việc thiếu các nguồn cung, ông Vũ Đào Minh cũng cho biết, Việt Nam nhập khẩu LNG có nghĩa là đối diện với thực tế suy giảm sản lượng mạnh của các nguồn khí có giá thấp và xu hướng giá khí cao (cao hơn 5 USD/tr BTU) của các nguồn khí mới khai thác trong khoảng 3-5 năm tới.

Với giá khí tại mỏ của các nguồn khí mới khai thác cao, nhưng theo ông Minh, PVN vẫn phải tiếp tục đầu tư để thu gom, vận chuyển khí từ các mỏ nhỏ, cận biên nằm xa tuyến ống trục làm cho tổng giá khí đến các hộ tiêu thụ tăng cao.

Đây sẽ là thách thức cho việc phát triển đồng bộ ngành công nghiệp khí trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có cơ chế, chính sách hợp lý và có những khuyến khích đầu tư của Chính phủ trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt là chính sách giá bán khí khác nhau cho các đối tượng khách hàng khác nhau như: điện, hóa dầu, khách hàng công nghiệp.

Ông Vũ Đào Minh cho rằng, có được chính sách này, chúng ta mới thúc đẩy sự phát triển của thị trường khí, đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư, góp phần vào công tác an năng lượng, an ninh biển đảo, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

NangluongVietnam Online

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động