RSS Feed for Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 03:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

 - Là một ngành kinh tế có nhiều đặc thù, hoạt động trong môi trường hợp tác quốc tế, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập giúp ngành Dầu khí sớm có điều kiện cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh theo hướng đạt chuẩn quốc tế, giúp nâng cao năng lực sản xuất và dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hơn… Cùng với những thành tựu đạt được, ngành Dầu khí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong quá trình phát triển... Hội thảo khoa học “Ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức ngày 26/9, tại Hà Nội đã tập trung phân tích những nội dung trên, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị để phát triển bền vững ngành Dầu khí Quốc gia.

Petrovietnam lại một thời gian khó!
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [1]
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [2]

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” .

Khẳng định vai trò của ngành dầu khí, GS. TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Dầu khí có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế toàn cầu, cũng như đối với từng quốc gia. Ngành dầu khí luôn là ngành mũi nhọn của các quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng cho xã hội, đặc biệt là sản xuất điện và nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải...

Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành dầu khí càng trở nên quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

“Sự phát triển của ngành Dầu khí ở Việt Nam giúp chúng ta chủ động đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, cung cấp nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác. Ngành dầu khí góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia, làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định đất nước…”, GS. TS. Vũ Văn Hiền nhấn mạnh.

GS. TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Theo GS. TS. Vũ Văn Hiền: Qua hơn 40  năm  xây  dựng  và  trưởng  thành,  ngành  Dầu  khí Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành “đầu tàu kinh tế” quốc dân. Ngành dầu khí đã phát hiện và đưa vào khai thác nhiều mỏ dầu khí, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước xuất khẩu dầu thô, góp phần rất quan trọng cho sự ổn định, phát triển nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ngành Dầu khí đã tích cực mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nguồn năng lượng mới được phát triển thì ngành dầu khí nói chung và ở Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ở nước ta, việc khai thác một số mỏ khí chậm tiến độ, nguyên nhân chính do thiếu vốn… Quá trình khai thác dầu tại các mỏ ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả nên không hoàn thành kế hoạch.

Bên cạnh đó, các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng và giá dịch vụ giảm. Ở một số doanh nghiệp dầu khí, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng ở một số dự án còn thấp, không phù hợp với thời điểm đưa vào vận hành. Cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào (công nghệ, nguyên liệu) dẫn tới không có hiệu quả.

Trước những thách thức, khó khăn như trên, đòi hỏi ngành Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng trên thế giới.

TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

Theo TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, hiện nay, ngành dầu khí Việt Nam đang lâm vào cơn bão khủng hoảng nặng nề nhất từ trước tới nay.

Để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững trước thách thức hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Theo TS. Ngô Thường San, cần thiết phải sớm xây dựng khung pháp lý bao trùm lên toàn bộ hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Trong đó, bổ sung, sửa đổi các điều kiện hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng  nước sâu, xa bờ, có rủi ro tranh chấp cao, và phát triển những mỏ nhỏ kinh tế thấp.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện mô hình hoạt động tập đoàn kinh tế nhà nước sao cho phù hợp với trình độ và chất lượng nguồn lực của tập đoàn kinh tế nhà nước.

Về quản lý nhà nước, cần nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành “Quy định tạm thời” mang tính pháp quy, nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu - khí vào khai thác sớm. Đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt, có cơ chế ưu đãi (tài chính, thuế) cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước (PVEP) nhằm kích thích phát triển các mỏ nhỏ, cận biên, xây dựng tổ chức thực hiện gọn nhẹ, có phương án và giải pháp kết nối khai thác nhanh…

Trước tốc độ hội nhập sâu rộng, khi ngành Dầu khí Việt Nam chưa đủ thế và lực, để tạo sức cạnh tranh, năng suất lao động, cần phải phát huy sự liên kết nội lực, phát triển công nghệ ứng dụng, xây dựng công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ dầu khí. Đặc biệt, cần xây dựng hàng rào “chất lượng kỹ thuật” trong dầu khí, vừa tạo rào chắn, tránh “trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu”, vừa bảo hộ cho các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, xây lắp, cung ứng lao động… mà Việt Nam làm được.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - Trương Đình Tuyển.

Nói về hội nhập của ngành Dầu khí Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, với các cam kết của Việt Nam thuộc các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong cac các Hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là những định chế có mức độ hội nhập sâu rộng nhất thì mức độ hội nhập của ngành Dầu khí Việt Nam còn hạn chế.

Theo ông Trương Đình Tuyển, điều này do tính nhạy cảm của ngành dầu khí, trong đó có vùng biển đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam mà phía nước láng giềng đang xâm phạm.

“Ngoài ra, cam kết như vậy, một mặt tạo điều kiện cho ngành Dầu khí Việt Nam có thời gian để chuyển đổi, tích lũy tiềm lực để phát triển, nhưng mặt khác, cũng làm giảm động lực phấn đấu vươn lên trong một môi trường cạnh tranh. Trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội!”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các tham luận cũng đều tập trung vào khẳng định những thành tựu của ngành Dầu khí Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Nhận định những khó khăn, thách thức mà ngành dầu khí đang gặp phải. Gợi mở, đề xuất hướng tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp về quản trị doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, nguồn nhân lực... để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động