Xác định 55 vỉa than trong phần đất liền bể than Sông Hồng
10:31 | 02/01/2017
Mở bể than Sông Hồng: Phải thử nghiệm thận trọng và chắc chắn
'Thần than' đồng bằng Sông Hồng có kịp 'chuyến tàu' công nghiệp hóa?
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đây là kết quả của quá trình thực hiện Đề án "Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng" từ năm 2012 đến nay.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trong số các vỉa than đã phát hiện, có 48 vỉa than dày trên 1m, 13 vỉa than dày trên 3m, và 2 vỉa than chiều dày từ 8,6 - 10m gặp ở một số lỗ khoan.
Riêng các vỉa than dày trên 1m nằm ở độ sâu từ 379 - 1.044m, tại nhiều lỗ khoan, độ sâu gặp than nông hơn so với dự đoán. Đặc biệt, kết quả khoan ở khu vực ven biển Thái Bình Dương (ngoài đê chắn sóng) đã gặp than nông hơn dự kiến.
Về chất lượng, các kết quả phân tích cho thấy, than có chất lượng tốt, độ tro thấp (trung bình 13,26%), nhiệt lượng cao (trung bình 6.890cal/g), chất bốc lớn (trung bình 48,15%), hàm lượng lưu huỳnh thấp (trung bình 1,54%).
Hiện tại, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng với Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản đã hợp tác với Trường Đại học Wyoming, Hoa Kỳ đã nghiên cứu thử nghiệm công nghệ khí hóa than ngầm, nhằm định hướng công tác thăm dò, sử dụng hiệu quả, bảo vệ môi trường than Đồng bằng Sông Hồng.
Đề án "Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể sông Hồng" được thực hiện từ năm 2012. Tổng diện tích điều tra là 2.765 km2 thuộc địa phận các tỉnh: Thái Bình (1.521 km2), Hải Dương (435 km2), Hưng Yên (398 km2), Nam Định (272 km2), Hải Phòng (106 km2), Hà Nam (33 km2).
Đề án đề ra nhiệm vụ là khoanh định cấu trúc địa chất chứa than và các khoáng sản khác đi kèm; xác định các tầng trầm tích chứa than và các vỉa than; đánh giá tài nguyên than, xác định tiềm năng các khoáng sản khác gặp trong quá trình điều tra, đánh giá...
NangluongVietnam Online