VPI tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn
20:29 | 07/07/2019
VPI và mục tiêu tối đa hóa giá trị tài nguyên dầu khí Việt Nam
Các chuyên gia của Cục Địa chất (Đan Mạch) và Greenland thăm kho lưu trữ mẫu của VPI.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về mô hình phát triển VPI trong thời gian tới; lắng nghe các ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo chuyên sâu, phát triển chuyên gia; xây dựng hệ thống quản lý nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế; con đường nghề nghiệp; vấn đề phân phối thu nhập cho người lao động trong các hợp đồng thuê khoán chuyên môn; việc thực hiện cam kết khi tham gia hội nghị/hội thảo tại nước ngoài…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, VPI đã hoàn thành các chương trình nghiên cứu trọng tâm: Tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2017 - 2025; Định hướng công tác tìm kiếm thăm dò khu vực phía Bắc bể Sông Hồng… VPI cũng tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, trong đó có nâng cao hệ số thu hồi dầu (đối tượng trầm tích lục nguyên, bể Cửu Long); xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao kết hợp hóa dầu từ dầu thô (CNT, hóa dầu từ dầu, mô hình LP, vật liệu màng)…
VPI được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 1 bằng độc quyền sáng chế (Nhiên liệu nhũ hóa bao gồm dầu nhiệt phân sinh khối và dầu diesel), 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích (Dung dịch khoan vi bọt gốc nước dùng cho các vỉa chứa có áp suất thấp); chấp nhận đơn 2 sáng chế (Quy trình sản xuất xăng vật liệu graphen từ ống carbon kích cỡ nano, Quy trình chế tạo silic oxide kích cỡ nano từ vỏ trấu)…
Cán bộ nghiên cứu của PVI khảo sát lấy mẫu môi trường ở khu vực nước sâu.
VPI được cấp 1 Giấy chứng nhận quyền tác giả cho “Phần mềm điện trở điện dung (CRM) đánh giá ảnh hưởng của giếng bơm ép tới giếng khai thác”; 1 sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “Cải hoán hệ thống thiết bị, thiết kế, xây dựng thay thế phần mềm điều khiển đo ghi, sao lưu tự động hóa trên cơ sở kết hợp hệ thống sẵn có phục vụ phân tích các chỉ tiêu đặc biệt trên mẫu lõi ở điều kiện vỉa nhằm tối ưu khai thác và cải thiện hệ số thu hồi dầu IOR/EOR”…
VPI tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra nước ngoài (như: GeoGrid, Vniineft, Rusvietptro (Nga), Amec Foster Wheeler, Technimont, GS, JGC, DNV-GL, Mudabala, LOFT Inc…); sản xuất và cung cấp anode hy sinh để bảo vệ chống ăn mòn cho chân đế BK20, đường ống ngầm đến BK20 (mỏ Bạch Hổ, bể Cửu Long), thân bơm nước làm mát Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng…
Trong 6 tháng cuối năm 2019, VPI sẽ tiếp tục dành 70% nguồn lực để triển khai công tác nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị; sản xuất, kinh doanh hóa chất/thiết bị dầu khí, anode và phát triển sản phẩm thương mại.
Đồng thời, VPI sẽ dành 20% nguồn lực để hoàn thiện mô hình hoạt động, hệ thống quản trị; thu hút chuyên gia, đào tạo chuyên sâu; tổng hợp và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu (VPInsights); chủ động triển khai các chương trình dài hạn.
VPI cũng ưu tiên 10% nguồn lực để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra nước ngoài; xây dựng và vận hành thử mô hình sàn khoa học công nghệ; triển khai chương trình dài hạn về năng lượng thay thế.
Về mô hình phát triển trong thời gian tới, Viện trưởng Nguyễn Anh Đức, cho biết, VPI đang chuyển từ cấu trúc từ dạng cây truyền thống sang cấu trúc phẳng, tinh gọn. Lấy việc tạo ra giá trị cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các khách hàng trong và ngoài nước là trọng tâm, tổ chức tự học hỏi, tự thích nghi với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị qua thỏa thuận (hợp tác), tinh gọn, liên kết.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM