VPI và mục tiêu tối đa hóa giá trị tài nguyên dầu khí Việt Nam
11:06 | 22/05/2018
Nhà nước cấp Bằng độc quyền "giải pháp hữu ích" cho VPI
VPI tập trung phát triển sản phẩm khoa học chất lượng cao
Kết quả nghiên cứu của VPI được công bố trên Tạp chí IJERA
TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI cho biết: Sau 40 năm xây dựng và phát triển, VPI đã trở thành đơn vị nghiên cứu khoa học tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, về quy mô và tính tổng hợp đứng đầu khu vực Đông Nam Á, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các lĩnh vực trong chuỗi công nghiệp dầu khí. Các nghiên cứu của VPI trong 40 năm qua đã và đang góp phần vào sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Dầu khí Việt Nam bằng cách tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản và nghiên cứu để tạo ra các đột phá lớn.
Cụ thể, VPI triển khai các nghiên cứu điều tra cơ bản, làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí của các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng mô hình địa chất, mô phỏng khai thác vỉa dầu khí (đặc biệt với đối tượng móng granitoid chứa dầu), gia tăng hệ số thu hồi dầu, đánh giá, lựa chọn xúc tác, theo dõi và đánh giá ăn mòn, nâng cao hiệu quả các công trình/dự án dầu khí, ứng dụng nhiên liệu sinh học, dự báo tràn dầu và đánh giá tác động môi trường, giải quyết, tư vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế và quản lý dầu khí...
Một số lĩnh vực của VPI đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á như: xử lý minh giải, xây dựng mô hình, mô phỏng khai thác trong đá móng, đảm bảo dòng chảy, tư vấn nghiên cứu khả thi các dự án lọc, hóa dầu, nghiên cứu ứng dụng nhiên liệu sinh học, đánh giá, lựa chọn xúc tác, theo dõi và đánh giá ăn mòn các công trình dầu khí, dự báo tràn dầu và đánh giá tác động môi trường… “Các kết quả nghiên cứu, điều tra cơ bản của VPI được các cơ quan Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng làm luận cứ khoa học, hoạch định chính sách, chiến lược, định hướng phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam” - TS. Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Định hướng phát triển đến năm 2020, VPI tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng thành đơn vị nghiên cứu khoa học - đào tạo - ứng dụng khoa học công nghệ thống nhất, gắn liền công tác nghiên cứu, đào tạo với thực tiễn sản xuất, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà nước về phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở đó, VPI đề ra các mục tiêu cụ thể:
1/ Nghiên cứu khoa học: VPI đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn 5 - 10 năm, nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu từ nguồn kinh phí của các đơn vị sản xuất kinh doanh; gia tăng số lượng bài báo, công trình công bố quốc tế trung bình 10 - 20%/năm; gia tăng số lượng đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ gấp 2 lần so với thực hiện giai đoạn 2010 - 2015.
2/ Tư vấn thẩm định khoa học công nghệ và các hoạt động dầu khí liên quan: Phấn đấu thực hiện công tác lập, tư vấn thẩm định các dự án dầu khí trọng điểm của Tập đoàn ở trong nước và nước ngoài, thực sự đóng vai trò tham mưu chiến lược trong toàn bộ hoạt động dầu khí từ thượng nguồn đến hạ nguồn của Tập đoàn.
3/ Công tác dịch vụ khoa học công nghệ và phân tích mẫu: Phấn đấu sau năm 2015 chiếm 90%, đến năm 2020 chiếm 95% thị phần phân tích mẫu trong nước. Duy trì tốc độ phát triển nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ hàng năm khoảng 5 - 10%.
4/ Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ, ưu tiên hợp tác quốc tế trong các hoạt động xuất nhập khẩu công nghệ cao đã được thương mại hóa. Phấn đấu mỗi năm triển khai được 2 - 3 dự án hợp tác quốc tế/nghiên cứu chung.
5/ Phát triển lĩnh vực đào tạo trở thành thế mạnh của VPI, bao gồm đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo chuyên sâu, là đơn vị cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực của ngành Dầu khí, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đào tạo chuyên nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị khoa học “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam”.
Trong lĩnh vực nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, VPI đẩy mạnh nghiên cứu điều tra cơ bản, xác định tài nguyên dầu khí khu vực nước sâu, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trước Đệ Tam ở Việt Nam; hoàn thiện các hệ phương pháp phù hợp nâng cao hệ số thu hồi cho các mỏ ở Việt Nam, lập và tư vấn dự án khoan và thiết kế công trình khai thác nước sâu… góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn.
Trong lĩnh vực nghiên cứu hóa - chế biến dầu khí, VPI tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn về xúc tác, nhiên liệu sinh học, chế biến sâu khí, mô phỏng công nghệ và tiết kiệm năng lượng; nắm bắt xu hướng thị trường, công nghệ của thế giới, lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn để đề xuất các dự án hiệu quả (IRR ≥ 13%); tư vấn giải pháp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm năng lượng cho các cụm công nghệ chính của các nhà máy lọc/hóa dầu an toàn (LTI ≤ 10-7), ổn định (PAF > 95%), hiệu quả (EII, MEI trong nhóm dẫn đầu khu vực)… Lựa chọn, triển khai sản xuất thử nghiệm và từng bước áp dụng các sản phẩm nghiên cứu về nâng cao hệ số thu hồi dầu, các hệ phụ gia, hóa phẩm, đảm bảo dòng chảy vào thực tế công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí… VPI cũng tập trung phát triển lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới, trong đó trọng tâm là chống ăn mòn và bảo vệ toàn vẹn công trình.
Đối với lĩnh vực an toàn, sức khỏe và bảo vệ môi trường dầu khí, VPI tiếp tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới về vật liệu xử lý môi trường; công nghệ xử lý nước khai thác; các vấn đề kỹ thuật đặc thù trong công tác an toàn môi trường tại các khu vực nước sâu, xa bờ…
Còn trong lĩnh vực kinh tế và quản lý dầu khí, VPI rà soát, đánh giá việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển của PVN; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dự báo thị trường dầu khí, phân phối và chuỗi cung ứng; đẩy mạnh nghiên cứu và tư vấn các vấn đề liên quan đến quản trị (quản trị danh mục đầu tư, rủi ro, chi phí, nhân lực, đào tạo và phát triển, tập trung vào các phương pháp quản trị hiện đại tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp dầu khí…
Theo TS. Nguyễn Anh Đức, trong bối cảnh các công ty/nhà thầu dầu khí cắt giảm kinh phí nghiên cứu khoa học, dừng/giãn tiến độ các dự án do giá dầu biến động, VPI đã gắn công tác nghiên cứu khoa học với việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị, trong đó lấy nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm. Đặc biệt, VPI tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, phát triển sản phẩm thương mại: chế tạo xúc tác cracking công nghiệp; phát triển, ứng dụng công nghệ/sản phẩm phục vụ quản lý và tối ưu khai thác; công nghệ sản xuất anode hy sinh (hợp kim nhôm, hợp kim kẽm)...
Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, VPI đã và đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ theo 4 định hướng:
1/ Thăm dò dầu khí hiệu quả trong bối cảnh giá dầu thấp;
2/ Các giải pháp tổng thể để nâng cao hệ số thu hồi dầu;
3/ Xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao;
4/ Quản lý rủi ro trong môi trường dầu khí toàn cầu có nhiều biến động.
“Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho PVN mà còn cho ngành dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam” - TS. Nguyễn Anh Đức khẳng định.
Hội nghị khoa học với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam” được tổ chức theo hình thức trình bày kết hợp với tọa đàm, thể hiện góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề: thực trạng, cơ hội và thách thức, xu thế phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn của VPI: Cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí trên cơ sở tài liệu mới thu nổ làm tiền đề cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí; các giải pháp tổng thể nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR/IOR); xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao; và quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí toàn cầu có nhiều biến động. Từ đó, Hội nghị tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cụ thể về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM