RSS Feed for Vinacomin sẽ xuất khẩu than sang thị trường Cuba | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 13:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vinacomin sẽ xuất khẩu than sang thị trường Cuba

 - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có thông báo tới các đơn vị thành viên chuẩn bị nguồn than theo yêu cầu để xuất đi thị trường Cuba.

>> Vinacomin sẽ xuất khẩu than đến thị trường Nam Phi
>> Sẽ không bán được than nếu thuế xuất khẩu 20%

Theo đó, trong tháng 11/2012, Vinacomin sẽ xuất khoảng 18 nghìn tấn than đi thị trường Cuba. Loại than được xuất khẩu là loại than cục HG số 4 đạt tiêu chuẩn nhiệt lượng từ 7.900-8.200Kcal/kg và các tiêu chuẩn quy định khác.

Vinacomin yêu cầu các đơn vị thành viên gồm: Công ty Tuyển than Cửa Ông, Tổng công ty Đông Bắc chuẩn bị nguồn để đảm bảo thời gian giao than cho khách hàng.

Mới đây, Vinacomin cũng yêu cầu các đơn vị thành viên chuẩn bị nguồn than để xuất khẩu đi thị trường Nam Phi.

Trong tháng 9 tới Vinacomin sẽ xuất khoảng 25 nghìn tấn than đi thị trường Nam Phi. Loại than được xuất khẩu là loại than cục HG số 5 và than cục VD 6/22mm đạt các tiêu chuẩn quy định về chất lượng.

Vinacomin yêu cầu các đơn vị thành viên gồm: Công ty Tuyển than Cửa Ông, Hòn Gai; Công ty TNHH than Uông Bí, Nam Mẫu; Công ty CP than Vàng Danh và Công ty Kho vận Đá Bạc chuẩn bị nguồn để đảm bảo thời gian giao than cho khách hàng.

Liên quan đến thuế xuất khẩu than, Vinacomin vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10%. Theo Vinacomin, nguyên nhân là do tình hình sản xuất kinh doanh than cả trong nước và xuất khẩu vẫn hết sức khó khăn, nguy cơ kinh doanh năm 2012 sẽ lỗ.

Vinacomin phân tích, hiện nay thị trường than cạnh tranh gay gắt, do khủng hoảng, suy giảm kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường giảm mạnh, nhiều nước giảm thuế xuất khẩu than xuống để cạnh tranh, không thể giữ nguyên thuế để bán một mình một chợ.

Vinacomin đưa ra ví dụ: Inddonessia hàng năm sản xuất khoảng 340 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 280 triệu tấn thì thuế xuất khẩu là 0%, Úc có sản lượng tương đương Indonessia cũng áp dụng thuế xuất khẩu 0%, Trung Quốc là nước sản xuất trên 3 tỷ tấn/năm, vừa xuất khẩu và nhập khẩu than hàng trăm triệu tấn/năm, nhưng thuế xuất khẩu than cũng chỉ có 10%, Mông Cổ áp dụng thuế xuất khẩu than tùy theo chủng loại chất lượng cao thì thuế suất cao hơn nhưng tối đa không quá 7%…

Cùng đó, giá xuất khẩu than thế giới đã giảm mạnh tới 25-40% so với cuối năm 2011. Trong khi đó, Việt Nam áp dụng thuế suất 20% cho nên trong lúc này, các doanh nghiệp ngành Than Việt Nam không thể bán được than.

Bên cạnh đó, Vinacomin còn bị lỗ trên 8.000 tỷ đồng do phải bán than cho sản xuất điện dưới giá thành sản xuất. Vinacomin cho rằng, dù giá than bán cho sản xuất điện đã được tăng 10 - 11,5% từ ngày 1/7/2012 (theo quy định tại Thông tư 17/2010/TT-BCT ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương), song tổng giá than mới chỉ tăng được gần 300 tỷ đồng, trong khi tổng số giá than bán cho điện thấp hơn giá thành là 8.500 tỷ đồng. Với khoản tiền trên 8.000 tỷ đồng, Vinacomin cho hay chưa có nguồn nào để bù đắp.

Hiện, gánh nặng thuế đang là yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của than xuất khẩu. Theo Vinacomin, nếu tính các khoản thuế đối với than xuất khẩu của Việt Nam thì ngoài thuế xuất khẩu 20% thì thuế GTGT đầu vào than xuất khẩu không khấu trừ 10%, các thuế phí khác khoảng 10% (gồm thuế tài nguyên bình quân 6%, phí môi trường 10.000 đ/tấn, chi phí môi trường, thăm dò…), tổng số thuế khoảng 40%.

Như vậy, sau khi xuất khẩu, ngành Than chỉ còn 60% để cân đối chi phí sản xuất (gồm khấu hao khoảng 10%, tiền lương công nhân mỏ khoảng 18%, mua nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực và các chi phí khác khoảng 32%...).

Để giảm khó khăn, Vinacomin đã tạm thời cắt giảm nhiều khoản chi phí từ 15-20%, tạm thời lùi lại đất bóc đến năm sau mới thực hiện trên 15% so với yêu cầu kỹ thuật, chi phí hạ tầng, môi trường và thậm chí tiền lương công nhân mỏ đã cắt giảm 2 lần trên 10%. Tuy nhiên, nỗ lực này không đủ bù đắp phần gánh nặng về thuế và giá thế giới giảm.

Do đó, Vinacomin cho rằng, trong điều kiện thuận lợi thì nhiệm vụ xuất khẩu này còn phải bù giá than cho điện. Nhưng khi khó khăn, Nhà nước cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp. Vì sau khi trừ thuế xuất khẩu, Vinacomin không bù đắp được chi phí, giá bán thấp hơn giá than, nguy cơ lỗ cho nên không thể xuất khẩu được. Điều này cũng kéo theo, Nhà nước cũng không thu được thuế vì không có sản lượng than xuất khẩu để tính thuế.

Như vậy, cả hai nội dung điều chỉnh giá than để bù đắp chi phí, tăng sản lượng xuất khẩu đều chưa thực hiện được theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu lỗ năm 2012, Vinacomin sẽ không có điều kiện duy trì sản xuất và xây dựng mỏ mới nhằm đảm bảo sản lượng theo quy hoạch ngành Than, đảm bảo nhu cầu than tăng cao cho nền kinh tế vào các năm 2014 - 2015. Việc làm và thu nhập của thợ mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với trên 10 vạn công nhân viên xuất than và khoảng 4 lần số đó những người trong gia đình thợ mỏ và các ngành nghề phục vụ trên vùng mỏ, chưa kể còn nhiệm vụ nộp ngân sách trung ương và địa phương bị giảm sút nghiêm trọng,...

Do đó, để đảm bảo cho việc xuất khẩu được than, ổn định sản xuất, việc làm cho công nhân vùng mỏ, cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách, Vinacomin kiến nghị Chính phủ xem xét sớm điều chính giảm thuế xuất khẩu than năm 2012 xuống mức 10%.

Việc giảm thuế xuất khẩu than trong lúc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho ngành Than và an sinh xã hội.

NangluongVietnam

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động