RSS Feed for Vinacomin công bố thông tin về việc tạm dừng đầu tư cảng Kê Gà | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 18:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vinacomin công bố thông tin về việc tạm dừng đầu tư cảng Kê Gà

 - Trước sự quan tâm của dư luận về việc dừng đầu tư cảng Kê Gà (Bình Thuận), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có văn bản cung cấp thông tin chính thức về vấn đề này. Toà soạn NangluongVietnam.vn xin gửi đến bạn đọc các nội dung chính trong văn bản mà Vinacomin công bố.

>> Chính phủ đồng ý tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà
>> Tái cơ cấu Vinacomin: Nên bắt đầu từ đâu, như thế nào?

Vì sao Vinacomin lại đề nghị tạm dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà

Ngày 17/12/2012, Vinacomin đã có văn bản số: 6526/VINACOMIN-HĐTV, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn cảng phục vụ các dự án Bôxit - Nhôm của Vinacomin. Sau khi cân nhắc một cách thận trọng, đặc biệt là với sự tư vấn của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), Hội đồng thành viên Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng về việc tạm dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà - Bình Thuận, với các lý do chủ yếu sau:

Trên cơ sở định hướng của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxit nhôm và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn/năm; năm 2020: 17,5 triệu tấn/năm; năm 2025: 27 triệu tấn/năm; năm 2030: 37 triệu tấn/năm.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch bauxit trên, cho đến nay mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch là Dự án Tân Rai - Lâm Đồng (công suất 650.000 tấn alumin/năm) và Dự án Nhân Cơ - Đắk Nông (cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm) do Vinacomin là chủ đầu tư.

Nhà máy alumin Tân Rai cuối năm 2012 đã chạy thử và ra sản phẩm alumin. Nhà máy alumin Nhân Cơ dự kiến giữa 2014 sẽ ra sản phẩm. Các dự án sản xuất hydroxit nhôm­, alumin, điện phân nhôm khác đều không được đầu tư theo đúng tiến độ dự kiến trong Quy hoạch, một phần do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ khoáng sản và giá khoáng sản giảm thấp, mặt khác do các vấn đề phức tạp về công nghệ, kỹ thuật, môi trường khi đầu tư xây dựng các dự án này, nên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch bauxit cho phù hợp.

Dự án xây dựng cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ.

Bên cạnh đó, trên thực tế, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án cảng đã được phê duyệt. Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới.

Đây là nguyên nhân dẫn đến đề xuất tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà của Vinacomin. 

Đề xuất này đã được các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Việc dừng xây dựng cảng Kê Gà có những ảnh hưởng gì?

Việc dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến 2 dự án bauxit - alumin đã và đang đầu tư vì trong giai đoạn đầu, khối lượng sản phẩm cần thông qua cảng của 2 dự án này còn thấp nên Vinacomin thực hiện phương án thuê cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép (cảng Gò Dầu, cảng Phú Mỹ…).

Về lâu dài, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinacomin đang phối hợp với TEDI nghiên cứu lựa chọn quy mô và địa điểm xây dựng cảng phù hợp với quy hoạch phát triển bauxit - nhôm, Quy hoạch ti - tan và kinh tế khu vực.

Việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án. Các doanh nghiệp du lịch sẽ lại tiếp tục được thực hiện dự án du lịch của mình.

Giai đoạn 1 của dự án có liên quan tới 4 doanh nghiệp du lịch, giai đoạn 2 liên  quan đến 43 hộ dân và 8 doanh nghiệp du lịch.

Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn 1, Vinacomin đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tiến hành kiểm đếm xong 43/43 hộ dân và 11/12 doanh nghiệp du lịch đồng thời tiến hành tổ chức đền bù giai đoạn 1 cho 4 doanh nghiệp du lịch với giá trị đền bù giải phóng mặt bằng được UBND huyện Hàm Thuận Nam phê duyệt là 4,63 tỷ đồng. Vinacomin đã chuyển 4 tỷ đồng cho địa phương, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp du lịch đã nhận tiền và bàn giao đất.

Vinacomin sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận trong việc lập phương án xử lý khối lượng công việc còn lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai - Lâm Đồng

Khi lập dự án thử nghiệm bauxit Tân Rai - Lâm Đồng là có hiệu quả kinh tế. Song ở thời điểm hiện nay, do kinh tế thế giới suy giảm và giá các mặt hàng khoáng sản trong đó có alumin cũng giảm theo dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của dự án. Vì thế, Vinacomin sẽ đề xuất với Chính phủ một số cơ chế chính sách trong giai đoạn đầu của dự án để tăng tính hiệu quả.

Đến nay, dự án Tân Rai - Lâm Đồng đã hoàn thành đầu tư, Nhà máy alumin của dự án đang trong giai đoạn chạy thử, ngày 26/12/2012 đã có sản phẩm alumin đầu tiên, kết quả phân tích bước đầu cho thấy chất lượng sản phẩm alumin đạt yêu cầu theo hợp đồng EPC đã ký kết.

Hiện nay, Vinacomin đang tích cực chỉ đạo việc hoàn thiện quá trình chạy thử để đưa Nhà máy vào sản xuất trong quý 2/2013. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án chưa đạt theo mục tiêu là vốn đầu tư tăng, trượt giá, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng và đặc biệt giá alumin tại thời điểm hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lại giảm xuống mức dưới 340 USD/tấn. Kết quả tính toán trên là áp dụng theo mặt bằng giá hiện nay trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và giá các mặt hàng khoáng sản nói chung trên thế giới đều giảm.

Vinacomin cho rằng sẽ không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần của dự án đối với chủ đầu tư mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng của Dự án đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên. Dự án sẽ thu hút khoảng 1.500 lao động địa phương, có đóng góp cho ngân sách TW và địa phương, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội cho địa phương và khu vực.

Vinacomin cũng cung cấp thêm thông tin về khả năng nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ đã có kết quả ban đầu khích lệ, khả năng thành công lớn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tích cực khẩn trương hoàn thiện Đề tài ở quy mô thử nghiệm để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho Dự án và đặc biệt là giảm thiểu mức độ ô nhiễm của bùn đỏ, giảm thiểu việc đầu tư hồ bùn đỏ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với dự án.

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định mức độ hiệu quả của Dự án là giá bán alumin, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sản xuất nhôm bị chững lại, vì vậy giá alumin cũng giảm theo và hiện nay đứng ở giá thấp dưới 340 USD/ tấn. Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, Tập đoàn tin chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm sẽ tăng trở lại và việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực (có thời điểm năm 2008 giá alumin đã đạt mức 500 USD/tấn).

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 dự báo dao động trong khoảng 300 USD/tấn đến 640 USD/tấn, trung bình ở khoảng 450 USD/tấn.

Với các yếu tố thuận lợi nêu trên cùng các biện pháp tăng cường công tác quản lý, tiết giảm chi phí và cơ chế chính sách thuế, phí hợp lý, về lâu dài, Vinacomin tin rằng dự án Tân Rai - Lâm Đồng, mặc dù với tính chất là dự án thử nghiệm, nhưng sẽ có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể.

Về dự án Nhân Cơ tại tỉnh Đắk Nông

Việc quyết định đầu tư Dự án Nhân Cơ cũng như dự án Tân Rai là căn cứ vào tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của Dự án tại thời điểm xem xét và có tính đến mức độ rủi ro của Dự án. Vinacomin quyết định đầu tư dự án Nhân Cơ tại tỉnh Đắk Nông đã tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; tại thời điểm phê duyệt dự án điều chỉnh (tháng 2/2010), dự án đạt hiệu quả kinh tế.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ được khởi công ngày 28/02/2010, hiện nay đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, nhà thầu đang tiến hành lắp đặt thiết bị, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%.

Dự kiến hoàn thành đầu tư Nhà máy và có sản phẩm vào giữa năm 2014, vì vậy, việc dừng dự án Nhân Cơ trong bối cảnh hiện nay là không thực tế. Vì cũng như các dự án đầu tư khác, hiệu quả dự án đã lập phụ thuộc chủ yếu vào biến động của giá thành và đặc biệt là giá bán trong tương lai.

Hiện nay, Vinacomin đang rà soát, cập nhật và tính toán lại tổng mức đầu tư, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế thuần túy cũng như hiệu quả kinh tế-xã hội tổng hợp của dự án.

NangluongVietnam.vn

 

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Trung - Nhật đối đầu và bài học 100 năm
Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Trung Quốc khó có thể bước qua 'lời nguyền' Nhật Bản
Năm 2013: Hoa Đông 'mùa biển lặng'?
Thái Bình Dương: Nổi sóng cồn
Lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ mạnh nhất Đông Nam Á
Bắc Triều sẵn sàng cho 'bước chuyển mình vĩ đại'

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động