RSS Feed for Vimico lớn mạnh trong "ngôi nhà chung Vinacomin" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 09:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vimico lớn mạnh trong "ngôi nhà chung Vinacomin"

 - Từ những đơn vị thành viên trực thuộc 3 tổng công ty trước đây, sau 17 năm (27/10/1995 - 27/10/2012) tập hợp tại mái nhà chung là Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin, các công ty con, công ty trực thuộc đã cùng nhau lớn mạnh, tạo nên một vị thế vững chắc trong giai đoạn phát triển và hội nhập. Hiện đang lớn mạnh cùng năm tháng, phát triển đa dạng ngành nghề và nhiều lĩnh vực; quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước trải dài từ Cao Bằng, Lai Châu đến nghệ An, Hà Tĩnh.

LÊ ĐỨC MẬU

Tăng trưởng mạnh sau khi gia nhập mái nhà chung Vinacomin

Được công nhận là Tổng công ty Nhà nước hạng đặc biệt và mới đây chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH nhà nước một thành viên, Tổng công ty Khoáng sản (Vimico) hiện có vốn điều lệ là 1.350 tỷ đồng với mô hình quản lý quy mô và trải rộng.

Theo đó, Công ty mẹ bao gồm cơ quan quản lý điều hành và 4 chi nhánh là công ty sản xuất; hai công ty do Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ, 13 công ty con Tổng Công ty giữ cổ phần chi phối và 7 công ty liên doanh liên kết. Vimico đang hoạt động chính ở các lĩnh vực: điều tra khảo sát, thăm dò địa chất khai thác các loại khoáng sản như: kim loại mầu (thiếc, chì, kẽm, đồng, nhôm..); kim loại đen (sắt, mangan, crom, titan), các loại nguyên liệu sử dụng trong hàng trang sức như: ngọc trai, san hô; tuyển luyện gia công chế biến các loại khoáng sản; chế tác sản xuất hàng trang sức mỹ nghệ; các mặt hàng công nghiệp dân dụng từ khoáng sản, kim loại.

Bên cạnh đó, Tổng công ty còn nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào lĩnh vực thăm dò luyện kim, đá quý, vàng, ngọc trai, hàng trang sức mỹ nghệ; đào tạo công nhân kỹ thuật về luyện kim, tuyển khoáng, khai thác mỏ, gia công chế tác đá quý; kinh doanh xuất nhập khẩu các loại khoáng sản và chế biến khoáng sản, xây lắp các công trình công nghiệp mỏ - Luyện kim và công trình dân dụng, kinh doanh dịch vụ khách sạn, văn phòng cho thuê, dịch vụ vận tải, dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế…

Với số vốn Nhà nước giao ban đầu khi mới thành lập chỉ có 106 tỷ đồng, chủ yếu do tiếp nhận và sáp nhập các đơn vị, hầu như chưa được Nhà nước bổ sung thêm vốn, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển về lâu dài và ổn định từ những khó khăn tưởng như không dễ vượt qua; tập trung vào trọng tâm là phát triển tài nguyên và chuẩn bị các dự án khai thác chế biến các loại khoáng sản kim loại đồng, nhôm, thiếc, kẽm, crommite và đất hiếm... Trước mắt, đầu tư các dự án vừa và nhỏ để nâng cao vai trò chủ đạo của đơn vị trong ngành khai thác chế biến khoáng sản.

Qua vài năm, nhiều dự án đã được đưa vào sản xuất có hiệu quả, hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh liên tục được triển khai. Từ năm 1997 - 2000, Vimico đã phát triển nhiều dự án như: lò quay sử lý quặng ôxit nghèo, sản xuất oxit kẽm 60% quy mô 4.000 tấn sản phẩm/năm; khai thác inmenite Kỳ Xuân 20.000 tấn tinh quặng/ năm; xưởng tuyển nổi làm giầu quặng sunfua kẽm chì Chợ Điền 6.000 tấn tinh quặng kẽm/năm; cải tạo xưởng tuyển nổi kẽm chì Làng Hích 3.000 tấn tinh quặng kẽm/năm; các lò điện sản xuất feromangan; ferosilic 2.000 tấn/năm…; tổng mức đầu tư của các dự án gần 150 tỷ. Các dự án triển khai có hiệu quả đã tạo điều kiện tăng thêm việc làm cho gần 2.000 lao động.

Tiếp đó, liên tục những đổi mới về đầu tư và sản xuất kinh doanh đã đưa mức tăng trưởng và giá trị tổng sản lượng bình quân 10 năm của Tổng công ty đạt trung bình trên 13% năm, khắc phục dần các khó khăn và thua lỗ của các đơn vị, lợi nhuận sản xuất kinh doanh ngày một tăng. Trong giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân của Vimico là 11,45%; giai đoạn 2001 - 2005 là 13,5%, thu nhập bình quân của người lao động từ chỗ 303,5 ngàn đồng/người/tháng năm 1995 đã đạt 1.765 000 đồng/người/tháng vào năm 2005, và 6.020.000 đồng/người/tháng năm 2011.

Sự lớn mạnh của Vimico được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2010 bằng việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, đưa các công trình, dự án lớn vào sản xuất như Tổ hợp đồng Sin Quyền bao gồm Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền và Công ty luyện đồng Lao Cai; Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên. Song song với đó, Tổng Công ty tiếp tục triển khai đầu tư các dự án lớn khác như Gang thép Cao Bằng, Gang thép Lào Cai, Đất hiếm Lai Châu, vàng Minh Lương, dự kiến tổng giá trị đầu tư 5 năm 2006 - 2010 của Tổng công ty là 7.223 tỷ tăng gấp 5,9 lần so với kế hoạch 5 năm trước đó. Đây cũng là thời kỳ, Tổng công ty thực hiện đầu tư mạnh vào chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này so với giai đoạn trước đều tăng từ 3 đến 4 lần.

Đẩy mạnh chế biến sâu khoáng sản, mở rộng kinh doanh

Không dừng ở việc khai thác, xuất thô khoáng sản, Vimico đã đầu tư nhiều cho công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị các mặt hàng khoáng sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Từ năm 2005 về trước, phần lớn các loại sản phẩm khoáng sản của Tổng công ty vẫn tiêu thụ dưới dạng quặng thô hoặc tinh quặng mà chưa có sản phẩm chế biến sâu ở quy mô lớn. Đến quý IV/2006, Nhà máy kẽm của Công ty KLM Thái Nguyên với công suất 10.000 tấn/năm đi vào hoạt động, đánh dấu khởi đầu giai đoạn chế biến sâu với quy mô lớn nhằm đưa sản phẩm kẽm thỏi đầu tiên để cung cấp cho thi trường nội địa. Tiếp đến là sản phẩm đồng tấm kim loại khi tháng 8/2008, Tổng công ty tổ chức khánh thành Nhà máy Luyện đồng Lào Cai công suất 10.000 tấn/năm.

Theo lộ trình đến cuối năm 2013, sản phẩm phôi thép đầu tiên của Tổng công ty chính thức được ra mắt tại Công ty cổ phần Gang thép - Cao Bằng với công suất 221.600 tấn/năm.

Là một ngành có đặc thù địa bàn hoạt động chủ yếu là các tỉnh miền núi, điều kiện giao thông, đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu ngày càng gia tăng về cán bộ và công nhân kỹ thuật cho phát triển các dự án và các doanh nghiệp mới thành lập đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành. Ngoài việc xây dựng chính sách khuyến khích cán bộ tăng cường đảm nhận nhiệm vụ các dự án ở vùng sâu, vùng xa, thì công tác đào tạo công nhân kỹ thuật cũng là vấn đề “nóng” mà Tổng công ty đang tập trung giải quyết.

Hiện nay, Vimico đang triển khai đồng bộ các giải pháp, kết hợp với địa phương để đào tạo các ngành nghề cần tuyển dụng, gửi đào tạo ở các trường trong và ngoài ngành, liên kết với các Tập đoàn luyện kim Trung Quốc để đào tạo và đào tạo lại nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng lao động từ nay đến 2015 là 800-1.000 công nhân kỹ thuật/năm.


Hát múa bên tượng đài Bác Hồ tại Tĩnh Túc Cao Bằng

Trong suốt chặng đường 17 năm hoạt động, Tổng Công ty đã không ngừng đổi mới công tác quản lý, cấu trúc lại các doanh nghiệp, đề ra các chủ trương sát thực như quản lý kỹ thuật cơ bản, quản trị chi phí, bao tiêu sản phẩm chính, hoàn thiện các quy chế quản lý, đặc biệt quân tâm đế đẩy mạnh công tác khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động, xây dựng các tổ hợp công nghiệp với công nghệ chế biến sâu tại các địa bàn. Trong đó, chú trọng quy hoạch từ quy mô sản xuất, ngành nghề cần ưu tiên, quan tâm đến tiền lương, tiền công của người lao động, đầu tư cơ sở vật chất chăm lo đời sống của công nhân như xây dựng cụm nhà sinh hoạt văn hoá cho công nhân mỏ, xây dựng nhà ở tập thể hiện đại, nhà điều dưỡng cho CNVC… nhằm tạo dựng môi trường “an cư”, phục vụ cho phát triển bền vững, từng bước xây dựng niềm tự hào về văn hoá doanh nghiệp.

Hướng tới tương lai

Quãng đường 17 năm với những thành quả đã đạt được sẽ là động lực và bệ phóng để Vimico vững vàng hơn trên chặng đường phát triển và hội nhập.

Bước vào kế hoạch kinh doanh mới, giai đoạn 2011-2015, Vimico đã đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh các dự án mới đang được đầu tư tại các địa phương là tổ hợp Gang thép Lào Cai, tổ hợp Gang thép Cao Bằng, Mỏ vàng Minh Lương (Lào Cai), Đất hiếm Lai Châu, Vimico còn đầu tư mở rộng Công trình tổ hợp đồng Sin Quyền, Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên...

Cùng với nguồn nhân lực đã được đào tạo và trải qua nhiều khó khăn thử thách trong sản xuất kinh doanh các thời kỳ, Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2015, Vimico sẽ đạt giá trị tổng sản lượng 6.133,8 tỷ đồng; đạt mức tăng trưởng bình quân 31%năm; tổng doanh thu đạt 30.127,4 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 31,5% năm; nộp ngân sách đạt 3.319.540 triệu đồng; đạt mức tăng 30,4% năm; lợi nhuận: 3.290,2 tỷ đồng; thu nhập của người lao động bình quân đạt 6.022.000 đồng/người tháng.

Về lâu dài, Tổng Công ty sẽ tập trung vào đầu tư chiều sâu để nâng cao trình độ công nghệ tận thu hết tài nguyên khoáng sản, đảm bảo thân thiện với môi trường. Đồng thời sẽ nghiên cứu để thực hiện đầu tư chế biến các sản phẩm từ sau khâu luyện kim, đảm bảo cơ sở cho sự phát triển bền vững.

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

6 nội dung phát triển bền vững Tổng công ty Đông Bắc
Không cần "giải pháp Đặng Tiểu Bình" trên Biển Đông
Nhật Bản phải làm gì để đối phó với "những cái đầu nóng"?
Chống tham nhũng, đừng dùng "bình cũ rượu cũ"

Nguồn Vinacomin

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động