Vận chuyển Khí Đông Nam bộ: Dấu ấn 19 năm hình thành và phát triển
08:11 | 17/09/2021
Tổng Công ty Khí Việt Nam: Hành trình 31 năm xây dựng và phát triển Tháng 9/2021, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đón mừng tuổi mới giữa mùa thu, hướng về những ngày kỷ niệm đáng nhớ của dân tộc và của ngành Dầu khí. Kỷ niệm tuổi 31 của PV GAS năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi cả nước đang quyết liệt chiến đấu để chiến thắng “giặc Covid”, từng bước khôi phục và đưa nền kinh tế trở lại đà phát triển. Ở thời điểm “lửa thử vàng”, nhìn lại lịch sử phát triển đầy tự hào đã qua, toàn thể PV GAS càng thêm quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu; phát huy truyền thống văn hóa doanh nghiệp, tự tin vững bước trên những chặng đường mới. |
Suốt 19 năm hình thành và phát triển đơn vị trong chuỗi lịch sử 31 năm PV GAS, KĐN luôn là một trong những đơn vị tiên phong và chủ chốt của PV GAS, đảm bảo hoạt động an toàn - hiệu quả - liên tục; cung cấp khí ổn định, tối đa theo yêu cầu của các hộ tiêu thụ, với công suất khoảng 22 triệu m3 khí/ngày đêm cho quá trình sản xuất khoảng 15% sản lượng điện, 40% sản lượng đạm quốc gia, góp phần để PV GAS giữ vững vai trò quan trọng trong sự nghiệp an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia.
Những mốc son trên hành trình tiếp nhận, quản lý và vận hành các công trình khí:
Ngày 12/9/2002, Xí nghiệp Vận chuyển khí (XNVCK) được thành lập, với 91 CBCNV, nhận nhiệm vụ chính là vận hành, bảo dưỡng hệ thống đường ống dẫn khí từ ngoài giàn vào bờ, các trạm và trung tâm phân phối khí, các công trình và thiết bị phụ trợ có liên quan cũng như việc nhận khí ẩm và phân phối khí khô tới các hộ tiêu thụ. Đến tháng 12/2002, Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ (GDC Phú Mỹ) được thành lập với quy mô lớn nhất tại thời điểm đó, với công suất giai đoạn I là 10 triệu m3/ngày đêm, đánh dấu một bước ngoặt mới trong công tác vận hành, quản lý hệ thống tuyến ống và các trạm khí của KĐN. Ngày 15/8/2007, thực hiện chủ trương chuyển đổi các Tổng công ty Nhà nước thành các Tập đoàn kinh tế, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ chính thức được thành lập, trên cơ sở XNVCK.
Năm 2008 đánh dấu cột mốc KĐN mở rộng và vươn đến thị trường Đồng Nai và TP. HCM bằng việc cung cấp khí cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch, Hiệp Phước với công trình trạm cung cấp khí nhanh. Đến năm 2010, Trạm Phân phối Khí Nhơn Trạch và Hiệp Phước đã xây dựng xong, bàn giao và đi vào hoạt động. Đây là một minh chứng cho sự trưởng thành của PV GAS/KĐN qua từng giai đoạn vận hành hệ thống tuyến ống dẫn khí và các trạm phân phối khí, nâng công suất tiêu thụ khí hiện tại lên đến 22 triệu m3/ngày đêm.
Ngày 7/8/2015, dự án thu gom khí Hàm Rồng - Thái Bình được đưa vào hoạt động, đánh dấu một sự kiện rất quan trọng đối với KĐN. Với tinh thần nỗ lực, sáng tạo, bền bỉ của tập thể KĐN, đến nay dự án đã đi vào vận hành an toàn và ổn định, tô đậm nét cho bản đồ khí Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 19 năm, KĐN hiện tại đang giữ nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 1 (NCS1), Cửu Long (CL), Nam Côn Sơn 2 (NCS2) và các trạm phân phối khí. Đối với hệ thống NCS1, Trung tâm Phân phối Khí Phú Mỹ được đưa vào vận hành năm 2002; đối với hệ thống khí Cửu Long, các công trình như: Tuyến ống Rạng Đông - Bạch Hổ, đưa vào hoạt động năm 2003, đến năm 2008 kết nối thêm tuyến ống thu gom khí Sư Tử Vàng - Rạng Đông. Năm 2010, giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi được KĐN tiếp nhận vận hành, thu gom, tiếp nhận và xử lý khí đồng hành khu vực mỏ Rồng - Đồi Mồi.
KĐN còn tiếp nhận và vận hành Hệ thống Thu gom khí thấp áp Vòm Bắc mỏ Bạch Hổ từ năm 2010; công trình tuyến ống thu gom khí mới Tê Giác Trắng, Hải Sư Trắng từ năm 2011; công trình mở rộng thu gom khí mỏ Rồng - Đồi Mồi từ năm 2012, nâng công suất giàn nén khí mỏ Rồng lên 1,5 triệu m3/ngày đêm như hiện nay. Song song với đó, KĐN cũng phụ trách các công trình vận chuyển phân phối khí trong bờ được mở rộng như Hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP. HCM với GDC Nhơn Trạch và GDS Hiệp Phước, cung cấp khí cho các khách hàng nhà máy điện và khu công nghiệp với sản lượng đến 5 triệu m3/ngày đêm.
Ngày 5/12/2015, tuyến ống NCS2 giai đoạn 1 thuộc Dự án NCS2 tiếp nhận về bờ dòng khí đồng hành đầu tiên từ mỏ Đại Hùng. Tiếp theo, tháng 12/2016, dòng khí đầu tiên từ mỏ Thiên Ưng đánh dấu cột mốc phát triển mạnh mẽ của KĐN khi tiếp nhận quản lý vận hành an toàn và ổn định dự án thành phần thuộc chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, tạo bước khởi đầu thuận lợi cho việc phát triển mở rộng dự án trọng điểm này của PV GAS. Giai đoạn 2 của Dự án NCS2 với 118 km đường ống biển từ KP 207.5 đến trạm tiếp bờ Long Hải; khoảng 10 km từ trạm tiếp bờ Long Hải đến Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và khoảng 29 km dẫn sản phẩm khí khô đến GDC Phú Mỹ. Với việc triển khai thực hiện Dự án NCS2, việc đầu tư xây dựng Đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt (SV - ĐN) với 2 tuyến ống thành phần, trong đó đường ống dẫn khí từ giàn Thiên Ưng đến giàn SV chiều dài khoảng 23 km và đường ống dài 23 km dẫn khí từ giàn SV kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại khu vực BK Thiên Ưng đã được khẩn trương hoàn thành.
Ngày 16/11/2020, tại điểm tiếp nhận khí vào bờ tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, PV GAS đã đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng, thuộc Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2. Từ ngày 16/11/2020 đến nay, với lưu lượng từ 0,85 - 4,95 triệu m3/ngày, tính đến 20/9/2021, sản lượng khí từ dự án NCS2 đã đạt 785 triệu m3. Bên cạnh đó, KĐN cũng đang chuẩn bị cho tiếp nhận khí hóa lỏng LNG từ Kho cảng Vũng Tàu (dự kiến tháng 8/2022).
Sự phát triển mở rộng liên tục các công trình mới cũng như tiếp nhận thêm các nguồn khí từ các Lô 09.1/09.3, Lô 15.1, Lô 15.2, Lô 12W và nguồn khí Hải Thạch - Mộc Tinh Lô 05.2 & 05.3 và Đại Hùng Lô 05.1, Thiên Ưng Lô 04.3 cuối năm 2016 đã giúp KĐN liên tục mở rộng quy mô công suất vận chuyển và phân phối khí lên đến 22 triệu m3/ngày đêm như hiện nay. Sản lượng khí hằng năm không ngừng tăng mạnh với liên tiếp những cột mốc mới, cao nhất vào năm 2019 với sản lượng 9 tỷ m3 khí. Tuy nhiên giai đoạn từ năm 2020 đến nay, KĐN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự cạnh tranh sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ và sự bùng phát của dịch Covid-19…
Sản lượng khí giai đoạn 2002 - 2021. |
Nâng cao chất lượng công tác phối hợp với khách hàng trong việc vận hành chuỗi hệ thống khí Đông Nam bộ:
Trong chặng đường 19 năm hình thành và phát triển, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức nhưng Ban Lãnh đạo và tập thể NLĐ KĐN luôn ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động của hệ thống công trình khí; cam kết tiên phong trong mọi hoạt động để cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống vận chuyển khí chuyên nghiệp, đảm bảo lợi ích tối ưu cho khách hàng, cho đối tác. Đây cũng chính là chìa khóa giúp KĐN vững vàng vượt qua mọi khó khăn, trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ vận hành vận chuyển khí hàng đầu tại Việt Nam; từng bước khẳng định năng lực, uy tín và đảm bảo lợi ích tối ưu cho đối tác, khách hàng.
Với vai trò là khâu giữa (Mid-stream) kết nối giữa các nhà sản/xuất cung cấp khí và các khách hàng tiêu thụ khí, Công ty KĐN luôn nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong công tác phối hợp, hợp tác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với quan điểm “Cung cấp sản phẩm khí với dịch vụ và chất lượng tốt nhất”, Công ty luôn cố gắng để đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Nếu vào ngày đầu thành lập, KĐN chỉ có 3 khách hàng, thì đến nay đã phát triển lên 9 khách hàng lớn bao gồm: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty Nhiệt Điện Phú Mỹ (Tổng Công ty Phát điện 3) gồm các nhà máy điện PM1, PM2.1 , PM2.1 mở rộng, PM4, Nhà máy điện PM2.2 BOT, Nhà máy điện PM3 BOT, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 1, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Công ty Cổ phần Phân Phối khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Số lượng khách hàng tăng lên đã mở ra một thị trường cung cấp khí đầy tiềm năng phía trước.
Với ý nghĩa quan trọng của việc hoạt động trong chuỗi năng lượng quan trọng: Hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2 ở khu vực Đông Nam bộ, trong những năm vừa qua, KĐN cùng các bên liên quan của chuỗi hệ thống khí Đông Nam bộ đã phối hợp chặt chẽ, chia sẻ khó khăn và đã có những hợp tác thành công để đảm bảo nguồn khí được cung cấp an toàn, liên tục, đảm bảo chất lượng đến cho khách hàng, tạo nên sự thành công trong kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của mỗi bên, đóng góp chung cho ngành năng lượng, ngành lương thực Việt Nam trong những năm qua. Cũng từ đây, PV GAS - KĐN đã xác định quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, đối mặt với một thách thức: Đó là phải vươn tới không ngừng, không chỉ làm tốt trách nhiệm ở hạ nguồn giá trị khí mà phải tích cực tham gia đầu tư thượng nguồn để duy trì nguồn cấp khí ổn định. Trong thời gian tới, khi các các nguồn khí ngày càng suy giảm, việc bổ sung nhiều nguồn khí mới không lớn để bù đắp và duy trì nguồn cung sẽ tạo thách thức trong việc đảm bảo duy trì số lượng, chất lượng khí cung cấp.
Phát huy tinh thần và bản sắc văn hóa doanh nghiệp của PV GAS, KĐN không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác phối hợp vận hành; công tác an ninh - an toàn - phòng chống cháy nổ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình khí, không để xảy ra tai nạn sự cố nào gây thiệt hại về con người và môi trường, tiếp tục góp phần để PV GAS giữ vững vai trò quan trọng trong sự nghiệp an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM