Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nước mắm
15:18 | 05/01/2017
Chuẩn bị thi công tổ hợp năng lượng tái tạo Quảng Bình
Mỗi ngày thế giới lắp đặt 500.000 tấm pin mặt trời
"Món nợ carbon" của năng lượng mặt trời
Mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nước mắm mang lại lợi ích kép ở Hà Tĩnh.
Thân thiện môi trường
Ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh cho biết, mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời trong nghề sản xuất và chế biến nước mắm ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên được triển khai từ tháng 10/2014, với quy trình khép kín, tuần hoàn giúp hạn chế sự phát triển của vi sinh vật có hại.
Hệ thống thu nhiệt, cấp nhiệt thông qua tấm thu năng lượng mặt trời (NLMT) có tác dụng hấp thu và tích tụ ánh sáng mặt trời, làm gia tăng nhiệt độ cần thiết cho quá trình lên men nguyên liệu để tạo nước mắm. Sau khi đóng cầu dao điện, nước tại bể muối thẩm thấu qua lớp lọc (lưới, sỏi) chảy vào ống lọc, từ ống lọc được bơm lên chảy qua tấm thu nhiệt NLMT. Tại đây, dưới tác dụng của nhiệt độ được tích tụ có tác dụng nâng nhiệt dòng nước được bơm qua và được đẩy vào bể chợp.
Quá trình vận hành tuần hoàn liên tục đã thay thế quá trình náo đảo truyền thống và sau một thời gian nhiệt độ bể chợp được nâng lên đạt đến nhiệt độ tối ưu của quá trình lên men tạo nước mắm.
Giải pháp này đã thay thế cho nhiều công đoạn chính của quá trình sản xuất nước mắm trước đây như: phơi, đảo, lọc. Điều này hạn chế hoàn toàn việc “hở” nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Quá trình phân hủy cá, lên men không tỏa ra bên ngoài nên môi trường xung quanh được bảo đảm, khắc phục tối đa sự ô nhiễm về môi trường, những hạn chế của phương pháp sản xuất nước mắm truyền thống.
Mặt khác nước mắm không vương vãi ra bên ngoài như cách sản xuất thủ công trước đây.
Bên cạnh đó, với tấm thu năng lượng mặt trời công đoạn sản xuất sẽ bỏ qua việc mở nắp thùng ủ, đảo nên không bay hơi, chất lượng nước mắm đảm bảo và đỡ tiêu hao. Lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với cách làm truyền thống và được chuyển hóa tối đa do nhiệt độ đạt ở mức tối ưu.
Đồng thời, bỏ các công đoạn phơi, đảo, lọc đã giảm đáng kể nhân công lao động. So với phương pháp truyền thống thì công nghệ mới này giảm 1/3 thời gian sản xuất nước mắm, 2/3 nhân lực lao động.
Nhân rộng mô hình
Sau gần 2 năm triển khai, dự án đã xây dựng được 20 mô hình tại khu sản xuất tập trung cho 20 hộ gia đình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững cho người nghèo (SRDP) đã hỗ trợ hợp tác xã thêm 7 mô hình.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ thêm 20 mô hình cho các hộ dân khác trên địa bàn xã Cẩm Nhượng.
Để phát triển dự án, UBND xã Cẩm Nhượng đã dành một khu đất 5ha để xây dựng khu chế biến thủy, hải sản tập trung, hỗ trợ kinh phí làm mặt bằng, người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao cho gần 500 hộ dân trong xã Cẩm Nhượng, thành lập Hợp tác xã sản xuất nước mắm Nam Hải.
Bước đầu sản phẩm nước mắm đã được đưa ra thị trường tiêu thụ, đăng ký chất lượng, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, được người dân đánh giá cao.
Trước những thành quả đạt được, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đến học hỏi và đã được Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh hướng dẫn, chuyển giao công nghệ để sản xuất.
Không những thế dự án cũng đã chuyển giao công nghệ cho Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Bình để triển khai mô hình thí điểm. Ngoài ra một số tỉnh như Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên... đã liên hệ tìm hiểu về mô hình.
Q. ĐẠT