Tổng giám đốc WB thị sát Nhà máy Thủy điện Trung Sơn
07:28 | 23/03/2017
Tổ máy 2 Thủy điện Trung Sơn hòa lưới điện quốc gia
Thông tin chính thức về quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An
Dự án Thủy điện Trung Sơn có công suất 260 MW được WB phê duyệt vào ngày 26/4/2011 và là dự án đầu tư đầu tiên của Ngân hàng này thực hiện dưới điều kiện cho vay của IBRD cho Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là 411,57 triệu USD, trong đó WB hỗ trợ 330 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của EVN. Dự án được khởi công vào cuối năm 2012, đến tháng 2/2017, tổ máy số 1 đã phát điện, hòa lưới thành công, tổ máy 2 phát điện vào tháng 3/2017. Dự kiến đến tháng 6/2017 sẽ phát điện tổ máy cuối cùng.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện Công ty Thủy điện Trung Sơn (đơn vị trực tiếp tham gia quản lý dự án) báo cáo về kết quả của dự án, bà Kristalina cho rằng: Dự án Thủy điện Trung Sơn, dưới sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của WB đã triển khai thành công, đặc biệt đã tiết kiệm 40 triệu USD. Khi đưa vào vận hành, công trình sẽ giúp nâng cao sản lượng điện, ngăn lũ và bảo vệ ba khu bảo tồn thiên nhiên, giúp bảo vệ vẻ đẹp cảnh quan, mang lại lợi ích xã hội cho người dân.
Bà Kristalina cũng cho biết, WB đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm về phát triển năng lượng, vì chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã đưa điện đến hầu hết số xã và số hộ dân ở cả thành phố, lẫn vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa phải đã hoàn thành, khi nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng lớn (khoảng 10%/năm). Vì vậy WB muốn lắng nghe đối tác đến từ Việt Nam để cùng chung tay đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng này trong tương lai, đặc biệt là khi Việt Nam đang cố gắng tạo ra nhiều nguồn từ năng lượng tái tạo.
Tổng giám đốc Điều hành WB đã đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu và có trách nhiệm giữ mức nợ ở mức hợp lý.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, EVN đang gặp khó khăn trong huy động vốn và theo yêu cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước phải tự huy động vốn, không còn bảo lãnh của Chính phủ. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh tăng trưởng điện của Việt Nam lên tới trên 11-12% /năm. Do đó, tới đây EVN sẽ trao đổi và đề nghị WB cách thức để huy động vốn mà không có bảo lãnh Chính phủ.
Về vấn đề này, bà Kristalina cho biết, hiện WB có tổ chức chuyên về bảo lãnh, hỗ trợ khu vực tư nhân để cấp vốn cho khu vực công. Các tổ chức này có liên hệ chặt chẽ với nhau và chúng tôi sẽ nghiên cứu áp dụng công cụ bảo lãnh để giúp các doanh nghiệp ngành năng lượng có thể tiếp cận nguồn lực tài chính mà không cần bảo lãnh của Chính phủ.
NangluongVietnam Online