RSS Feed for Tổng công ty Điện lực miền Trung: 43 năm xây dựng và phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 02/01/2025 21:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Điện lực miền Trung: 43 năm xây dựng và phát triển

 - Công ty Điện lực miền Trung được Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký quyết định thành lập số 1867 QĐ/TCCB - 3 ngày 07/10/1975, gồm các cơ sở điện lực do chính quyền Sài Gòn xây dựng, của SIPEA do Pháp quản lý, nhà máy điện Quảng Trị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nhà máy điện Quảng Bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; có nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, kinh doanh điện năng và quản lý đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên.

"Không có điện lực thông minh, thì làm gì có thành phố thông minh"

Khúc ruột miền Trung là vùng chiến tranh suốt 30 năm nên không có công trình điện quy mô lớn nào được xây dựng mà chỉ có các cơ sở điện lực nhỏ bé, phân tán phục vụ ánh sáng đô thị và nhu cầu khu quân sự.

Ngay khi mới thành lập, Điện lực miền Trung đã rơi vào thế yếu kém, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, sản lượng điện thương phẩm chưa đầy 100 triệu kWh vào năm 1976.

Những năm từ 1976 đến 1985, điện miền Trung cực kỳ khó khăn, luôn chống đỡ đối phó trước tình hình thiếu điện ngày càng nghiêm trọng.

Vốn đầu tư ít ỏi, chỉ bằng 3,4% vốn đầu tư của ngành điện lực toàn quốc; không đủ để tăng cường cơ sở vật chất nguồn, lưới điện nhằm cân đối với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Giai đoạn này, ngành điện miền Trung đã xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy điện Đồng Hới 14MW, còn lại tập trung tiếp nhận, lắp đặt các tổ máy phát điện diesel được điều động từ miền Nam ra, miền Bắc vào, phục hồi các máy hỏng hiện có, nhưng cũng chỉ đủ để bổ sung cho các máy đã hỏng phải thanh lý qua các năm.

Các nguồn điện như Nhiệt điện Bồng Sơn 20MW, Nhiệt điện Đà Nẵng 120MW chuẩn bị xây dựng rồi huỷ bỏ, Thuỷ điện Drây H’linh 12MW mới trong giai đoạn đầu xây dựng.

Về lưới điện, đã xây dựng mới đường dây 35kV Huế - Đồng Hới và một số đường dây 15 kV, cải tạo sửa chữa lưới điện trong các khu vực thành phố, thị xã đã quá tải, rách nát nhưng khối lượng không nhiều.

Đường dây 110kV Đồng Hới - Huế chuẩn bị bước đầu xây dựng. Do vốn đầu tư quá ít nên các công trình phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi, các phương tiện quản lý, thí nghiệm hầu như không được xây dựng, trang bị được bao nhiêu.

Công tác sản xuất cung ứng điện luôn bị động, phải thực hiện lịch đóng cắt điện luân phiên. Nhiều lúc, do thường xuyên xảy ra sự cố đột xuất nguồn điện nên không thực hiện được lịch đóng cắt đã định trước.

Mặt khác, do thiếu nguồn nên rất hạn chế cấp điện cho phụ tải mới, đã kìm hãm sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân; ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa ngành điện với các địa phương, các ngành kinh tế khác vì không thỏa mãn được nhu cầu điện; từ đó, thiếu sự gắn bó chặt chẽ, hiểu biết thông cảm lẫn nhau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đổ mẻ bê tông đầu tiên xây dựng đường dây 110 kV Huế - Đà Nẵng (năm 1987).

Năm 1981, Bộ Điện lực có quyết định số 15 ĐL/TCCB-3 ngày 09/05/1981 đổi tên Công ty Điện lực miền Trung thành Công ty Điện lực 3. Tại thời điểm này, Công ty có 11 đơn vị trực thuộc, trong đó 6 Sở quản lý và phân phối điện được đổi tên thành 6 Sở Điện lực tại 6 tỉnh, 1 Xí nghiệp xây dựng điện, 2 Ban kiến thiết, Trường công nhân kỹ thuật và Cơ quan Công ty.

Năm 1989, ba tỉnh Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh được chia thành bảy tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà; Năm 1991, tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum; các đơn vị thuộc Công ty Điện lực 3 được tổ chức thành 18 đơn vị; gồm 11 Sở Điện lực, 2 Xí nghiệp, 1 Ban Quản lý, 1 Trung tâm, 1 Nhà khách, Trường Công nhân kỹ thuật và Cơ quan Công ty.

Qua thời gian dài phấn đấu, những người làm điện ở miền Trung đã bỏ ra nhiều công sức, vất vả, gian khổ nhưng vẫn chưa đưa miền Trung thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện mà tình trạng này ngày càng trở nên gay gắt hơn và còn kéo dài đến những năm 1987 - 1988.

Trong lúc chưa hình thành một phương án chủ yếu để giải quyết điện cho miền Trung thì tháng 2/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định ngừng thi công công trình nhiệt điện Đà Nẵng, càng gây tâm lý căng thẳng vốn có từ trước do thiếu điện tại địa bàn.

Trước nỗi bức xúc đó, nhiều lần Công ty Điện lực 3 đã tổ chức hội nghị với Chủ tịch các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên để đánh giá tình hình và cùng kiến nghị lên Bộ Năng lượng, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đề nghị giải quyết nhanh chóng các phương án cung cấp điện trước mắt cũng như lâu dài cho miền Trung.

Với đề xuất của Giám đốc Công ty Điện lực 3 lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã xác định với lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố miền Trung, gồm 3 giải pháp: Củng cố, tăng cường nguồn điện hiện có; kéo lưới điện truyền tải từ Nam ra, Bắc vào; xây dựng tại chỗ các nhà máy điện có công suất đủ mạnh, trước mắt tập trung xây dựng công trình thuỷ điện Ialy (720 MW) để phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời tham gia vào lưới Bắc - Nam, làm cầu nối cho lưới điện thống nhất cả nước.

Theo 3 giải pháp cơ bản đó, từ năm 1988 đến 1990 đã bổ sung 74 tổ máy diesel, tăng 69 MW. Đường dây 220 - 110kV Vinh - Đà Nẵng được khởi công từ tháng 11/1987 đến tháng 8/1990 hoàn thành, đưa điện Hoà Bình vào cung cấp cho 4 tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Tháng 1/1992 điện lưới phía Bắc tiếp tục vào Quảng Ngãi. Tháng 4/1992 đóng điện đường dây 110kV Đa Nhim - Nha Trang. Tháng 8/1993, cấp điện cho tỉnh Bình Định. Tháng 1/1994 đóng điện đường dây 110 kV Nha Trang - Tuy Hoà, đưa điện từ Đa Nhim ra cung cấp cho tỉnh Phú Yên. Song song với việc xây dựng các đường dây và trạm 220,110kV.

Đường dây 500kV - một công trình lịch sử của đất nước được khởi công tháng 4/1992 đến tháng 5/1994 hoàn thành giai đoạn 1. Vào lúc 19 giờ 7 phút ngày 27/5/1994 hệ thống điện quốc gia đã được hoà điện tại trạm 500kV Đà Nẵng đưa điện từ Hoà Bình vào TP Hồ Chí Minh và đến ngày 19/9/1994 miền Trung được nhận điện từ hệ thống điện quốc gia qua trạm 500kV Đà Nẵng. Ngày 12/11/1994 trạm 500kV Pleiku, đường dây và trạm 220 - 110  kV Quy Nhơn - Pleiku cũng đã hoàn thành, các tỉnh Tây Nguyên, Nam miền Trung nhận điện qua trạm 500kV Pleiku.

Về nguồn thuỷ điện, đã hoàn thành Nhà máy Thuỷ điện Drây H’Linh (9/1990), An Điềm (9/1991), Vĩnh Sơn (11/1994), khởi công nhà máy Ialy (tháng 11/1993).

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nghe báo cáo thuyết trình về sơ đồ xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy.

Năm 1993, Công ty Điện lực 3 được Chính phủ thành lập lại theo quyết định số 148 TTg trực thuộc Bộ Năng lượng có 24 đơn vị trực thuộc, gồm 11 điện lực, 2 sở truyền tải, 2 xí nghiệp, 1 trung tâm, 3 ban quản lý công trình thủy điện, 1 ban quản lý các công trình điện, Trường Trung học điện 3, Khách sạn Điện lực, Viện điều dưỡng Điện lực và Cơ quan Công ty.

Giai đoạn này, với sự phấn đấu vượt bậc của các thế hệ CBCNV Công ty Điện lực 3 đã đem lại kết quả to lớn, rõ rệt. Hệ thống nguồn, lưới điện, cơ sở vật chất khác được mở rộng, nâng cấp mạnh mẽ; đã đáp ứng cơ bản điện cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và trở thành nguồn động lực quan trọng giúp các địa phương miền Trung phát triển; tạo dựng niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập, Công ty Điện lực 3 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đồng thời nhiều đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 3 đã được chuyển về trực thuộc Tổng công ty, đó là các Sở truyền tải điện 1, 2; các Ban QLDA Thủy điện IaLy, Vĩnh Sơn, Sông Hinh; Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung, Trường Trung học điện 3...

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng; năm 2004 tỉnh Đăk Nông được thành lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Đăk Lăk; một số đơn vị được chuyển thành công ty cổ phần; trong đó, năm 2005, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Công ty CP Cơ điện miền Trung chuyển về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Năm 2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập; Điện lực Đà Nẵng được tách ra trở thành Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng trực thuộc Tập đoàn.

Đến cuối năm 2009, Công ty Điện lực 3 có 18 đơn vị trực thuộc gồm 11 điện lực, 3 trung tâm, 2 ban quản lý dự án, 1 xí nghiệp điện cao thế, 1 Viện điều dưỡng và Cơ quan Công ty. Số lượng CBCNV là 8.581 người, trong đó 27% có trình độ Đại học và trên Đại học.

Đến cuối năm 2009, Công ty Điện lực 3 có 18 đơn vị trực thuộc gồm 11 điện lực, 3 trung tâm, 2 ban quản lý dự án, 01 Xí nghiệp điện cao thế miền Trung, 01 Viện điều dưỡng và Cơ quan Công ty. Số lượng CBCNV là 8.581 người, trong đó 27% có trình độ Đại học và trên Đại học.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại các doanh nghiệp ngành điện, căn cứ tờ trình số 565/TTr-EVN ngày 10/11/2009 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ý kiến của Bộ Công Thương (công văn số 12194/BCT-TCCB ngày 02/12/2009), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 9535/BKH-PTDN ngày 11/12/2009), Bộ Tài chính (công văn số 17331/BTC-TCDN ngày 10/12/2009), Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 60/TTg-ĐMDN ngày 12/1/2010 về việc thành lập các Tổng công ty Quản lý phân phối điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 05/02/2010, Bộ Công Thương ra quyết định số 739/QĐ-BCT thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực miền Trung (tên viết tắt là EVNCPC) trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Điện lực 3.

Tổng công ty Điện lực miền Trung có 21 Công ty, đơn vị thành viên, trong đó có 18 công ty, đơn vị trực thuộc gồm các Công ty Điện lực: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông; Công ty Lưới điện cao thế miền Trung; Công ty Tư vấn xây dựng điện miền Trung, Công ty Thí nghiệm điện miền Trung, Công ty Viễn thông & Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung; Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung, Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung, Trung tâm Điều dưỡng Điện lực miền Trung. 3 Công ty con do Công ty mẹ Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng; Công ty CP Điện lực Khánh Hoà; Công ty CP Đầu tư Điện lực 3.

Ngoài ra, các Công ty liên kết do Công ty mẹ Tổng công ty nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty CP Thuỷ điện Gia Lai; Công ty CP Thuỷ điện Định Bình; Công ty CP Thuỷ điện miền Trung; Công ty CP Thuỷ điện Điện lực 3; Công ty CP Sông Ba; Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện miền Trung.

Lễ ra mắt Tổng công ty Điện lực miền Trung (tháng 4/2010).

Kế thừa và phát huy thành tựu của 43 năm qua, EVNCPC không ngừng phát triển lớn mạnh. Trong 5 năm gần đây, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty tăng trưởng bình quân 15%/năm, gấp đôi mức tăng trưởng của nền kinh tế khu vực.

Đến nay, điện năng thương phẩm toàn Tổng công ty ước đạt trên 17 tỷ kWh, công suất điện cung cấp đạt 2.810 MW. Hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã vươn dài đến các địa phương, đã có 100% số huyện, 100% số xã đất liền, 99,17% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới. Số khách hàng sử dụng điện hơn 3,9 triệu khách hàng. Nhằm giảm thiểu tỷ lệ điện dùng truyền tải, phân phối EVNCPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện các thành phố, thị xã bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, ADB, Sida, KfW...

Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC đầu tư cả hệ thống lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp cho các nhà máy, vừa giảm nhẹ gánh nặng cho nhà đầu tư, góp phần thu hút đầu tư vừa mang lại hiệu quả trực tiếp cho EVNCPC.

Với khu vực nông thôn, miền núi EVNCPC đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển điện từ nhiều nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn trong nước, tài trợ của WB, EDF, ADB, JBIC… nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Đặc biệt từ năm 2007, EVNCPC tích cực triển khai thực hiện dự án cấp điện các thôn buôn chưa có điện các tỉnh Tây Nguyên. Nhận thức đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, là món quà của Đảng, Chính phủ dành cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, nhằm tạo bước chuyển biến đối với các vùng miền bao đời chưa có điện, góp phần nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đáng kể đời sống đồng bào các thôn buôn Tây Nguyên, EVNCPC đã chỉ đạo sâu sát các đơn vị tập trung thực hiện dự án. Dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2009, cấp điện cho trên 62.646 hộ đồng bào các tỉnh Tây Nguyên được sử dụng điện. Đây là một dự án nhóm A có qui mô trải rộng trên địa bàn của 43 huyện, thị xã, 852 thôn, buôn nhưng được đánh giá là dự án có tiến độ nhanh, đáp ứng cơ bản tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/10/2013, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 7609/QĐ-BCT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. Với mục tiêu cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo nâng cao trình độ dân trí cho huyện đảo Lý Sơn. Đặc biệt dự án sẽ góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. EVNCPC được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 678,7 tỷ đồng (gồm 652,5 tỷ đồng dự án cáp ngầm và 26,2 tỷ đồng dự án nâng cấp lưới điện trên đảo). Quy mô gồm: xây dựng 8.746 mét đường dây 22kV trên không thuộc địa phận huyện Bình Sơn; 26.219 mét cáp ngầm 22kV xuyên biển. Trên đảo Lý Sơn, quy mô gồm 7,4km đường dây 22kV; 8,5km đường dây 0,4kV; 15TBA với tổng dung lượng 3.330kVA. Ngày 28/9/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức đóng cầu dao khánh thành đưa dự án vào sử dụng, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của trên 22 ngàn người dân trên đảo Lý Sơn.

Đối với dự án Cấp điện lưới Quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam bằng cáp ngầm được Chính phủ đồng ý chủ trương vào tháng 5/2014. Đến tháng 12/2014, dự án đầu tư xây dựng đã được Bộ Công thương phê duyệt. Đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã có các quyết định về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Dự án có quy mô gồm 15,48 km cáp ngầm 22kV xuyên biển; 17,214 km đường dây 22kV trên đất liền; 6 trạm biến áp phân phối 22/0,4kV có tổng dung lượng 900 kVA; 11km đường dây hạ áp 0,4kV và các hạng mục phụ trợ... với tổng mức đầu tư 484,815 tỷ đồng. Trong đó: 85% là vốn từ Ngân sách Trung ương và 15% còn lại là vốn của EVNCPC. Ngày 9/1/2016, Dự án đã được khởi công và ngày 3/9/2016, EVNCPC đã tổ chức đóng điện kỹ thuật cấp điện lưới Quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm.

Việc đưa Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn và xã đảo Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm) bằng cáp ngầm vào sử dụng là một bước ngoặt lớn trong hoạt động điện lực tại đây. Dự án hoàn thành đồng nghĩa với việc người dân trên đảo được sử dụng nguồn điện ổn định, đầy đủ, chất lượng cao, mang đến cơ hội phát triển, ấm no, thịnh vượng; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tổng công ty luôn quan tâm ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đã tổ chức xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đặc biệt, Tổng công ty đã thực hiện công nghệ tự động hoá TBA 110kV, áp dụng các chương trình tính toán phân tích hệ thống điện; chế tạo và đưa vào sử dụng công tơ điện tử một pha, đọc chỉ số công tơ qua thiết bị cầm tay; triển khai lắp đặt hệ thống công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới (RF-Spider) tạo nên mạng thu thập dữ liệu công tơ hoàn toàn tự động cho khách hàng. Các cơ sở hạ tầng khác như mạng lưới thông tin, trang thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình, chương trình phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành… được củng cố, xây dựng và khai thác tốt.

Những năm qua, EVNCPC đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện, EVNCPC đã xây dựng thành công, đưa vào vận hành 12 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 367,2 MW với tổng sản lượng điện phát ra hàng năm khoảng 1,5 tỷ kWh. Đó là các nhà máy thuỷ điện H’Chan (12 MW), Đray H’linh 2 (16 MW), Khe Diên (9 MW), EaKrông Rou (28 MW), Định Bình + mở rộng (9,9 MW); Krông H’Năng (64 MW), Đăk PôNe (15,6 MW), H’Mun (16 MW), A Lưới (170 MW), A Roàng (7,2MW), Đăk Pring (7,5MW), Đăkrông1 (12MW). Hiện Tổng công ty đang triển khai các thủ tục để thi công nhà máy thuỷ Cha Val (7,0MW). Ngoài ra, EVNCPC còn đầu tư các dự án năng lượng mặt trời lắp mái giai đoạn 1 (281 kWp) và đang triển khai các dự án gia đoạn 2 (4.070 kWp). Hiện Tổng công ty đang triển khai Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại tỉnh Khánh Hòa (50 MW).

Việc đầu tư thêm các dự án nguồn thủy điện và điện mặt trời của EVNCPC góp phần nâng cao sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Tổng công ty còn có các cơ sở sản xuất công tơ điện tử, phần mềm phục vụ công nghệ đo đếm điện từ xa, thực hiện các dịch vụ tin học, phần mềm quản lý, bo mạch điện tử; các dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế, thí nghiệm, sửa chữa, sản xuất, gia công cơ khí, cung cấp và vận chuyển vật tư chuyên ngành điện; thi công xây lắp các công trình điện… mang lại hiệu quả.

EVNCPC hiện đang có một đội ngũ quản lý giỏi, lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề, có trách nhiệm và tận tuỵ với công việc, với tổng số trên 11.400 CBCNV. 

Tổng công ty rất quan tâm đảm bảo việc làm cho người lao động, đời sống vật chất tinh thần của CBCNV từng bước được cải thiện. Đã nghiên cứu, vận dụng các chế độ chính sách Nhà nước, của các cấp trên, xây dựng và ban hành các qui chế, qui định cụ thể về phân phối tiền lương, tiền thưởng và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động. Tổ chức thêm một số loại hình sản xuất, dịch vụ khác nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho CBCNV. Nhằm mở rộng dân chủ trong quản lý, Tổng công ty đã tổ chức Hội nghị Đại biểu Người lao động cấp Tổng công ty và chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tổ chức Hội nghị Người lao động tại đơn vị. Qua các lần Hội nghị đã xây dựng bộ Qui chế tập thể có nhiều nội dung có lợi cho người lao động so với các qui định hiện hành của Nhà nước và được áp dụng thống nhất trong toàn Tổng công ty.

Một trong những giải pháp và cũng là động lực giúp Tổng công ty thực hiện tốt nhiệm vụ trong những năm qua, là đã chú trọng tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đều khắp và có hiệu quả trong toàn Tổng công ty. Qua các phong trào thi đua đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và đã thực sự trở thành đòn bẩy kích thích sản xuất, động viên mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đã ban hành bộ qui chế  thi đua và thực hiện xét chấm điểm hàng tháng, quí, xét thi đua 6 tháng, cả năm cho các đơn vị trực thuộc, tổ chức nhiều phong trào thi đua ngành nghề, thi đua hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong từng thời kỳ… đồng thời tổ chức chấm điểm theo qui chế đảm bảo tính chính xác, công bằng; căn cứ kết quả thi đua để phân phối tiền lương, thưởng và xem xét đề nghị cấp trên khen thưởng.

Để người lao động có những sân chơi bổ ích, trong từng đơn vị và Tổng công ty đã tổ chức tốt các phong trào văn nghệ, thể thao, các Hội thi. Tham gia đầy đủ các hoạt động phong trào do EVN, các địa phương tổ chức và đã giành được thứ  hạng cao. Từ Tổng công ty đến các đơn vị đã rất quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện tốt Pháp lệnh Dân quân tự và Pháp lệnh về bảo vệ bí mật quốc gia, được các địa phương đánh giá cao. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong Tổng công ty và các đơn vị có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và cũng đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ SXKD, từ Tổng công ty đến các đơn vị đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội… Tổng số tiền tham gia công tác xã hội của toàn Tổng công ty mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2010 Tổng công ty đã tặng cho 13 tỉnh, thành phố trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên 52 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Tích cực đóng góp ủng hộ Quỹ Tấm lòng vàng; xây dựng công trình điện chiếu sáng nông thôn; ủng hộ cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động