RSS Feed for Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí trên đường vươn ra biển lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 07:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí trên đường vươn ra biển lớn

 - Hơn 2 thập kỷ, kể từ ngày thành lập (27/5/2002 - 27/5/2023), Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách trên “Hành trình vượt sóng - vươn xa”. Để biến ước mơ thành hiện thực, gần hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết bên nhau xây dựng thương hiệu PVTrans ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, xứng đáng với niềm tự hào của một Tổng công ty vận tải biển số 1 Việt Nam.
PV Trans đạt doanh thu kỷ lục trong năm 2022 PV Trans đạt doanh thu kỷ lục trong năm 2022

Năm 2022, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã về đích trước 3 tháng so với kế hoạch, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao phó. Đặc biệt, tại ngưỡng cửa tuổi 20, PVTrans gặt hái được kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng vượt bậc, phá vỡ những kỷ lục đã được lập ra trước đó.

PVTrans: 20 năm ‘hành trình vượt sóng - vươn xa’ PVTrans: 20 năm ‘hành trình vượt sóng - vươn xa’

Ngày 10/6, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (27/5/2002 - 27/5/2022) với chủ đề "Hành trình vượt sóng - vươn xa".

Hành trình vượt khó, vươn khơi:

PVTrans - tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí được thành lập theo Quyết định số 358/QĐ-VPCP ngày 27/05/2002 của Văn phòng Chính phủ, với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ vận tải dầu khí, đặc biệt là vận tải dầu thô. Là một công ty vận tải biển về lĩnh vực dầu khí với số vốn ban đầu vỏn ven chỉ có 200 tỷ đồng, với 1 con tàu và gần 100 cán bộ, công nhân viên hoạt động trong điều kiện khó khăn, bởi nhiều áp lực về suy thoái kinh tế, thiếu thốn trang thiết bị cơ sở vật chất, năng lực hạn chế, nên có lúc tưởng chừng như không thể trụ nổi trước yêu cầu của sự phát triển.

Đứng trước nguy cơ phá sản, bằng sự năng động sáng tạo của các thành viên trong Ban giám đốc Công ty, cùng với sự chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty đã mạnh dạn tái cấu trúc lại hoạt động từng bước thích nghi với cơ chế mới, tạo năng lực cạnh tranh để phát triển.

Sau 5 năm thực hiện cổ phần hoá, Công ty đã thực sự vượt qua làn ranh đỏ của sự phá sản, trở thành một trong những doanh nghiệp ăn nên làm ra của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, PVTrans đã có mức tăng trưởng bình quân 18%/năm. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, PVTrans đã lọt vào TOP các doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ đồng, trở thành tổng công ty vận tải biển số 1 Việt Nam. Với sự lớn mạnh không ngừng, hiện nay Tổng công ty đã có 11 đơn vị thành viên, 2 công ty liên kết, hơn 2.100 CBCNV và đội tàu gồm 36 chiếc, với tổng trọng tải trên 1,05 triệu DWT, lợi nhuận hợp nhất hằng năm trên dưới 1.000 tỉ đồng...

Thực hiện hành trình vươn ra biển lớn, bằng sự nghiên cứu học hỏi và dám nghĩ, dám làm, PVTrans đã từng bước đứng vững trên đôi chân của mình, giữ vững thị trường trong nước và phát triển mạnh ra thị trường quốc tế. Ngoài việc giữ vững ổn định thị trường trong nước, hàng năm đã có trên 80% đội tàu hoạt động ở nước ngoài và liên tiếp lọt vào top các doanh nghiệp tốt nhất trên sàn chứng khoán tại Việt Nam nói chung và của PVN nói riêng.

Năm 2021, trước sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế, PVTrans cũng đã tạo lập cho mình một lá chắn và mục tiêu 5K, giúp Tổng công ty vượt qua những con sóng lớn và cập bến an toàn trong một năm đầy biến động.

Trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, PVTrans vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước năm 2021 và về đích sớm trước hơn 2 tháng với doanh thu hợp nhất đạt 7.716 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.040 tỷ đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhưng PVTrans vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác, chia sẻ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 với các đối tác và khách hàng như: BSR, PVEP, PVOil...

Vượt qua khó khăn thách tức do đại dịch Covid-19 gây ra, PVTrans đã kịp thời nắm bắt thị trường, thực hiện đầu tư thành công, nâng cao năng lực đội tàu: PVTrans tận dụng cơ hội, đầu tư thành công 6 tàu trong năm 2021, mở rộng đội tàu lên 36 chiếc, với tổng trọng tải trên 1,05 triệu DWT. Đặc biệt, trong năm nay, PVTrans lần đầu tiên đã đầu tư và đưa vào khai thác loại tàu chở khí lạnh lớn nhất thế giới VLGC NV Aquamarine và hợp tác với Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) để thuê mua bareboat tàu supramax PVT Diamond mang lại hiệu quả cao.

Từ những thành công ngoạn mục của năm 2021, bước sang năm 2022, PVTrans tiếp tục vươn lên hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được Tập đoàn giao phó, phá vỡ nhiều kỷ lục đạt được trước đó. Cụ thể: Doanh thu đạt 9.150 tỷ đồng (bằng 141%), lợi nhuận sau thuế ước 1.094 tỷ đồng (bằng 228%), nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 481 tỷ đồng (bằng196% so với kế hoạch đề ra). PVTrans tiếp tục khẳng định được vị thế dẫn đầu tại thị trường vận tải biển trong nước, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển mới trong tương lai.

Phát huy kinh nghiệm, trên lĩnh vực vận tải, kinh doanh dầu khí, đứng trước bối cảnh giá dầu biến động liên tục do ảnh hưởng của những bất ổn về chính trị - kinh tế, dẫn đến giá mua bán tàu tăng đột biến; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét, Tổng công ty đã tranh thủ thời cơ tốt nhất mua sắm thêm các phương tiện vận tải, đưa vào khai thác 2 tàu chở dầu/hóa chất 13.000 DWT, 2 tàu chở dầu/hóa chất 20.000 DWT, 1 tàu chở hàng rời Supramax và 1 sà lan chở hàng rời 10.000 DWT.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã ký hợp đồng thuê bareboat và đưa vào khai thác 1 tàu chở dầu/hóa chất 20.000 DWT, 1 tàu chở LPG 5.000 CBM và 1 tàu chở hàng rời Handysize, bán/thanh lý thu hồi vốn một số tàu già, như tàu PVT Athena, Sông Hậu.

Theo đó, quy mô và chất lượng tài sản ngày càng cải thiện, sản xuất, kinh doanh phát triển, việc làm của hơn 2.000 lao động luôn luôn ổn định, đời sống càng ngày được nâng cao, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

Với kết quả kinh doanh tốt và năng lực tài chính lành mạnh, vị thế và uy tín của PVTrans trong ngành dầu khí ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế. Hiện nay, PVTrans được xếp vào Top 10 công ty uy tín ngành logistics, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, Doanh nghiệp xuất sắc năm 2021 của APEA. Năm 2022, PVTrans tiếp tục được xướng danh ở giải thưởng doanh nghiệp xuất sắc châu Á và được tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Kiên trì với mục tiêu “sản xuất là khoá, văn hoá là chìa”:

Đến bây giờ, những người đã từng gắn bó với PVTrans hơn 2 thập kỷ qua không thể quên thời điểm năm 2011. Nợ nần chồng chất, nhiều tàu vận chuyển hàng lỏng phải nằm bờ vì không cạnh tranh nổi với tàu nước ngoài. Toàn Công ty có 11 đơn vị, thì 7 thua lỗ, hoặc sắp phá sản. Việc tuân thủ quy định, quy chế rất lỏng lẻo không những làm hiệu quả SXKD ảnh hưởng mà còn dễ dẫn đến thất thoát, sai phạm, không ít CBCNV tìm đường rời “con tàu PVTrans sắp chìm đắm”.

Làm sao và làm như thế nào để đưa con tài của Công ty vượt qua cơn sóng dữ, đưa con tàu vươn ra biển lớn…? Trong rất nhiều phương án được đặt ra, Ban lãnh đạo PVTrans đã xác định văn hoá “Kỷ cương” là giá trị nền tảng, then chốt CBCNV phải tuân thủ để tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

Cũng trong bối cảnh “tồn tại, hay giải thể”, nguồn lực hạn chế mọi mặt, đòi hỏi cách tư duy, cách chỉ đạo, cách làm từ lãnh đạo đến CBCNV phải thực tế, chắc chắn, có kết quả mới làm… Trong điều kiện đó, giá trị văn hoá “Thực tiễn - Hiệu quả” hình thành, là kim chỉ nam cho CBCNV thực hiện, triển khai công việc.

Khi PVTrans hồi sinh và định hướng được con đường vươn ra biển lớn, lãnh đạo Tổng công ty tiếp tục xác định: Ngoài mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm quản lý an toàn, hiệu quả tài sản, vốn, phát triển đội ngũ cán bộ, quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ… đáp ứng yêu cầu của thị trường, khách hàng, thì cách thức quản trị cũng phải thay đổi, đỏi hỏi phải bài bản, hệ thống. Chính vì vậy, giá trị văn hoá “Chuyên nghiệp” với đặc tính “Trách nhiệm - Có tính chuẩn hoá hệ thống cao và minh bạch” được hình thành như là một yêu cầu tất yếu.

Trong khó khăn, gian khó thì khát vọng, kết hợp động lực vươn lên tự thân ở mỗi CBCNV và tinh thần nhân văn, chung thuỷ, nghĩa tình được Tổng công ty và các đơn vị thành viên coi là chất keo gắn kết quan trọng giúp người lao động PVTrans yêu nghề, coi đơn vị như chính ngôi nhà của mình để sống và cống hiến xây đắp cho ngôi nhà bền vững.

Nhận thức và ý thức được điều này, PVTrans đã xây dựng một môi trường làm việc đề cao giá trị công bằng, nhân văn/nghĩa tình, xử lý các xung đột, bất đồng trên tinh thần vì giá trị, lợi ích chung.

Nhưng làm thế nào để các giá trị văn hóa doanh nghiệp (VHDN) thực sự đi vào thực tiễn và nhiều người cùng thực hiện? Lãnh đạo PVTrans cho rằng: VHDN không thể là thứ đưa ra vận động, khuyến khích, động viên CBCNV vui vẻ thực hiện mà phải tổ chức, triển khai bằng rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải có hệ thống quy chế, quy định, quy trình cụ thể, rõ ràng để phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm và định hướng cho CBCNV biết tuân thủ thực hiện. Lãnh đạo là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt phải làm gương, bởi không phải ngay lập tức Tổng công ty có thể đưa tất cả CBCNV vào kỷ cương, việc này bắt đầu được thực thi từ người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và lan tỏa đến từng CBCNV. Lãnh đạo là người ban hành ra quy chế nhưng cũng phải là người làm gương tuân thủ quy chế đề ra. Dần dần mọi người sẽ nhìn vào đó, làm theo và đi vào khuôn phép. PVTrans xây dựng quy định đánh giá kết quả công việc của tập thể, cá nhân phải có tiêu chí đo lường rõ; xây dựng chính sách thưởng, phạt công minh, không cả nể, không có vùng cấm, trường hợp ngoại lệ.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong xây dựng VHDN, lãnh đạo PVTrans tạo điều kiện để công đoàn, đoàn thanh niên có vai trò chủ đạo trong việc đứng ra tổ chức các sự kiện, các chương trình hoạt động lan toả VHDN thường niên để gắn kết, chia sẻ, kết nối thông tin giữa CBCNV với doanh nghiệp như: Hội thảo, Teambuilding, sự kiện tân niên, tất niên, Staff Party, về nguồn, các chương trình thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa…

Sau một chặng đường hình thành và phát triển, VHDN đã trở thành một trong những công cụ hiệu quả trong quản trị, quản lý tại bộ máy điều hành và đơn vị thành viên thuộc PVTrans. Để VHDN ngày càng phát huy hiệu quả, Tổng công ty đã ban hành “Sổ tay Văn hóa PVTrans” với việc thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung tầm nhìn, sứ mệnh, khẩu hiệu, giá trị cốt lõi, phương châm hành động, trên cơ sở văn hóa nền tảng của Petrovietnam, đồng thời vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng của PVTrans. Theo đó, “Sổ tay Văn hóa PVTrans” được lan tỏa mạnh mẽ đến các ban, phòng và các đơn vị thành viên, giúp CBCNV thuận tiện trong việc tìm hiểu, cảm nhận và thực hiện VHDN PVTrans một cách nghiêm túc, trân trọng và tự hào.

Nói về hành trình tạo dựng các giá trị văn hóa doanh nghiệp, PVTrans rút ra 4 bài học hết sức thiết thực, ý nghĩa:

Thứ nhất: Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhất quán bằng văn bản, quy chế, quy định từ trên xuống dưới.

Thứ hai: Phải tập trung vào nhận thức. Bởi xây dựng và tái tạo VHDN không phải là hô hào khẩu hiệu, hay chỉ do yêu cầu của cấp trên, do chỉ đạo, chỉ thị, mà phải xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của mỗi doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải thực hiện.

Thứ ba: Xây dựng VHDN là một quá trình rất dài và không chỉ là nhận thức của một cá nhân mà phải là của cả một cộng đồng. Đó không phải là một phong trào, ào lên trong vài ba tháng, một, hai năm, đó là cả một quá trình dài, thường xuyên.

Thứ tư: Thực hiện văn hóa doanh nghiệp không nên quá ôm đồm, cần chọn những giá trị văn hóa mang tính chất đặc thù, cấp thiết làm trọng tâm và thực hiện thật tốt còn hơn làm nhiều điều nhưng không có cái nào tốt cả. Vì khi nói đến văn hoá là nói đến bản sắc, sự đặc trưng, sự khác biệt.

Đặc biệt, trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì tính gương mẫu của những người đứng đầu rất quan trọng. VHDN là cả một tập thể, nhưng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, bởi họ có quyền lực trong tay, tiếng nói có trọng lượng lớn, vai trò của họ trong tổ chức thực hiện cũng rất lớn. Do đó, lãnh đạo phải gương mẫu, để có tính chất lan tỏa đến số đông. Sự gương mẫu đó cho thấy nhận thức rất rõ tầm quan trọng của VHDN của lãnh đạo. Nếu lãnh đạo chỉ thực hiện vì bị cấp trên ép phải làm và làm một cách hình thức, thì cấp dưới cũng sẽ hình thức theo. Còn nếu lãnh đạo thấy cần thiết, chắc chắn sẽ tâm huyết và làm đến nơi, thì cấp dưới sẽ vào cuộc quyết liệt hơn.

Trong những năm tới, PVTrans đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế Tổng công ty vận tải và dịch vụ hàng hải dầu khí đa sở hữu lớn nhất Việt Nam trên cơ sở củng cố, phát triển trở thành thương hiệu vận tải mạnh, uy tín, mở rộng hoạt động khai thác các tuyến quốc tế và từng bước tham gia chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải dầu khí, vận tải hàng rời (than), dịch vụ hàng hải dầu khí và logistics./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động