TKV sẵn sàng chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
15:13 | 08/11/2018
Thấy gì về cơ cấu hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước?
Theo đó, TKV khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành chuyển giao theo yêu cầu cấp trên.
Tập đoàn đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương xem xét quyết định thời điểm bàn giao để TKV thực hiện.
Bên cạnh đó, TKV đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét tạo điều kiện, giải quyết các công việc dở dang mà TKV đã báo cáo Bộ Công Thương trong năm 2018.
Tính đến thời điểm 1/10/2018, TKV có 70 công ty con, đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 27 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn; 43 công ty con, đơn vị hạch toán độc lập. Tổng số lao động là 99.804 người.
Ngoài TKV, trong số 19 đơn vị được chuyển giao vốn về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có các tập đoàn lớn khác là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Cùng với đó là 10 tổng công ty khác, bao gồm Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VECX); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017 vừa qua).
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM