RSS Feed for Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm - cần thay đổi cách thực hiện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 28/12/2024 22:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm - cần thay đổi cách thực hiện

 - Tháng 7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (VCGM) được dự kiến sẽ vận hành chính thức, sau nhiều lần lùi lại. Nhưng điều các chuyên gia quan tâm không phải là lúc nào sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, mà đây là bước đầu tiên trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh của nước ta nên rất cần thay đổi cách thức thực hiện để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (Ao) là đơn vị xây dựng và quản lý các phần mềm phục vụ thị trường điện


Theo dự kiến ban đầu của Bộ Công Thương thì thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm sẽ được vận hành từ tháng 7.2011. Nhưng sau hai tháng thử nghiệm đầu năm 2011 do thiếu văn bản pháp lý, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ nên được lùi đến đầu năm 2012.

Nhưng sau khi tổng kết đánh giá quá trình triển khai, các cơ quan hữu quan một lần nữa phải quyết định dời thời điểm vận hành thị trường này. Nguyên nhân do hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phục vụ phát điện cạnh tranh chưa bảo đảm.

Đồng thời, một số đơn vị phát điện chưa hoàn thành cài đặt và tích hợp hệ thống thông tin; một số nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa được kiểm chứng; việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện cũng còn nhiều vướng mắc.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các quy định, quy phạm pháp luật và kinh nghiệm vận hành thị trường điện đã dần được cải thiện. Những quy định của thị trường được các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Hầu hết đơn vị phát điện đã được tập dượt và quen dần với các khái niệm, các quy định của thị trường, các phần mềm chào giá, thông tin trên thị trường, chất lượng chào giá của các đơn vị dần được cải thiện.

Giá điện năng thị trường được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh và phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Song, trong quá trình vận hành vẫn còn rất nhiều những hạn chế.

Một số đơn vị phát điện chưa chào giá đúng quy định, như sai công suất công bố, chào muộn hoặc chào không hợp lý dẫn đến phải ngừng hoặc tăng tải liên tục. Thông tin về tính toán thanh toán chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn cho các đơn vị phát điện trong các tính toán chiến lược chào giá.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) Đặng Huy Cường cho biết, mỗi tháng có tới 7-8 bản chào lỗi và trên chục bản chào thiếu. Những lỗi thường gặp là chào giá chưa đúng quy định, bản chào không công bố đúng công suất thực tế của tổ máy. Có những tổ máy đang thí nghiệm, chưa đưa vào vận hành, hoặc sửa chữa, nhưng vẫn có bản chào có công suất. Hoặc có nhà máy gửi bản chào công suất công bố cao hơn thực tế huy động; giá chào chưa hợp lý dẫn đến giờ thấp điểm phải ngừng máy hoặc tăng giảm tải tổ máy liên tục trong các chu kỳ tính toán.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy thủy điện chưa chào đúng theo giá trị nước, hoặc chào giá cao nên không được huy động hoặc chỉ được huy động trong giờ cao điểm ngày, hoặc giờ thấp điểm đêm, kể cả đang ở mùa lũ, nước về nhiều.

Chưa kể, một số nhà máy đã thực hiện chào giá qua email nên bản chào qua email không được chấp nhận. Bên cạnh nguyên nhân do lỗi hệ thống phần mềm còn có nguyên nhân do doanh nghiệp chưa quen nên còn lúng túng.

Có thể thấy, môi trường cạnh tranh lành mạnh là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường vận hành đúng với các nguyên tắc kinh tế. Và quan trọng là buộc doanh nghiệp phải đổi mới phương thức quản trị, công nghệ sản xuất, cách thức phân phối để đưa mức giá hợp lý, thu hút người sử dụng.

Đối với ngành điện, sự cạnh tranh sẽ khuyến khích các đơn vị phát điện tiết kiệm chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối để có giá bán hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng.

Sự cần thiết của việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã rõ. Điều cần quan tâm hiện nay là tháo gỡ vướng mắc về cơ sở hạ tầng công nghệ, hạn chế trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp thị trường này được vận hành thông suốt hay không?

Nhưng thực tế quá trình triển khai cải cách phương thức quản lý thuế đã cho thấy, một số lúng túng của doanh nghiệp khi thực hiện quy trình mới, ứng dụng công nghệ thông tin nhanh chóng được tháo gỡ khi cơ quan quản lý tăng cường hỗ trợ.

Như vậy, thực tế đã chứng minh hạ tầng kỹ thuật hay thay đổi thói quen của doanh nghiệp không phải là rào cản lớn nhất trong cải cách các ngành, lĩnh vực.

Tương tự với ngành điện, thì có lẽ những sai sót khi thực hiện chào giá của các nhà máy sản xuất sẽ nhanh chóng được khắc phục nếu như cơ quan quản lý nỗ lực hỗ trợ.

Với kinh nghiệm trong cải cách thuế, các chuyên gia tin tưởng, cơ quan quản lý ngành điện sẽ nhanh chóng khắc phục những hạn chế để nhanh chóng triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo đảm sự cạnh tranh trong phát điện có rào cản lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý trên 65% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Toàn bộ khâu truyền tải, điều độ và phân phối đều do các đơn vị hạch toán phụ thuộc, hạch toán độc lập trực thuộc EVN nắm giữ.

Như vậy, liệu EVN có ưu tiên số một cho những nguồn điện của mình với giá cao nhất, còn người dân chưa được quyền lựa chọn sẽ mua điện của ai hay không? Một thực tế khác là hợp đồng mua điện giữa EVN và các nhà máy sản xuất ngoài ngành đều chỉ quy định mức giá trên 1.000 đồng/kWh trong năm đầu tiên vận hành chính thức. Những năm sau đó, các hợp đồng đều để một khoảng trống cho EVN thỏa thuận với doanh nghiệp bán điện.

Điều này có nghĩa là EVN có quyền lựa chọn nhà máy bán với mức giá thấp hơn, không nhất thiết phải chờ hình thành thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo. Tuy nhiên, đó không phải là lỗi của doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Vì thế, điều cần quan tâm hơn cả là xác định nguyên nhân chưa thu hút được nguồn đầu tư bên ngoài để có thêm nhiều nguồn cung cấp điện, tăng sức cạnh tranh cho thị trường này.

Lê Bình (nguồn daibieunhandan)


 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động