RSS Feed for Thị trường năng lượng Việt Nam: GE mở rộng thêm thị phần | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 17:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường năng lượng Việt Nam: GE mở rộng thêm thị phần

 - Tập đoàn General Electric (GE) của Hoa Kỳ vừa công bố dự án nâng cấp tua-bin khí GT13E2 phiên bản MXL2 đầu tiên ở châu Á cho một nhà máy điện chu trình hỗn hợp của Việt Nam.

GE cung cấp tua bin cho dự án điện gió Tây Nguyên

GE’s Power Services, một đơn vị kinh doanh trực thuộc Tập đoàn GE vừa công bố sẽ nâng cấp 4 tổ máy tua-bin khí GT13E2 với các gói nâng cấp MXL2 cho Nhà máy điện Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3). Là một phần trong thương vụ mua lại mảng kinh doanh năng lượng và truyền tải điện của Alstom được công bố gần đây, GE’s Power Services đã tích hợp một số công nghệ phát điện của Alstom vào danh mục hoạt động của mình trong đó có tua-bin GT13E2 hiệu suất cao cùng với gói nâng cấp MXL2. GE cũng đảm nhận việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng mà Alstom đã ký trước đó, bao gồm một thỏa thuận dịch vụ dài hạn tại Nhà máy điện Phú Mỹ. Ông Đinh Quốc Lâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 3 nói, “đánh giá cao hiệu suất hoạt động của công nghệ tua-bin khí GT13E2”.

Ông Đinh Quốc Lâm cho biết: “hiện EVNGENCO3 đang hợp tác với GE trong việc nâng cấp các tổ máy tua-bin khí GT13E2 lên phiên bản MXL2. Việc nâng cấp này cùng với những hoạt động tại phân xưởng sửa chữa và phục hồi tua-bin khí mới khánh thành gần đây tại Nhà máy điện Phú Mỹ sẽ giúp chúng tôi đạt được những mục tiêu vận hành đã đề ra”.

Thực ra, thương vụ mua lại mảng kinh doanh năng lượng và truyền tải điện của Alstom nằm trong thỏa thuận đã được phê chuẩn tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Brazil. Song đây là thương vụ mua bán và sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay của GE.

Trong năm 2014, GE đã đạt được thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh năng lượng và truyền tải điện của Alstom với mức giá 12,35 tỷ Euro. Sau các thay đổi về cơ cấu thương vụ, các khoản bồi thường, tiền mặt tồn dư tại thời điểm kết thúc thương vụ (bao gồm ảnh hưởng thay đổi tỷ giá hối đoái) giá chuyển nhượng được điều chỉnh là 9.7 tỷ Euro (tương đương 10.6 tỷ USD). Giá này bao gồm 0.6 tỷ Euro vốn sử dụng trong tháng 10. GE dự tính thương vụ này sẽ gia tăng chỉ số lợi nhuận trên cổ phiếu khoảng 0.05 đến 0.08 USD trong năm 2016 và lên tới mức 0.15 đến 0.18 USD vào năm 2018. Ngoài ra, GE kỳ vọng thương vụ sẽ cho phép tập đoàn tiết kiệm chi phí tới 3 tỷ USD từ các hoạt động hiệp trợ và nhiều lợi ích khác. Các cơ sở kinh tế và chiến lược của thương vụ này vẫn giữ nguyên theo công bố trước đó của GE vào tháng 4/2014. Ông Jeff Immelt, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE nhận định: “Việc hoàn tất mua lại mảng năng lượng và lưới điện của Alstom minh chứng cho một bước đi chiến lược trong quá trình chuyển đổi của GE”.

Từ sự kết hợp giữa GE và Alstom, hàng loạt các dự án đã được triển khai như: PSEG Sewaren (nhà máy điện quy trình hỗn hợp ở New Jersey) với tua bin khí GE 7HA + máy phát điện hơi nước thu hồi nhiệt Alstom (HRSG); Punjab Pakistan Bhikki (nhà máy điện chu trình hỗn hợp ở Pakistan) với 2 tua bin khí GE 9HA + tuốc bin hơi Alstom; Các nhà máy điện Exelon (dự án điện ở Texas) với 4 tuabin khí GE 7HA và 4 máy phát điện hơi nước thu hồi nhiệt Alstom (HRSG); Chempark (dự án nhiệt điện kết hợp ở Leverkusen, Đức) với tua bin khí GE 9HA. Ông Jeff Immelt khẳng định, GE luôn đón nhận các cơ hội kinh doanh mới và sẵn sàng cung cấp cho khách hàng những sản phẩm công nghệ toàn diện nhất trong lĩnh vực năng lượng.

Thêm vào đó, GE và Alstom là hai nhà thầu được tín nhiệm trong các dự án nhà máy điện chu trình hỗn hợp tại châu Á với việc sử dụng hai tuốc bin khí GE 7HA, hai máy phát điện hơi nước thu hồi nhiệt Alstom (HRSG) và một máy phát điện hơi nước Alstom. Đồng thời, Alstom cũng là nhà thầu có uy tín với các tua bin hơi nước Arabelle hoạt động trong hai lò phản ứng hạt nhân tại Anh, cũng như lò hơi, tua bin hơi nước cho dự án nhiệt điện than sạch ở Trung Đông và đã phân phối thành công máy biến áp cao thế 800 kV (HVDC) đầu tiên cho dự án Champa-Kurukshetra tại Ấn Độ.

Theo ông Jeff Immelt, với dân số hơn 90 triệu người là cơ hội để Việt Nam phát triển trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo không chỉ tại thị trường nội địa, mà cho cả thị trường toàn khu vực ASEAN là rất rõ. GE đang quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực năng lượng. Vì sản phẩm, dịch vụ mà GE có thể cung cấp rất rộng, gồm công nghệ cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đốt than, khí, gió và mạng lưới truyền tải điện… cho ngành năng lượng tại Việt Nam.

Việt Nam là một nước đang phát triển, hạ tầng về năng lượng, hàng không, y tế, dầu khí... chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, nhưng ông Phạm Hồng Sơn - Tổng giám đốc GE Việt Nam cho đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh của GE. Tập đoàn phát triển công nghệ nguồn, giới thiệu những sản phẩm làm bằng công nghệ mới nhất, đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho những công trình mà GE tham gia. Hoạt động của GE ở Việt Nam có hai phần: thương mại và đầu tư. Thương mại chủ yếu ở thị trường nội địa, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, những lĩnh vực này phụ thuộc vào kế hoạch phát triển của riêng Việt Nam. Về nguyên tắc cơ bản, các dự án hạ tầng hầu hết được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế của Chính phủ Việt Nam, nên các cam kết quốc tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này.

"Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại tự do với EU hay TPP không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư, sản xuất của GE đang được tiến hành trên 175 quốc gia. Việc tham gia các hiệp định này, Việt Nam sẽ tạo ra những lợi thế nhất định trong việc thu hút đầu tư của Tập đoàn GE. Hiện nay, cùng với Indonesia, Việt Nam là một trong hai thị trường có tiềm năng phát triển lớn nhất của GE tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư có thể sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến thị trường xuất khẩu của GE. Hiện tại, các sản phẩm của GE sản xuất tại Hải Phòng chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, Canada và Mexico, những nước tham gia vào TPP, không có cạnh tranh trực tiếp với EU. Cho nên, hiện tại chúng tôi chưa nhìn thấy nguy cơ trực tiếp từ các tập đoàn của EU", Tổng giám đốc GE Việt Nam Phạm Hồng Sơn.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động