RSS Feed for Thị trường máy biến áp toàn cầu sẽ đạt 22,8 tỷ USD vào năm 2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 03:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường máy biến áp toàn cầu sẽ đạt 22,8 tỷ USD vào năm 2020

 - Báo cáo mới nhất từ các chuyên gia năng lượng của tổ chức Dữ liệu “GlobalData” cho thấy, cùng với sự thay đổi của các nền kinh tế mới, trên cơ sở trình độ phát triển công nghệ và sự bùng nổ về nhu cầu tiêu thụ, thị trường truyền tải điện đã bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt. Trong tương lai gần, ngành công nghiệp này sẽ hướng về các quốc gia BRICS (trừ Brasil) như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Trước đây, những quốc gia có ngành công nghiệp năng lượng và kỹ thuật phát triển như Mỹ, Thụy Điển, Pháp, Đức... luôn chiếm lĩnh thị trường giải pháp công nghệ, thiết bị và dịch vụ truyền tải điện. Đại diện cho họ là các tập đoàn khổng lồ như ABB, Alstom Grid, General Electric hay Siemens - những danh tiếng đã tạo dựng nên thị trường thiết bị và giải pháp truyền tải điện năng và có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên toàn cầu.

Máy biến áp là một phân khúc quan trọng của thị trường thiết bị truyền tải điện, các trạm biến áp quy mô, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng đáng kể trong tương lai gần do nhu cầu ngày càng tăng. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ (hiện tại) và Nga (trong tương lai) sẽ đóng vai trò then chốt đối với ngành công nghiệp sản xuất thiết bị và cung cấp giải pháp truyền tải điện năng trên toàn cầu.

Con số cụ thể từ doanh thu của thị trường máy biến áp toàn cầu đã đạt tới 12,5 tỷ USD trong năm 2011. Trong đó, với mức tăng trưởng chủ yếu thuộc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông. Cụ thể, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 36% trong tổng doanh thu thị trường máy biến toàn cầu năm 2011, chỉ số này được dự báo ​​sẽ tăng tới 45,6% vào năm 2020. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở những kế hoạch, dự án mạng lưới truyền tải và phân phối điện khổng lồ đang được đầu tư tại các nước này.

Tiềm năng chi phối này đã được chứng minh vào năm 2009, khi đại dự án đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử của Trung Quốc hoàn thành (công suất 18.000 MW). Trong tổng giá trị xây lắp lên tới 25 tỉ USD, thì riêng gói thầu cung cấp hệ thống 14 trạm biến áp mà tập đoàn sản xuất thiết bị điện ABB (Thụy Điển) trúng thầu, đã là 1 tỉ USD. Chưa kể mạng lưới điện một chiều cao thế (HVDC) 500 kV dẫn đi các tỉnh.

Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực và gây ảnh hưởng có tính chi phối đối với nền kinh tế toàn cầu. Đương nhiên, quốc gia đông dân nhất thế giới và tăng trưởng với tốc độ cao này luôn luôn đói năng lượng. Vì vậy, họ tập trung toàn lực để phát triển các hệ thống cung ứng và truyền dẫn năng lượng, đặc biệt là điện. Tất nhiên, trong lĩnh vực truyền tải điện thì hệ thống các trạm biến áp là thứ quan trọng nhất, hiện nay đó cũng là ngành mà Trung Quốc chưa thực sự làm chủ công nghệ. Đó chính là yếu tố thúc đẩy doanh số bán máy biến áp điện bùng nổ.

Tại Ấn Độ, nhu cầu điện tăng cao cũng đòi hỏi những khoản đầu tư cực lớn trong ngành sản xuất và truyền tải điện năng. Đất nước có dân số chỉ đứng sau Trung Quốc này đã lên kế hoạch tăng thêm 100.000 MW sản lượng điện trong kế hoạch năm năm lần thứ 12 (2012-2017). Đó là sản lượng gấp 4 lần công suất tối đa của đập thuỷ điện lớn nhất thế giới, có tên là Tam Hiệp (Trung Quốc).

Nhu cầu này rõ ràng sẽ đòi hỏi một gói đầu tư khổng lồ về thiết bị và mạng lưới truyền tải, mà cốt lõi là hệ thống máy biến áp. Mới đây, ngày 21/5, tập đoàn ABB vừa trúng thầu gói xây lắp 2 hệ thống trạm biến áp trị giá 33 triệu USD ở bang Maharashtra, miền tây Ấn. Nơi vừa được xây thêm một nhà máy điện mới. Còn trong kế hoạch tầm nhìn tới năm 2050, chính phủ Ấn Độ đã tính toán sản lượng điện họ sẽ cần thêm từ 600 đến 1.200 GW. Tương đương mức đầu tư dự toán lên tới 135 tỉ USD!

Với thị trường Nga, các chuyên gia năng lượng cũng dự báo nhu cầu về điện ​​sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần, dựa vào những dấu hiệu cải thiện kinh tế, thương mại, công nghiệp và các điều kiện chính trị xã hội khác. Ngành năng lượng nói chung và sản xuất điện nói riêng được đặt vào trọng tâm của chương trình cải cách, tư nhân hóa của chính phủ Nga mới. Điểm đáng chú ý trong chương trình này là tăng cường năng lực sẵn có về công nghệ, hệ thống truyền tải điện đáng tin cậy trong nước.

Chính phủ Nga sẽ tập trung vào việc tăng cường và mở rộng mạng lưới điện để đáp ứng số lượng thiết bị phụ tải đang phình ra nhanh chóng. Kế hoạch đầu tư cho lưới điện quốc gia, nằm trong chiến lược năng lượng của chính phủ Nga đến năm 2030 sẽ khiến thị trường giải pháp và thiết bị truyền tải điện bùng nổ ở quốc gia rộng lớn nhất thế giới này. Dự kiến, ​​Nga sẽ tăng mức đầu tư từ 750 triệu USD cho năm 2011 đến mức 1,3 tỷ USD năm 2020.

Tại những thị trường còn lại như ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhu cầu lắp mới hệ thống máy biến áp tương đối thấp do tốc độ phát triển công nghiệp chậm, cấu trúc xã hội và đô thị đã ổn định, chưa kể phong trào “xanh” chống lại hầu hết các dạng năng lượng truyền thống. Tuy nhiên, với 70% hệ thống máy biến áp ở những quốc gia này đã hoạt động hơn 25 năm, thì cơ hội cung cấp thiết bị thay thế cũng không hề nhỏ.

Như vậy, tương lai cho các công ty cung cấp giải pháp và thiết bị truyền tải điện khá sáng sủa. Với sự gia tăng nhu cầu mạnh mẽ, thị trường máy biến áp trên toàn cầu được dự kiến ​​sẽ đạt 22,8 tỷ USD vào năm 2020.


(Nguồn: Songmoi)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động