Sửa đổi quy định về an toàn công trình dầu khí trên đất liền
06:47 | 13/03/2019
Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia
Cụ thể, Nghị định 25/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định đảm bảo an toàn công trình khí; đảm bảo an toàn các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ; biện pháp bảo vệ các công trình dầu khí.
Trong đó, về đảm bảo an toàn các công trình khí, Nghị định sửa đổi quy định về khoảng cách an toàn đối với nhà máy xử lý, chế biến; kho chứa khí hóa lỏng và các sản phẩm khí hóa lỏng; cảng xuất nhập khí và các sản phẩm khí, trạm phân phối khí, trạm van, trạm phóng, nhận thoi.
Theo đó, tổ chức, cá nhân xác định khoảng cách an toàn đối với nhà máy chế biến, kho tồn chứa dưới áp suất chứa khí, các sản phẩm khí, trạm phân phối khí, trạm van, trạm phóng, nhận thoi, cảng xuất nhập dầu khí và các sản phẩm dầu khí.
Tổ chức, cá nhân xác định khoảng cách an toàn đối với kho lạnh chứa khí theo kết quả đánh giá định lượng rủi ro.
Đối với phần ống đặt nổi, trường hợp đường ống vận chuyển khí có một phần đặt nổi trên mặt đất thì tổ chức, cá nhân áp dụng khoảng cách an toàn tương ứng với phần ống nổi.
Về đảm bảo an toàn các công trình dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, Nghị định quy định khoảng cách an toàn đối với kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ theo quy định mới.
Khoảng cách an toàn đối với bến cảng, cầu cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được quy định: Khoảng cách an toàn từ các thiết bị công nghệ có nguy cơ cháy nổ trên bến cảng, cầu cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đến các đối tượng được bảo vệ. Khoảng cách an toàn từ mép ngoài cùng của bến cảng, cầu cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đến mép ngoài cùng của các bến cảng, cầu cảng khác theo các quy định pháp luật chuyên ngành hàng hải.
Nghị định 25/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi biện pháp bảo vệ các công trình dầu khí, các hoạt động không được thực hiện trong khoảng cách an toàn các công trình dầu khí.
Trong phạm vi khoảng cách an toàn của các công trình dầu khí, không được thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động và sự an toàn của các công trình dầu khí bao gồm:
1/ Các hoạt động có khả năng gây cháy nổ, sụt lún, chuyển vị, các hoạt động đào bới, gây ảnh hưởng tới đường ống.
2/ Trồng cây.
3/ Thải các chất ăn mòn.
4/ Tổ chức hội họp đông người, các hoạt động tham quan, du lịch khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
5/ Neo đỗ phương tiện vận tải đường thủy, hàng hải, đánh bắt thủy hải sản, khai thác cát, nạo vét hoặc các hoạt động khác dưới nước có thể gây cản trở đến hoạt động, sự an toàn của công trình dầu khí và các phương tiện ra, vào công trình dầu khí (trừ trường hợp các hoạt động kiểm soát dòng thủy lưu và hoạt động giao thông, vận chuyển trên sông).
6/ Trường hợp đường ống, hoặc tuyến ống lắp đặt đi qua sông, vào bất kỳ thời điểm nào, điểm gần nhất của hệ thống neo buộc của phương tiện phải cách tối thiểu 40 m về hai phía thượng lưu và hạ lưu đối với đường ống, không cho phép các hoạt động neo đỗ phương tiện vận tải đường thủy, hàng hải, đánh bắt thủy hải sản, khai thác cát, nạo vét, hoặc các hoạt động khác dưới nước có thể gây nguy hại đến đường ống (trừ trường hợp các hoạt động kiểm soát dòng thủy lưu và hoạt động, vận chuyển trên sông).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2019.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM