RSS Feed for Sản xuất, kinh doanh của TKV: Dấu mốc vừa qua, tầm nhìn chặng đường mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 10:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sản xuất, kinh doanh của TKV: Dấu mốc vừa qua, tầm nhìn chặng đường mới

 - Trong giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) với những dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho chặng đường tiếp theo (2021 - 2025) với tầm nhìn mới, nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong bài này, sẽ nêu kết quả thực hiện sản xuất, kinh doanh than là ngành then chốt và là 1 trong số các lĩnh vực kinh doanh chính của TKV trong giai đoạn 5 năm vừa qua và kế hoạch 5 năm tới.


Nhu cầu than của Việt Nam [Kỳ 1]: Dự báo đến năm 2035

Nhu cầu than của Việt Nam [Kỳ 2]: Nguồn cung trong nước và nhập khẩu

Nhu cầu than của Việt Nam [Kỳ cuối]: Chính sách và giải pháp


 

I. Tình hình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh than (giai đoạn 2016 - 2020)

1. Những khó khăn, vướng mắc:

Việc thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh than của TKV theo nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành than được phê duyệt tại Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 (QH403) gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể là:

Thứ nhất: Ranh giới quy hoạch các loại rừng, trong đó có rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (là khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo Điều 28, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12) và các quy hoạch của địa phương (quy hoạch chung xây dựng, khu công nghiệp, khu dân cư, khu chế xuất, cảng biển...) có chồng lấn với ranh giới các khu vực thuộc các đề án thăm dò, dự án đầu tư phát triển mỏ than theo QH403, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gây khó khăn trong việc quản lý tài nguyên, trữ lượng than, và hoạt động thăm dò, khai thác than của TKV, dẫn đến không triển khai thực hiện được một số đề án thăm dò, dự án đầu tư phát triển ngành than theo Quy hoạch.

Thứ hai: Các thủ tục triển khai công tác xin cấp giấy phép thăm dò; đền bù giải phóng mặt bằng; tổng hợp, lập, trình phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thỏa thuận, xin cấp giấy phép khai thác… còn mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch. 

Thứ ba: Điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, phức tạp: Các lỗ khoan thăm dò có chiều sâu lớn (trung bình khoảng 1.000 m) và phải khoan qua địa tầng phức tạp như bãi thải, lò cũ, dịch động do khai thác… Mặt khác, diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa; ảnh hưởng của khí mỏ, nước ngầm, phay phá ngày càng phức tạp; thiếu diện đổ thải đất đá, cung độ đổ thải xa, v.v... gây khó khăn trong việc thi công thăm dò và triển khai thực hiện các dự án khai thác mỏ. 

Thứ tư: Chi phí vật tư, thiết bị, tiền lương và các loại thuế, phí tăng (các loại thuế, phí hiện chiếm khoảng 16-17% giá thành khai thác) dẫn tới giá thành khai thác than tăng. Tuy nhiên, giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước (chủ yếu cho sản xuất điện) chưa phù hợp với giá thành khai thác… dẫn đến một số đơn vị khai thác không có hiệu quả, không cân đối được tài chính để triển khai thực hiện một số dự án theo Quy hoạch. Đặc biệt là, hiện nay than khai thác chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước nên chính sách thuế, phí tăng cao thực chất là “đòn” đánh vào sản xuất than và các ngành sử dụng than, làm giảm hiệu quả, cũng như khả năng cạnh tranh của than và các sản phẩm của các ngành sử dụng than, theo đó ảnh hưởng xấu đến đảm bảo an ninh năng lượng (làm tăng sự phụ thuộc vào than nhập khẩu), sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.  

Thứ năm: Nhu cầu tiêu thụ than trong nước những năm vừa qua không theo dự báo trong Quy hoạch vì các nhà máy nhiệt điện chạy than không đưa vào hoạt động đúng tiến độ so với kế hoạch đề ra, trong khi ngành than vẫn phải chuẩn bị nguồn than để cung ứng theo Quy hoạch, dẫn đến hậu quả tồn kho lớn. Mặt khác, sự cạnh tranh của than nhập khẩu trong một số thời điểm nhất định; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; thiếu hụt nguồn lực lao động, nhất là lao động hầm lò (thợ lò, cơ điện…) do sự cạnh tranh của các ngành nghề kinh tế khác... gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

2. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

Để vượt qua khó khăn, hoàn thành sản xuất than theo Quy hoạch cũng như Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, TKV đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ và nhóm giải pháp lớn: 

Thứ nhất: Không ngừng đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. 

Thứ hai: Tập trung các nguồn lực để thực hiện các dự án mỏ than theo Quy hoạch; phát triển các mỏ than theo tiêu chí “Mỏ sạch, mỏ an toàn, mỏ hiện đại”. 

Thứ ba: Đồng thời, bước đầu thực hiện chuyển đổi từ mô hình “Sản xuất than” sang “Sản xuất - Thương mại than” phù hợp với xu hướng nhập khẩu than ngày càng tăng cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng.

Thứ tư: Tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo các tiêu chí: Tay nghề cao, tinh thần trách nhiệm cao, đồng tâm hợp lực với đồng nghiệp, gắn bó với doanh nghiệp.

Thứ năm: Tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV giai đoạn 2017 - 2020 và tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị nội bộ nhằm quản trị chặt chẽ chi phí, doanh thu, vật tư, đầu tư, tài chính và phát huy tối đa tiềm năng nội lực sẵn có để nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, trong điều kiện diện khai thác của các mỏ hầm lò và lộ thiên ngày càng xuống sâu, gặp không ít khó khăn như đã nêu trên, TKV đã chuyển hướng đổi mới ứng dụng mạnh mẽ “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Điển hình trong khai thác than hầm lò, TKV đã đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, Tập đoàn đã nhân rộng ra 12 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 9 công ty, gồm: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Khe Chàm, Than Núi Béo, Than Mông Dương, Than Dương Huy, Than Quang Hanh, Than Uông Bí và Than Hạ Long (trong đó bao gồm cả 2 lò chợ CGH đồng bộ hạng nhẹ tại Than Hạ Long và Than Mông Dương mới đưa vào hoạt động năm 2020).

Đáng chú ý, TKV đã đầu tư được 1 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ có công suất lớn nhất đạt 1,2 triệu tấn than/năm tại Công ty CP Than Hà Lầm. Qua đánh giá của Tập đoàn, các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với lò chợ bình thường. Bình quân mỗi năm sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11-14% tổng sản lượng than hầm lò.

Với các mỏ lộ thiên giai đoạn 2015 - 2020, nổi bật nhất là Tập đoàn đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại Mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành, chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường... 

Bên cạnh đó, TKV còn chủ động ứng dụng tự động hoá, tin học hoá và số hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý điều hành. Từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị đều đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển, giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung. Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất như: Phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò, nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên, hệ thống giám sát lưu chuyển than, các giải pháp làm việc từ xa thông qua các dịch vụ trên MS Teams, hệ thống quản lý và khai thác CSDL địa chất… 

Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong khai thác hầm lò; đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên than trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%. Cùng với đó, năng suất lao động toàn Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm, năng suất lao động sản xuất than năm 2020 so với 2016 tăng 51%, tương ứng tăng 266 tấn than/người.năm (năm 2020: 784 tấn/người.năm so với 2016: 518 tấn/người.năm).

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong khai thác than:

Là ngành sản xuất có nhiều tác động xấu tới môi trường, lại diễn ra chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - nơi đang thực hiện chiến lược chuyển từ nâu sang xanh, nên TKV đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than với chủ trương “đồng hành cùng tăng trưởng xanh”, theo đó tập trung mọi nguồn lực phát triển các mỏ than theo tiêu chí “Mỏ sạch, mỏ an toàn, mỏ hiện đại”. Riêng về lĩnh vực môi trường, hằng năm, TKV đã chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đến năm 2019, Tập đoàn đã hoàn thành các công trình trong Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, đã trồng cây phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải (30% diện tích bãi thải ngoài hiện có); lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải; đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất trên 120 triệu m3/năm, đảm bảo 100% nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường. Các đơn vị thuộc TKV đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp để tăng hiệu quả chống bụi cho khu vực khai thác và các tuyến đường vận chuyển than, tăng cường áp dụng giải pháp vận chuyển than bằng băng tải để giảm thiểu bụi, tiếng ồn.

Cùng với đó, TKV đã tiến hành di chuyển nhiều công trình, hạng mục công trình, cơ sở sản xuất than ra khỏi trung tâm các thành phố, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan và phát triển đô thị của Vùng mỏ. Tiêu biểu giữa năm 2019, TKV đã chấm dứt hoạt động Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng (quy mô rộng gần 33 ha).

Để thực hiện việc di dời Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng theo đúng tiến độ, TKV đã đầu tư 1.600 tỷ đồng vào 2 dự án gồm: Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai; Nạo vét luồng cảng Làng Khánh phục vụ cho hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh than tại địa điểm mới. Trong đó, giai đoạn 1, đầu tư xây dựng Trạm sàng công suất 2,5 triệu tấn than/năm; hệ thống kho than nguyên khai sức chứa 48.000 tấn; hệ thống băng tải kín vận chuyển than từ các mỏ Hà Lầm, Hòn Gai về Trung tâm hiện đã đi vào hoạt động. Việc di dời thành công Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng cho thấy quyết tâm đồng hành với tỉnh Quảng Ninh thực hiện cam kết hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững…

3. Kết quả thực hiện:

Các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên đã giúp TKV ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo cung cấp than phục vụ mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động Vùng mỏ.

Các chỉ tiêu chính về kết quả sản xuất, kinh doanh than giai đoạn 2016 ÷ 2020 của TKV được tổng hợp trong bảng 1.

Bảng 1. Kết quả SXKD than của TKV giai đoạn 2016 - 2020:

(ĐVT: Ngàn tấn)

TT

Chỉ tiêu

2016

2017

2018

2019

2020

1

Sản lượng than nguyên khai

34.925

35.037

37.067

40.499

38.470

2

Sản lượng than thành phẩm

36.103

34.675

36.167

39.028

37.780

3

Sản lượng than nhập khẩu

1.031

200

1.881

6.565

9.650

4

Tiêu thụ trong nước

34.516

33.566

39.941

42.431

41.130

 

- Hộ điện

26.192

23.968

29.193

36.432

34.610

 

- Hộ phân bón, alumin

814

1.627

2.042

2.014

6.530

 

- Hộ xi măng

2.344

2.128

2.338

1.470

 

- Các hộ nhỏ lẻ khác 

5.166

5.842

6.369

2.516

5

Xuất khẩu

802

1.496

1.500

1.070

870

 


Qua số liệu ở bảng 1 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song TKV vẫn duy trì đà tăng trưởng sản lượng than, giữ vững vai trò chính trong việc đáp ứng nhu cầu than trong nước, nhất là than cho sản xuất điện. Sản lượng than tiêu thụ năm 2020 giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, nhu cầu sử dụng năng lượng giảm sút, thời tiết mưa bão lũ lớn kéo dài tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Bắc và Tây Nguyên, các hồ thuỷ điện phải xả lũ và phát huy tối đa công suất các nhà máy thuỷ điện, các nhà máy nhiệt điện giảm phát đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ than (than tiêu thụ cho điện giảm gần 2 triệu tấn so với năm 2019).

Kết quả sản xuất, kinh doanh than đã góp phần quan trọng làm tăng các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp NSNN của Tập đoàn trong giai đoạn 2016 - 2020 so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại quyết định 98/QĐ-TTg. Cụ thể là Tổng doanh thu tăng 22,6 ngàn tỷ đồng (thực hiện 596,5 ngàn tỷ/573,8 ngàn tỷ kế hoạch); lợi nhuận tăng 13,6 ngàn tỷ đồng (thực hiện 16,9 ngàn tỷ/3,3 ngàn tỷ kế hoạch); nộp NSNN tăng 16,2 ngàn tỷ đồng (thực hiện 85 ngàn tỷ/68,8 ngàn tỷ kế hoạch).

II. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh than 5 năm (2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2030

1. Cơ hội và thách thức:

Về cơ hội: 

- Nhu cầu than trong nước tăng cao. Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, nhu cầu than được dự báo như sau (triệu tấn): Năm 2021: 97,9; năm 2025: 114,9; năm 2030: 137,4. Như vậy, so với năm 2020 (cả nước tiêu thụ dự tính 91,1 triệu tấn) nhu cầu dự báo nêu trên tăng lên rất nhiều.

- Để đáp ứng nhu cầu than và nâng cao tính chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải tăng cường khai thác than trong nước.

- Đi đôi với đẩy mạnh khai thác than trong nước sẽ phải tăng cường nhập khẩu than với khối lượng ngày càng tăng, cụ thể là (triệu tấn): Năm 2021: 54,5; năm 2025: 71,1; năm 2030: 91,7. 

Về thách thức:

- Đại dịch Covid-19 đang bùng phát ngày càng lan rộng, nguy hiểm trên thế giới và chưa biết khi nào mới kết thúc sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sự phục hồi kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, theo đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng năng lượng của các nước nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng.

- Tài nguyên than nước ta có tiềm năng khá (48,9 tỷ tấn) nhưng phần trữ lượng, tài nguyên đã xác minh có thể khai thác có hiệu quả rất hạn chế và rất thấp so với nhu cầu than trong nước.

- Việc khai thác than ngày càng xuống sâu, đi xa vào lòng đất nên điều kiện mỏ địa chất rất khó khăn, phức tạp và gặp nhiều rủi ro như phay phá, túi nước, túi khí, khí mỏ, v.v... Điều đó cùng với chính sách thuế phí cao (so với các nước trong khu vực và trên thế giới) làm cho chi phí đầu tư và giá thành than tăng cao, chịu sự cạnh tranh lớn của than nhập khẩu tại từng thời điểm nhất định.

- Việc nhập khẩu than còn gặp nhiều khó khăn về nguồn cung (đang chủ yếu nhập khẩu thương mại theo hợp đồng ngắn hạn, chưa có nguồn cung chắc chắn, tin cậy và lâu dài), hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu (còn yếu và chưa đồng bộ), v.v...

2. Quan điểm phát triển:

- Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; thực hiện xuất, nhập khẩu than hợp lý theo hướng chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng. 

- Sản xuất và kinh doanh than đảm bảo phát triển bền vững Tập đoàn, đáp ứng lâu dài cho nhu cầu sử dụng trong nước; phát triển ngành than hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh than. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước…) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý hiện đại để giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác; đầu tư hợp lý cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản trị rủi ro trong khai thác than. 

- Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng mỏ; hài hòa với phát triển du lịch, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến các khu vực bảo tồn văn hóa; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; gắn với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn; đảm bảo an toàn trong sản xuất. 

- Thực hiện sản xuất, kinh doanh than phù hợp với quy hoạch, theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hài hòa với thị trường than thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiến cơ hội đầu tư khai thác than ở nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn; thực hiện dự trữ than phù hợp.

3. Các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2021 - 2025):

Bảng 2. Các chỉ tiêu kế hoạch SXKD than 5 năm (2021 - 2025):

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch 5 năm 2021-2025

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Tiêu thụ than 

1000 t

49.000

49.500

51.500

51.725

51.950

A

Xuất khẩu

,,

2.000

2.000

2.000

2.000

2.000

B

Trong nước

,,

47.000

47.500

49.500

49.725

49.950

2

Nhập khẩu than

 

10.500

11.600

14.000

14.125

13.850

3

Than khai thác 

           

3.1

Than nguyên khai 

1000 t

41.700

42.800

42.400

42.400

42.900

3.2

Than thành phẩm

1000 t

39.694

37.900

37.500

37.600

38.100

4

Doanh thu sản xuất than

,,

80.554

84.165

87.998

88.377

88.656

5

Tổng vốn đầu tư XDCB

Tỷ đồng

11 495 

10 110 

10 319 

8 259 

6 715 

 


4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

- Xây dựng mới chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với chiến lược phát triển ngành than; nghiên cứu các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đầu tư ra nước ngoài khai thác, nhập khẩu than dài hạn và thực hiện dự trữ than phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ. 

- Mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên; đẩy mạnh thăm dò đến đáy tầng than, trước mắt cần hoàn thiện 15 Đề án thăm dò với trên 1,0 triệu mét khoan theo QH403, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của TKV và ngành. 

- Tiếp tục đầu tư các mỏ than theo quy hoạch, đẩy mạnh khai thác nhằm tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu than cao nhất cho nền kinh tế. Thực hiện rà soát đánh giá, quy hoạch tổng thể về sản lượng khai thác, vận tải, sàng tuyển chế biến, hệ thống kho cảng, logistics… phục vụ SXKD than đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và phát triển lâu dài. 

- Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tăng cường áp dụng cơ giới hóa - tự động hóa - tin học hóa (CGH-TĐH-THH) vào sản xuất. Trước mắt tập trung hoàn thành thử nghiệm và phát triển CGH khai thác than hạng nhẹ, ứng dụng TĐH các công đoạn sản xuất, tăng cường áp dụng các phần mềm trong quản lý điều hành, hướng tới mục tiêu tích hợp các phần mềm hợp nhất, sử dụng phòng họp, công trường, phân xưởng không giấy tờ... Mặt khác, nghiên cứu áp dụng các công nghệ khai thác không để lại trụ than bảo vệ, sử dụng trụ bảo vệ nhân tạo; tiếp tục tái cơ cấu, hoàn thiện mô hình “sản xuất và thương mại than”... nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả SXKD. 

- Thực hiện liên thông các khoáng sàng/mỏ gần nhau để hình thành các mỏ lộ thiên, hầm lò có công suất lớn (mỏ lộ thiên công suất trên 3,0 triệu tấn/năm, mỏ hầm lò trên 2,0 triệu tấn/năm), tạo điều kiện để áp dụng rộng rãi CGH-TĐH-THH. 

- Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn công nghệ để có thể thăm dò, khai thác bể than đồng bằng sông Hồng./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

2. Dự thảo “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021÷2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

3. Báo cáo tổng kết năm 2020 của TKV, ngày 21/01/2021.

4. Kế hoạch ĐTXD năm 2021-2025 của TKV.

5. Định hướng sản xuất kinh doanh than, điện và đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hổi thảo quốc tế “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050”, Hà Nội ngày 20/11/2020.

6. Báo cáo của Ban Chấp hành khóa II tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động