RSS Feed for Quyết định không cho nhận chìm vật chất nạo vét Cảng than Nhiệt điện Quảng Trạch - Nhìn từ quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 19:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quyết định không cho nhận chìm vật chất nạo vét Cảng than Nhiệt điện Quảng Trạch - Nhìn từ quốc tế

 - Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Nhận chìm vật liệu nạo vét ngoài biển là việc làm hết sức bình thường trên thế giới và được quy định rõ trong Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo của Việt Nam (năm 2015). Tuy vậy, vẫn có những quyết định cản trở việc nhận chìm vật liệu nạo vét luồng lạch, gây chậm tiến độ cho các dự án xây dựng cảng, trong đó có cảng nhận than cho các nhà máy điện.
Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII, bài học cho Quy hoạch điện VIII

Kiểm điểm giai đoạn trên 10 năm phát triển nguồn điện ở Việt Nam vừa qua đã cho thấy: Chậm trễ (thậm chí không thể triển khai đầu tư) nhiều nguồn điện truyền thống do bế tắc về vốn đầu tư, nhiên liệu, quy định pháp luật, công tác điều hành, năng lực của một số chủ đầu tư... Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích nguyên nhân cản trở tiến độ phát triển nguồn điện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VII và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII.

Nhận chìm vật chất nạo vét:

Công ước về "Ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các vật chất khác" (năm 1972) và sau này chuyển thành Nghị định thư London 1996 với 85 thành viên quy định rõ các vật chất được phép nhận chìm xuống biển. Các vật chất đó bao gồm:

1. Vật chất nạo vét.

2. Bùn nước thải.

3. Chất thải của cá.

4. Tàu thủy và giàn công tác.

5. Các vật chất địa chất trơ, vô cơ (ví dụ chất thải khai mỏ).

6. Vật chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên.

7. Các vật cồng kềnh chủ yếu làm từ sắt, thép và bê tông.

8. CO2 từ các quá trình thu hồi và chôn giữ CO2.

Nghị định 40/2016/NĐ-CP của Việt Nam cũng quy định 8 hạng mục tương tự trong Điều 60 - Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển.

Tất cả các vật chất trước khi quyết định nhận chìm xuống biển phải được đánh giá về tính chất, cân nhắc các biện pháp thay thế, đánh giá tiềm năng tác động đến môi trường và địa điểm nhận chìm. Trong hướng dẫn của Nghị định thư và các quy định của pháp luật Việt Nam nêu rõ quy trình cấp phép và quan trắc khu vực nhận chìm.

Phần lớn vật chất nạo vét từ đáy biển không bị tác động của con người đáp ứng các quy định về nhận chìm, vì bản chất vẫn là đá, cát, bùn vốn nằm dưới biển nên không có tác động tiêu cực đến môi trường ngoài việc làm nước bị vẩn đục một thời gian và lấp mất tổ của một số loại động vật đáy. Một số ít vật chất nạo vét từ những khu vực đã bị ảnh hưởng bởi con người như bến cảng chuyên dụng gần nhà máy hóa chất lớn, hay là nơi đổ rác thải xuống biển, có thể không đáp ứng được các yêu cầu đối với vật liệu nhận chìm xuống biển nếu không xử lý trước.

Thông tin về nhận chìm vật chất có thể tìm thấy trên trang của Công ước OSPAR (Công ước Bảo vệ môi trường biển Đông Bắc Đại Tây Dương). Trang thông tin đánh giá Quản lý chất thải và các vật liệu khác (vật chất nạo vét) năm 2008 - 2020 của OSPAR cho biết: Tổng lượng vật chất nạo vét nhận chìm xuống biển hầu như không đổi, dao động từ 130 triệu tấn đến 150 triệu tấn/năm.

Năm 2020: Anh nhận chìm 5,3 triệu tấn vật chất nạo vét xuống biển, Bồ Đào Nha: 7,4 triệu tấn, Hà Lan: 18,8 triệu tấn, Iceland: 0,8 triệu tấn, Ireland: 1,6 triệu tấn, Pháp: 20,1 triệu tấn, Tây Ban Nha: 1,4 triệu tấn, Đan Mạch: 2,6 triệu tấn, Đức: 37,1 triệu tấn, Bỉ: 31,8 triệu tấn. Tổng cộng 127 triệu tấn vật chất nạo vét nhận chìm xuống biển trong 1 năm ở khu vực ĐôngBbắc Đại Tây Dương.

Bản đồ trong hình 1 (dưới đây) cho thấy: Lũy kế vật chất nạo vét nhận chìm của các nước thành viên OSPAR trong khoảng thời gian 2008 - 2020. Bỉ là nước nhận chìm nhiều nhất, 450 triệu tấn vật liệu nạo vét luồng lạch và cảng.

Hình 1 cũng cho thấy vị trí nhận chìm vật liệu rất gần với bờ biển. Lý do để nhận chìm gần biển là để tiết kiệm chi phí và để vật chất sẽ quay trở lại vùng bờ biển, không làm mất đi nguồn cát, phù sa làm bào mòn lãnh thổ do sạt lở.

Hình 1. Khối lượng vật liệu nạo vét đã nhận chìm ngoài biển bởi các thành viên OSPAR và vị trí của chúng.

OSPAR có phân loại các chất nạo vét thành ba loại: Vật chất phát sinh do duy trì luồng lạch, vật chất phát sinh do xây mới và vật chất nạo vét để cải tạo môi trường. Ngoài ra, còn loại khác mà không xếp vào đâu cả. Trong đó, khối lượng chủ yếu là nạo vét duy tu cảng và luồng lạch. Các nước đã phát triển ít xây mới cảng, vì họ đã làm điều đó nhiều thập kỷ trước rồi.

Hình 2. Tổng khối lượng các vật chất nạo vét được nhận chìm của thành viên OSPAR phân theo nguồn gốc.

Việt Nam là nước đang phát triển nên đồ thị này chắc chắn sẽ khác. Lượng vật chất nạo vét từ xây dựng cảng mới có thể tương đương, hoặc nhiều hơn vật chất nạo vét duy trì luồng lạch.

Hoa Kỳ cũng nạo vét hàng năm lên tới 150 triệu m3. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã định ra các vị trí nhận chìm vật chất nạo vét. Các điểm nhận chìm vật chất nạo vét cũng nằm ngay gần bờ, gần những bãi biển của Thành phố New York.

Hình 3. Vị trí các bãi nhận chìm vật chất nạo vét ở gần Thành phố New York.

Ở bang Florida các bãi nhận chìm cũng rải theo bờ biển. Mục đích là để cát từ các bãi nhận chìm quay trở lại nuôi các bãi tắm nổi tiếng ở Florida. Nhận chìm vật chất nạo vét gần bờ là để không làm đứt gãy chuỗi cung cấp vật chất tự nhiên, tránh làm sạt lở bờ biển, nhất là trong điều kiện nước biển đang dâng do bến đổi khí hậu.

Bãi nhận chìm vật chất nạo vét phía Nam đảo Huangmao ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ năm 1986 đến 2017 tiếp nhận 67,5 triệu m3 vật chất nạo vét. Bãi thải nằm cách bờ biển 13 km và cách Ma Cao 21 km. Bãi được quan trắc liên tục, nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành ở khu vực cho thấy: Các kim loại nặng như kẽm, asen, đồng, chì không gây nguy hiểm nào cho môi trường. Một số sinh vật đáy có bị suy giảm so với khu vực không có đổ thải gần đó (Weitao et al, 2021).

Tái sử dụng vật chất nạo vét:

Tuy đa số vật chất nạo vét an toàn vẫn bị nhận chìm xuống biển, nhưng không nhất thiết phải nhận chìm toàn bộ. Hiện tại đang có một số phương pháp tái sử dụng vật chất nạo vét cho mục đích lấn biển, san lấp, nuôi bãi tắm, nuôi bãi cát chắn sóng cho các đê biển, làm đất phủ cho bãi chôn lấp rác, khôi phục những khu vực đất bị ô nhiễm, san lấp những mỏ đã khai thác xong...

Ở Hà Lan, nhằm giảm lực sóng đánh vào đê biển, vật chất nạo vét được sà lan phun bên ngoài đê tạo ra bờ biển thoai thoải. Dù công trình đê biển ở Hà Lan vững chắc và to lớn hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn tìm mọi cách giảm năng lượng sóng đánh vào đê bằng bãi biển thoai thoải, hoặc công trình chắn sóng.

Từ lâu nay, vật chất nạo vét chứa cát biển đã được dùng để san lấp các công trình ven biển, xây dựng các khu vực lấn biển. Tại Việt Nam đã có nhiều công trình lấn biển, nhưng việc sử dụng vật chất nạo vét chưa được khuyến khích. Singapore đã mua vật chất nạo vét của các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam để mở rộng lãnh thổ của mình.

Cản trở chính cho việc tái sử dụng vật chất nạo vét chính là tâm lý e ngại và coi đó là chất thải. Chỉ có một phần nhỏ vật chất nạo vét từ các nơi đã bị con người và công nghiệp xả thải bị coi là chất thải. Phần còn lại tùy thuộc vào kích thước hạt, tính chất cơ lý mà có thể được dùng một cách an toàn.

Lực cản khác là chi phí và thủ tục. Vật chất san lấp không thể vận chuyển quá xa, vì chi phí vận chuyển sẽ đội lên. Do đó, nếu không có kế hoạch sử dụng từ trước thì khối lượng khổng lồ vật chất nạo vét từ biển lên sẽ không thể "bán" cho ai gần đó được và cũng không thể thuê chỗ để "cất" rồi chờ công trình khác đến lấy. Thủ tục xin sử dụng vật chất nạo vét từ biển cũng chưa thật rõ ràng.

Bài học nào cho Việt Nam?

Việt Nam là nước đang phát triển, mới vào được nhóm nước thu nhập trung bình thấp, nên vẫn phải tiếp tục phát triển các hải cảng lớn tập trung và hạ tầng giao thông đường biển hiện đang không theo kịp phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công việc nạo vét luồng lạch duy tu các cảng hiện có cũng hết sức cấp thiết. Các cảng tiếp nhận tàu container lớn, than, LNG, dầu mỏ đều cần luồng sâu nên khối lượng nạo vét lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm chỉ định một số vị trí nhận chìm vật chất nạo vét dọc bờ biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nạo vét luồng lạch. Các vị trí đó có thể là nơi lấn biển trong tương lai, hoặc là mỏ vật chất dự trữ cho việc sử dụng san lấp sau này.

Một số quyết định không cho nhận chìm vật chất nạo vét từ năm 2017 đến nay đã gây ra nhiều khó khăn cho các công trình xây dựng cảng, nạo vét cảng và luồng đảm bảo tàu có tải trọng lớn vào được cảng. Thời gian tiến hành nhận chìm vật chất lại phụ thuộc vào mùa gió và dòng biển nên chỉ cần bị chậm vài tháng đã phải đợi đến tháng đó sáng năm, gây chậm tiến độ công trình cả năm trời.

Đối với các nhà máy nhiệt điện, chậm nạo vét còn có nghĩa là tăng chi phí, vì phải chuyển sang tàu than nhỏ hơn.

Khu vực Hòn La thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hầu như chưa có tiền sử phát triển công nghiệp gây ô nhiễm nên vật chất nạo vét ở đó sau khi kiểm tra chắc chắn sẽ được coi là an toàn cho môi trường.

Với khối lượng dự tính 2,8 triệu m3 nạo vét luồng cho cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, mới chỉ có hơn 800.000 m3 được sử dụng cho việc san lấp nền của chính nhà máy, còn lại 2 triệu m3 sẽ nhận chìm ngoài biển - theo Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt từ năm 2017.

Quyết định không cho nhận chìm vật chất nạo vét cảng than Quảng Trạch ngoài biển mới nghe thấy hết sức đúng đắn, vì đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng vật chất nạo vét cho mục đích hữu ích, an toàn cho hệ sinh thái biển. Nhưng thực tế là hiện nay ngay cả những nước tiên tiến nhất vẫn chỉ tái sử dụng được một phần nhỏ vật chất nạo vét.

Trong tình huống của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, thay đổi phương án nhận chìm vật chất nạo vét có nghĩa là phải điều chỉnh báo cáo ĐTM, thay đổi tàu nạo vét và vận chuyển vật chất nạo vét, phải tìm ra và giải phóng mặt bằng cho khu vực dự tính sẽ thổi một khối lượng khổng lồ vật chất nạo vét lên bờ... Tất cả những việc đó sẽ làm tăng chi phí đầu tư vào dự án Nhiệt điện Quảng Trạch. Quan trọng nhất là tiến độ xây dựng dự án này sẽ bị ảnh hưởng, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện vào mùa nắng nóng ở nước ta./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1/ Giới thiệu Nghị định thư London: https://www.imo.org/en/OurWork/Environment/Pages/London-Convention-Protocol.aspx

2/ Đánh giá vật chất nhận chìm 2008-2020 của OSPAR: https://oap.ospar.org/en/ospar-assessments/quality-status-reports/qsr-2023/other-assessments/dredged-material/

3/ Bản đồ các điểm nhận chìm vật chất nạo vét ở Mỹ: https://www.epa.gov/ocean-dumping/ocean-disposal-map

4/ Wei Tao. Impact of Dredged Material Disposal on Heavy Metal Concentrations and Benthic Communities in Huangmao Island Marine Dumping Area near Pearl River Estuary. https://www.mdpi.com/2076-3417/11/20/9412

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động