RSS Feed for Quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 03/04/2025 09:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân

 - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 28/3/2025). Tiếp đó (ngày 31/3/2025), Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Một số giải pháp ban đầu cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 Một số giải pháp ban đầu cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2

Tập thể các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp (từ các bài báo phản biện trong chuyên đề “phát triển điện hạt nhân Việt Nam trong bối cảnh mới”) gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong báo cáo, các chuyên gia đã đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định một số vấn đề liên quan trong giai đoạn đầu thực hiện đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2.

I. Nghị định 72/2025 quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân:

1. Nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân:

Nghị định số 72/2025/NĐ-CP quy định hằng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm N-2, giá bán lẻ điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Trong năm, giá bán lẻ điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Còn khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Giá bán lẻ điện bình quân được tính toán theo quy định tại Điều 4 Nghị định này. Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. EVN được điều chỉnh tăng, hoặc giảm giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá theo cơ chế quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

2. Giá bán lẻ điện bình quân:

Nghị định quy định giá bán lẻ điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ (chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của EVN) để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch được duyệt. Trong đó, chi phí các khâu có tính đến các khoản giảm trừ giá thành theo quy định.

Giá bán lẻ điện bình quân năm N(GBQ) được xác định theo công thức sau:

Quy định mới về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân- Ảnh 2.

Trong đó:

CPĐ: Tổng chi phí khâu phát điện năm N (đồng), được xác định theo công thức sau:

CPĐ = CTTĐ + CĐMT + CBOT + CTTN + CNLTT + CNK

CDVPT: Tổng chi phí các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện năm N (đồng), bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm của các nhà máy điện.

CTT: Tổng chi phí mua dịch vụ truyền tải điện năm N (đồng).

CPP-BL: Tổng chi phí phân phối - bán lẻ điện và lợi nhuận định mức năm N (đồng), bao gồm cả chi phí huy động các nguồn máy phát điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện để bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia trong tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện.

C chung: Tổng chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức năm N (đồng).

CĐĐ: Tổng chi phí mua dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N (đồng).

Ckhac: Tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ, chênh lệch tỷ giá chưa được ghi nhận và thanh toán cho các nhà máy điện theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán điện, được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm N (đồng).

ATP: Tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến cho năm N (kWh).

3. Quy định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm:

Nghị định quy định trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm N do Bộ Công Thương ban hành, chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm N-2 của EVN, ước kết quả sản xuất, kinh doanh điện năm N-1 (trong trường hợp chưa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-1), trước ngày 25 tháng 1 năm N EVN tính toán giá bán lẻ điện bình quân theo công thức ở trên, thực hiện yêu cầu về hồ sơ theo quy định và thực hiện như sau:

a) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày thực hiện điều chỉnh), EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát.

b) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. Trong thời hạn 15 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN), Bộ Công Thương có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản. EVN quyết định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công Thương có ý kiến. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày thực hiện điều chỉnh), EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát.

c) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN), Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày thực hiện điều chỉnh), EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát.

d) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

4. Quy định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong năm:

Nghị định quy định trước ngày 25 tháng đầu tiên quý 1, quý 2 và quý 4, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm. Xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm (bao gồm cả chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ), ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và cập nhật các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân theo công thức trên. Các thông số khác giữ nguyên không thay đổi và thực hiện yêu cầu về hồ sơ theo quy định và thực hiện như sau:

a) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày thực hiện điều chỉnh), EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát.

b) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 2% đến dưới 5%, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. Trong thời hạn 15 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN), Bộ Công Thương có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản. EVN quyết định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công Thương có ý kiến. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày thực hiện điều chỉnh), EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát.

c) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN), Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày thực hiện điều chỉnh), EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát.

d) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

5. Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần:

Theo Nghị định 72/2025: Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân. EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được yêu cầu).

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh, hoặc điều chỉnh lại giá bán lẻ điện bình quân. EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được yêu cầu).

Theo quy định, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng (kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất).

II. Quyết định 07/2025 quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân:

Tiếp theo Nghị định 72/2025, ngày 31/3/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định này quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 50 của Luật Điện lực số 61/2024/QH15. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Theo Quyết định, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau:

- Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh.

- Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất, kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 31/3/2025).

Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 3/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân “hết hiệu lực” kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động