PV GAS hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng
09:41 | 05/09/2023
Quy hoạch điện VIII - Vai trò, cơ hội và thách thức đối với Tổng công ty Khí Việt Nam Tiếp theo chuỗi phản biện, đề xuất chính sách triển khai Quy hoạch điện VIII, Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của chuyên gia Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Nội dung bài viết đề cập đến: (1) Tổng quan công suất, cơ cấu nguồn điện khí trong nước và LNG đến năm 2030; (2) Vai trò, cơ hội, thách thức của PV GAS khi triển khai đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG theo Quy hoạch điện VIII và (3) Các đề xuất, kiến nghị. Rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng, chuyên gia và bạn đọc. |
Ngày 28/8/2023, PV GAS đã tổ chức cuộc họp về “Chuyển dịch năng lượng và định hướng về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính” tại Tp. Vũng Tàu, với sự tham gia của ông Trần Nhật Huy - Phó tổng Giám đốc phụ trách sản xuất, cùng lãnh đạo và cán bộ công nhân viên (CBCNV) của các ban, đơn vị trong khối sản xuất của PV GAS.
Phó Tổng Giám đốc PV GAS Trần Nhật Huy chủ trì cuộc họp. |
Chuyển dịch năng lượng - Xu thế tất yếu và cấp thiết trên thế giới:
Tại cuộc họp, đại diện Ban Kỹ thuật - Công nghệ đã trình bày các thông tin cập nhật về tình hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới, tại Việt Nam, chương trình chuyển dịch năng lượng của PVN và PV GAS.
Theo đó, chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu (hiện tượng nóng lên toàn cầu), đảm bảo điều kiện sống an toàn cho loài người, với mục tiêu cụ thể là giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (trước năm 1850), lý tưởng nhất là không tăng quá 1,5oC. Tại Hội nghị thượng đỉnh Glasgow năm 2021 (COP 26), rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã tuyên bố cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero Emission - NZE) vào năm 2050.
Hiện nay, chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại những nước thành viên CEM (Clean Energy Ministerial) như: Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil... là những nước có nền kinh tế phát triển với lượng phát thải lớn, chiếm đến 76% lượng phát thải khí nhà kính của thế gới.
Cụ thể, các nước thành viên CEM đã đầu tư gần 1.000 tỷ USD trong năm 2022 cho chuyển dịch năng lượng, trong đó phần lớn đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo và xe điện; đầu tư cho Green H2 tăng gấp 3,7 lần; lưu trữ năng lượng tăng 50%.
Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, các lĩnh vực phát thải lớn được ghi nhận đạt đỉnh và suy giảm nhanh bao gồm: Sản xuất điện đạt đỉnh năm 2022 và giảm nhanh do sự gia nhập của các dự án điện năng lượng tái tạo; giao thông vận tải đạt đỉnh năm 2024 và giảm nhanh cùng với dự báo tăng trưởng xe điện; lĩnh vực tòa nhà đạt đỉnh từ 2022; công nghiệp đạt đỉnh từ 2014.
Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lộ trình giảm phụ thuộc vào khí tự nhiên của Nga, đến năm 2030 cắt giảm sản lượng 385 tỷ m3/năm bằng các nguồn năng lượng tái tạo, sinh khối, hạt nhân, nhập khẩu LNG và Green H2 và các giải pháp tiết kiệm năng lượng khác.
Với tình hình đầu tư cho nghiên cứu phát triển ngày càng tăng, các công nghệ đã liên tục được cải tiến, giúp giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo như: Giá điện gió trên bờ và điện mặt trời khoảng 4,2 - 4,8 cent/kWh; điện gió ngoài khơi khoảng 7,4 cent/kWh đã trở nên rẻ hơn điện than 7,4 cent/kWh; điện khí 9,2 cent/kWh; chi phí lưu trữ năng lượng còn khoảng 15,5 cent/kWh (giảm 5 lần trong giai đoạn 2013-2023); điện hạt nhân khoảng 22,5 cent/kWh, Green H2 khoảng 24 cent/kWh.
Bên cạnh đó, ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường ô tô điện, năm 2022 có 10,4 triệu xe điện bán ra - chiếm 17%, dự báo lượng xe điện bán ra năm 2026 đạt 27 triệu xe. Hầu hết các hãng xe lớn trên thế giới đều cam kết không sản xuất xe động cơ đốt trong từ sau 2035 - ứng với mốc EU tuyên bố ngừng bán xe động cơ đốt trong, Mỹ cam kết 50% xe bán ra năm 2030 là xe điện. Năm 2022 ghi nhận nhu cầu xăng dầu - nhiên liệu cho xe động cơ đốt trong suy giảm 1,7 triệu thùng/ngày.
PVN/PV GAS và chương trình chuyển dịch năng lượng:
Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu NZE từ 2050. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để đưa ra những mục tiêu, giải pháp, kế hoạch cắt giảm khí nhà kính cho từng lĩnh vực, từng ngành. Quy hoạch điện VIII (số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023) và Quy hoạch năng lượng (số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023) đã thể hiện rõ lộ trình cắt giảm khí nhà kính cho ngành năng lượng Việt Nam.
Từ năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển dịch năng lượng, bao gồm ban Tổng Giám đốc Tập đoàn, lãnh đạo các ban Tập đoàn và Tổng Giám đốc các đơn vị thuộc Tập đoàn. Tập đoàn đã ban hành các văn bản chỉ đạo về chuyển dịch năng lượng, trong đó đưa ra định hướng cho từng lĩnh vực cốt lõi.
Thực hiện định hướng/chỉ đạo của Tập đoàn, PV GAS cũng xây dựng, triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng với những định hướng chính bao gồm:
- Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất.
- Phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các “Hub nhập khẩu” kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí.
- Cung cấp khí làm nguyên liệu cho các dự án hóa dầu, tham gia đầu tư các dư án sản xuất hóa dầu nếu khả thi - chuyển khí từ dạng nhiên liệu đốt sang nguyên liệu sản xuất sản phẩm giúp giảm phát thải CO2.
- Nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh Green H2, Green NH3 trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về những giải pháp giúp sử dụng tối ưu, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các công trình khí của các đơn vị trong khối sản xuất.
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn đóng góp ý kiến tại cuộc họp. |
Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đến từ nhiều đơn vị đã được ghi nhận. Trong hình là đại diện Khí Vũng Tàu đang chia sẻ về các giải pháp sử dụng tối ưu, tiết kiệm năng lượng. |
Giảm phát thải khí nhà kính - những việc cần làm ngay:
Trên cơ sở định hướng chuyển dịch năng lượng của PVN/PV GAS, Phó Tổng Giám đốc Trần Nhật Huy đã kết luận/chỉ đạo các ban, đơn vị khối sản xuất những việc cần làm ngay để cụ thể hóa chương trình chuyển dịch năng lượng của PV GAS, bao gồm:
Thứ nhất: Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tối ưu sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa tại các công trình khí của PV GAS.
Thứ hai: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhận thức về xu hướng chuyển dịch năng lượng, các đơn vị sản xuất cần xây dựng, đăng ký và phấn đấu thực hiện các mục tiêu cụ thể về tiêu thụ năng lượng và cắt giảm khí nhà kính trong từng năm và mục tiêu đến năm 2030.
Thứ ba: Khuyến khích trồng cây xanh tại các cơ sở sản xuất để giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp.
Thứ tư: Tiển khai đề tài nghiên cứu và thực nghiệm việc phối trộn Green H2 với khí tự nhiên tận dụng hạ tầng hiện hữu của PV GAS để cung cấp cho các hộ tiêu thụ theo kế hoạch được Tổng công ty phê duyệt.
Với những kế hoạch, chương trình hành động và mục tiêu rõ ràng, bám sát định hướng, chiến lược chuyển dịch năng lượng của Chính phủ/PVN, PV GAS sẽ luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào mục tiêu quốc gia để đạt NZE vào năm 2050./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM