RSS Feed for PV GAS có 3 công trình được tuyên dương "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quốc  2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 12:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PV GAS có 3 công trình được tuyên dương 'Tuổi trẻ sáng tạo' toàn quốc 2020

 - Vừa qua tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tuyên dương “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2020. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đoàn Thanh niên Tập đoàn) có 6 công trình, đề tài, sáng kiến, giải pháp sáng tạo được tuyên dương; trong đó Đoàn Thanh niên PV GAS xuất sắc đóng góp 3 công trình.


Tổng công ty Khí Việt Nam đứng trước vận hội mới


Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quốc năm 2020 nhằm tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể là đoàn viên, thanh niên có công trình, sản phẩm sáng tạo xuất sắc được áp dụng trong học tập, công tác, lao động sản xuất; qua đó khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ.

Năm 2020, Trung ương Đoàn đã nhận được 241 hồ sơ công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo của thanh thiếu niên tham gia xét chọn Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc do 57 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đề cử. Trung ương Đoàn quyết định chọn ra 37 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu nhất để tuyên dương, khen thưởng. Trong đó, Đoàn Thanh niên Tập đoàn có 6 công trình, sản phẩm sáng tạo được tuyên dương lần này. Đóng góp vào thành tích chung đáng tự hào của tuổi trẻ Dầu khí có 3 công trình của Đoàn Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Tuyên dương công trình sáng tạo của Đoàn TN Công ty Khí Cà Mau - các tác giả Nguyễn Thanh Tân và Lê Xuân Thắng.

Thứ nhất: Đề tài “Giải pháp cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau sử dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau” của tác giả Nguyễn Thanh Tân và Lê Xuân Thắng (Đoàn Công ty Khí Cà Mau thuộc Đoàn Tổng công ty Khí Việt Nam).

Sáng kiến xuất phát từ ý tưởng nghiên cứu và tìm ra giải pháp tận dụng nguồn khí nhiên liệu dư thừa xả bỏ ra từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) để tận dụng cung cấp cho các hộ tiêu thụ lân cận.

Việc áp dụng thành công giải pháp đã giúp GPP Cà Mau tận dụng được khí permeate gas dư, tối ưu hóa vận hành, đồng thời giúp cho Nhà máy Đạm Cà Mau giảm được chi phí mua khí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tối ưu hóa năng lượng cho cả cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm.

Giải pháp đã được Công ty Khí Cà Mau phối hợp với Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau triển khai thực hiện và đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả từ tháng 2/2019. Tổng giá trị làm lợi khoảng 88 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, đây là giải pháp được áp dụng lần đầu tiên tại công trình các Nhà máy xử lý khí ở Việt Nam cũng như ở trên thế giới. Với tính sáng tạo, hiệu quả mang lại, giải pháp này đã được xếp loại Sáng kiến Đặc biệt cấp PV GAS và Sáng kiến loại A cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tuyên dương tác giả Nguyễn Đình Phong - KĐN.

Thứ hai: Đề tài “Áp dụng hệ thống tự động nhận dạng AIS để quản lý an ninh an toàn cho công trình dầu khí trên biển và hệ thống đường ống ngầm” của tác giả Nguyễn Đình Phong (Đoàn Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ thuộc Đoàn Tổng công ty Khí Việt Nam) chủ trì thực hiện.

Nhóm tác giả đã nghiên cứu áp dụng hệ thống tự động nhận dạng AIS để quản lý an toàn cho công trình dầu khí trên biển và hệ thống đường ống, hạn chế tối đa việc tàu thuyền, phương tiện ảnh hưởng đến các công trình.

Giải pháp cho phép Quản lý trực quan chi tiết tàu thuyền qua lại/kề cận công trình dầu khí trên biển; Quan sát theo trực tuyến (real-time); đồng thời có tính năng cảnh báo tự động, thủ công bằng tin nhắn và email đến tàu/thuyền có rủi ro neo đậu trong hành lang tuyến ống (HLTO) và tin nhắn, email đến các cấp quản lý có thẩm quyền; Có tính năng lưu trữ dữ liệu đường đi của tàu thuyền để có thể theo dấu và truy xuất dữ liệu khi cần;…

Việc áp dụng hệ thống tự động nhận dạng AIS giúp phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm an toàn đường ống dẫn khí, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời giúp tiết giảm các chi phí liên quan đến việc khắc phục, sửa chữa các hỏng hóc do các vụ việc vi phạm an toàn gây ra, trong đó đơn cử việc sửa chữa 1 điểm móp ống đã tiêu tốn đến hàng chục tỷ đồng; ngăn ngừa các sự cố thảm họa xảy ra;… Đây là lần đầu tiên áp dụng thành công Hệ thống tự động nhận dạng AIS vào lĩnh vực dầu khí.

Với hiệu quả mang lại, giải pháp này được công nhận Sáng kiến cấp Công ty, cấp PV GAS, cấp PVN, đồng thời là Công trình Thanh Niên cấp Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tham gia giải thưởng VIFOTEC.

Tuyên dương công trình sáng tạo của Đoàn TN KĐN - các tác giả Nguyễn Hữu Mạnh và Lê Phương Đạt.

Thứ ba: Đề tài “Giải pháp nâng cao độ tin cậy và sẵn sàng cho hệ thống điều khiển GDS Phú Mỹ” của tác giả Nguyễn Hữu Mạnh và Lê Phương Đạt (Đoàn Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ thuộc Đoàn Tổng công ty Khí Việt Nam).

Xuất phát từ việc hệ thống điều khiển GDS-Phú Mỹ đã hoạt động được gần 20 năm, trong quá trình hoạt động, phát hiện rất nhiều lỗi và hạn chế của chương trình, gây khó khăn cho vận hành, xử lý và điều tra sự cố. Các tác giả đã đưa ra giải pháp Nâng cấp hệ thống điều khiển GDS-Phú Mỹ, bổ sung các yêu cầu để nâng có độ tin cậy và sẵn sàng, khắc phục toàn bộ các lỗi hiện hữu của hệ thống, đồng thời đề xuất các phương án để tinh giảm hệ thống, giúp làm lợi hơn 1 tỷ đồng. Sáng kiến được công nhận cấp Công ty, Cấp Tổng Công ty và Công trình Thanh niên cấp Đoàn Tập đoàn.

Các công trình được giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quốc năm 2020 đã tiếp tục khẳng định sự sáng tạo và quyết tâm của đoàn viên thanh niên ngành Dầu khí nói chung và tuổi trẻ PV GAS nói riêng trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tế đời sống. Và từ đó tạo động lực cho các đoàn viên, thanh niên dầu khí tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động, xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua, lao động sáng tạo để có nhiều công trình, giải pháp mang lại hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động