RSS Feed for Phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 17:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09)

 - Từ đề nghị của Hội đồng Thẩm định Kế hoạch phát triển Mỏ dầu khí (Bộ Công Thương), Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09) - Quyết định số: 1257/QĐ-TTg, ngày 17/10/2022.
​Chuyển giao Lô 09-2/09 cho Vietsovpetro điều hành và ký các thỏa thuận chung ​Chuyển giao Lô 09-2/09 cho Vietsovpetro điều hành và ký các thỏa thuận chung

Ngày 28/7/2020, tại TP. Vũng Tàu, đã diễn ra Lễ chuyển giao Lô 09-2/09 cho Vietsovpetro điều hành và ký kết các thoả thuận chung giữa Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Cổ phần AO Zarubezhneft và Vietsovpetro.

Vietsovpetro và PVEP ký thỏa thuận chuyển nhượng Lô 09-2/09 Vietsovpetro và PVEP ký thỏa thuận chuyển nhượng Lô 09-2/09

Ngày 17/5/2019, tại Thành phố Vũng Tàu, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận chuyển nhượng Lô 09-2/09.


Nội dung chính của quyết định bao gồm:

1/ Xây dựng 1 giàn xử lý trung tâm (CPP KNT) tại mỏ Kình Ngư Trắng với 16 lỗ khoan và 1 giàn nhẹ (WHP KTN) tại mỏ Kình Ngư Trắng Nam với 16 lỗ khoan. Công suất xử lý lỏng và khí của giàn CPP KNT tương ứng 4.200 m3/ngày và 1,4 triệu m3/ngày; công suất xử lý sản phẩm lỏng và khí của giàn WHP KTN tương ứng là 2.370 m3/ngày và 0,73 triệu m3/ngày.

2/ Kết nối 2 giếng đã thăm dò thẩm lượng (giếng đang treo) tại mỏ Kình Ngư Trắng và khoan mới 28 giếng (trong đó: 9 giếng khai thác, 4 giếng bơm ép tại mỏ Kình Ngư Trắng và 11 giếng khai thác, 4 giếng bơm ép tại mỏ Kình Ngư Trắng Nam).

3/ Xây dựng các hệ thống đường ống nội mỏ - liên mỏ và cáp điện ngầm:

Đường ống bọc cách nhiệt (đường kính 12’’) vận chuyển sản phẩm khai thác, đường ống (đường kính 6’’) cung cấp gaslift, đường ống (đường kính 6’’) cung cấp nước ép vỉa và đường cấp điện ngầm 22 kV kết hợp cáp quang với chiều dài 3,5 km từ giàn CPP KNT đến giàn WHP KTN.

Đường ống bọc cách nhiệt (đường kính 12’’, chiều dài 38,8 km) vận chuyển sản phẩm từ giàn CPP KNT đến giàn MSP-10 (Lô 09-1).

Đường ống cung cáp nước ép vỉa từ giàn BK-15 (Lô 09-1) đến giàn CPP KNT, đường kính 8’’ chiều dài 35,8 km.

4/ Cải hoán các hạng mục tại giàn MSP-10 và MSP-9 (Lô 09-1) để phục vụ tiếp nhận sản phẩm khai thác từ mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam; cải hoán giàn BK-15 để cung cấp nước ép vỉa cho mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam.

5/ Ghi nhận dự báo tổng sản lượng khai thác mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam:

Đến hết thời hạn PSC Lô 09-2/09 (ngày 20/8/2040) là 6,76 triệu m3 dầu thô và 2,38 tỷ m3 khí đồng hành. Trong đó, mỏ Kình Ngư Trắng là 2,59 triệu m3 dầu thô và 1,25 tỷ m3 khí đồng hành; mỏ Kình Ngư Trắng Nam là 4,17 triệu m3 dầu thô và 1,13 m3 khí đồng hành.

Đến năm 2036 (thời điểm dự kiến sản lượng dầu khai thác cộng dồn đạt 6,26 triệu m3 theo thỏa thuận giữa Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và các bên tham gia trong chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong PSC Lô 09-2/09) sản lượng khai thác dầu cộng dồn đạt mức 6,26 triệu m3 và 2,160 tỷ m3 khí đồng hành. Trong đó, mỏ Kình Ngư Trắng là 2,409 triệu m3 dầu thô và 1,115 tỷ m3 khí đồng hành; mỏ Kình Ngư Trắng Nam là 3,851 triệu m3 dầu thô và 1,045 tỷ m3 khí đồng hành.

6/ Triển khai công tác hủy 5 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng (KTN-1X, KTN-2X, KTN-3X, KTN-4X, KTN-5X) vào năm 2024.

7/ Tổng chi phí đầu tư (CAPEX) cho phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam là 649,8 triệu USD. Trong đó:

- Xây dựng và lắp đặt 2 giàn, đường ống nội mỏ - liên mỏ và cáp điện ngầm, cải hoán các công trình liên quan với tổng chi phí là 338,54 USD.

- Chi phí khoan 28 giếng và kết nối 2 giếng treo là 284,7 triệu USD.

- Chi phí nghiên cứu địa chất - địa vật lý và các chi phí khác là 26,6 triệu USD.

8/ Ghi nhận chi phí vận hành khai thác (OPEX) đến năm 2036 khi sản lượng khai thác dầu cộng dồn đạt mức 6,26 triệu m3 (với giá dầu trung bình 70 USD/thùng) là 421,1 triệu USD. Chi phí vận hành giai đoạn sau năm 2036 đến thời điểm hết hiệu lực PSC lô 09-2/09 (ngày 20/8/2040) ước tính là 103,8 triệu USD (với giả định chi phí OPEX được duy trì và tương đương như trước khi sản lượng khai thác dầu cộng dồn đạt được 6,26 triệu m3).

9/ Chi phí hủy 5 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng tại mỏ Kình Ngư Trắng Nam khoảng 8,5 triệu USD.

10/ Ghi nhận chi phí thu dọn công trình dầu khí (ABEX) mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam là 111,2 triệu USD để làm cơ sở trích lập Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động thu dọn công trình dầu khí mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam kể từ khi có dòng dầu đầu tiên.

11/ Dự kiến có dòng dầu đầu tiên tại mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam vào cuối quý 4/2024, hoặc quý 1/2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo Người điều hành Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”:

Thứ nhất: Triển khai xây dựng các hạng mục công trình, thiết bị theo Kế hoạch Phát triển mỏ được duyệt, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm, an toàn và bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Cập nhật lại mô hình địa chất và mô hình khai thác trên cơ sở kết quả thu được từ các giếng mới trong quá trình thực hiện chiến dịch khoan, làm cơ sở điều chỉnh tối ưu số lượng và vị trí các giếng khoan nhằm giảm thiểu rủi ro về địa chất.

Thứ ba: Nghiên cứu áp dụng các phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp để khai thác các tập vỉa, đối tượng thuộc cấp tài nguyên 2P đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam.

Thứ tư: Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các hóa phẩm phù hợp, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp kỹ thuật để tối ưu công nghệ thu gom, vận chuyển sản phẩm khí, tiết giảm chi phí vận hành.

Thứ năm: Khẩn trương hoàn thành các thỏa thuận thương mại (dịch vụ kết nối, dịch vụ vận hành bảo dương, bốc dầu, chia sản phẩm, bán dầu...).

Thứ sáu: Xây dựng Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam và trích nộp Quỹ bảo đảm nghĩ vụ tài chính đối với hoạt động thu dọn công trình dầu khí mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương với trách nghiệm được giao là cơ quan chủ trì (Hội đồng Thẩm định Kế hoạch phát triển Mỏ dầu khí) và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về hồ sơ, tài liệu, thông tin số liệu, nội dung thẩm định và việc trình, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. mặt khác, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển mỏ bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiến độ, tiết kiệm chi phí, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09)
Vị trí cụm mỏ KNT/KNTN trong Lô 09-2/09.

Chiến lược gia tăng sản lượng dầu khí bể Cửu Long - Nam Côn Sơn:

Lô 09-2/09 nằm ở mớm nước sâu 55 mét, cách mỏ Bạch Hổ 39 km và cách Vũng Tàu 140 km, bể Cửu Long. Đầu năm 2013, PVE/Bumi hoàn thành FS và cuối năm 2013 thì phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ đại cương (ODP). Sau đó, từ 2014 đến 2016 là thiết kế tổng thể FEED. Do giai đoạn này, giá dầu xuống thấp nên sau khi hoàn thành thiết kế FEED, dự án tạm ngưng. Đến đầu 2017 thì PVEP POC trả lại mỏ này về cho công ty mẹ là PVEP điều hành.

Từ đầu năm 2018, do cần tập trung vốn cho các dự án khác nên PVEP thu gọn một số hoạt động và cơ cấu lại cổ phần trong Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) ở một số lô dầu khí, trong đó có lô 9-2/09. Đầu năm, sau các đàm phán và ký kết giữa PVEP với AO Zerubezhneft (của Liên bang Nga) cũng như Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro - VSP), cơ cấu cổ phần trong PSC đối với lô 9-2/09 đã thay đổi như sau:

+ VSP: 40% (nhà điều hành).

+ PVEP: 30%.

+ AO Zarubezhneft: 30%.

Bằng những nỗ lực nhằm tối ưu hóa các phương án kinh tế kỹ thuật, VSP đã điều chỉnh lại thiết kế tổng thể FEED và báo cáo đầu tư để tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu, cũng như chi phí vận hành, khai thác. Trên cơ sở FDP đã phê duyệt, Báo cáo đầu tư hiện đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rà soát để sớm phê duyệt trong quý 4 năm nay.

Bằng nguồn lực hiện có, từ khâu thiết kế đến mua sắm và thi công các hạng mục tổng thầu (EPC) VSP sẽ tự triển khai. Không thể phủ nhận, dù mới tiếp nhận quyền điều hành trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lan tràn, với nhiều phạm vi công việc gồm điều chỉnh thiết kế, phương án chọn mô hình khai thác, công nghệ, số lượng giàn, giếng khoan khai thác, đã được triển khai đồng bộ. Nhằm rút ngắn thời gian, VSP cũng đã triển khai kế hoạch mua sắm một số hạng mục thiết bị chính phục vụ thi công vào năm sau.

Song song đề án phát triển cụm mỏ này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ (FDP) mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ - khu vực Đông Bắc nhằm gia tăng sản lượng dầu khí. Do nội dung liên quan nhiều thông số kỹ thuật, chúng tôi sẽ cập nhật trong một bài viết khác.

Với những nỗ lực không mệt mỏi thông qua việc hoàn thiện đề án kinh tế, kỹ thuật để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt FDP kịp thời các Lô dầu khí 09-2/09 và 09.1 (mỏ Bạch Hổ), tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của VSP xứng đáng được đánh giá cao. Trong đó, có dấu ấn sâu đậm của Tổng giám đốc VSP Nguyễn Quỳnh Lâm suốt ba năm qua.

Trong bối cảnh sản lượng ở cụm mỏ Bạch Hổ và các khu vực lân cận sụt giảm, chỉ còn khoảng gần 3 triệu tấn dầu thô/năm, việc phê duyệt FDP cụm mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam để sớm phát triển khai thác là rất quan trọng, làm tiền đề cho một số dự án tiềm năng khác trong tương lai gần.

Theo thiết kế, sản lượng ở cụm mỏ này ước đạt khoảng từ 12.000 đến 15.000 thùng dầu/ngày, trong giai đoạn đầu của vòng đời dự án.

Việc sớm đưa cụm mỏ này đi vào khai thác thương mại vào đầu năm 2025, nằm trong chiến lược của PVN và đối tác Nga, nhằm phục hồi, duy trì, gia tăng sản lượng dầu khí, cũng như góp phần bảo đảm an ninh lãnh hải thông qua các hợp tác dầu khí ở liên khu các bể dầu khí Cửu Long và Nam Côn Sơn./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động