Phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện
09:16 | 12/03/2018
Năng lượng Việt Nam trong lộ trình đổi mới tổng thể
Mục tiêu tổng quát của Chương trình quốc gia về DSM là triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội để thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, trong đó sự tham gia chủ động của khách hàng sử dụng điện đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.
Chương trình quốc gia về DSM được triển khai phù hợp với xu hướng phát triển của ngành năng lượng, ngành điện và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đảm bảo tối ưu mọi nguồn lực xã hội, hiệu quả và lợi ích của khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực trong chuỗi quá trình từ sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện và sử dụng điện như: Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng, miền nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư để xây dựng mới; mở rộng hệ thống điện, góp phần giảm áp lực tăng giá điện, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững; nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện và toàn xã hội trong việc quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện hiệu quả; từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang khách hàng sử dụng điện thông minh.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia (so với dự báo nhu cầu phụ tải điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) khoảng 300 MW vào năm 2020, 1.000 MW vào năm 2025 và 2.000 MW vào năm 2030 thông qua triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về DSM; hệ số phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng từ 1-2% trong cả giai đoạn 2018 - 2020 và 3-4% trong cả giai đoạn từ 2021 - 2030.
Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ hoàn thành xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành đồng bộ và đầy đủ các quy định liên quan, đặc biệt là các cơ chế chính sách, cơ chế tài chính và cơ chế khuyến khích phù hợp để tạo hành lang pháp lý triển khai Chương trình quốc gia về DSM; từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia Chương trình quốc gia về DSM đến cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; kết hợp thực hiện các Chương trình DSM với việc hỗ trợ, khuyến khích khách hàng tham gia đầu tư trang bị hệ thống năng lượng mặt trời lắp mái; thực hiện các Chương trình DSM thí điểm, trung và dài hạn cũng như chiến dịch quốc gia nâng cao nhận thức về các Chương trình DSM...
Chương trình quốc gia về DSM được thực hiện theo lộ trình, giai đoạn cụ thể đảm bảo phù hợp với điều kiện và thể chế, chính sách của ngành điện Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các nhóm nội dung chính sau:
1/ Xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý để thực hiện Chương trình quốc gia về DSM.
2/ Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động để nâng cao nhận thức của xã hội, khách hàng sử dụng điện và đơn vị điện lực về Chương trình quốc gia về DSM.
3/ Thực hiện các Chương trình DSM, Chương trình DR.
Từng bước trang bị các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại tại các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện như hệ thống hạ tầng đo đếm tiên tiến, hệ thống công tơ đọc và thu thập số liệu đo đếm từ xa, hệ thống năng lượng mặt trời lắp mái, các hệ thống tích hợp lưu trữ năng lượng để tối ưu hóa việc tham gia của khách hàng sử dụng điện trong các Chương trình DSM/DR.
Để thực hiện Chương trình quốc gia về DSM đạt được các mục tiêu đề ra, đem lại hiệu quả cao, các cơ quan chức năng liên quan cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, các giải pháp về khoa học và công nghệ thực hiện các Chương trình DSM cần thực hiện đồng bộ và phù hợp với việc phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam; thực hiện phối hợp và lồng ghép với chương trình trọng điểm cấp nhà nước về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng của các Chương trình DSM.
Các giải pháp về khoa học và công nghệ thực hiện các Chương trình DSM cần thực hiện đồng bộ và phù hợp với việc phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam; thực hiện phối hợp và lồng ghép với chương trình trọng điểm cấp nhà nước về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng của các Chương trình DSM.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM