RSS Feed for Phát triển Lô 09-1 (điều chỉnh năm 2022): Nhìn từ đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển Lô 09-1 (điều chỉnh năm 2022): Nhìn từ đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ

 - Từ đề nghị của Hội đồng Thẩm định Kế hoạch phát triển mỏ Dầu khí (Bộ Công Thương), Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 điều chỉnh năm 2022 - Khu vực Đông Bắc (Quyết định số: 1256/QĐ-TTg, ngày 17/10/2022). Dưới đây là nội dung Quyết định và một vài đánh giá của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ.
Phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09) Phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09)

Từ đề nghị của Hội đồng Thẩm định Kế hoạch phát triển Mỏ dầu khí (Bộ Công Thương), Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (Lô 09-2/09) - Quyết định số: 1257/QĐ-TTg, ngày 17/10/2022.


Nội dung chính của quyết định bao gồm:

1/ Tiếp tục khai thác các thân dầu tại khu vực Đông Bắc mỏ Bạch Hổ trên cơ sở hạ tầng hiện hữu.

2/ Xây dựng giàn nhẹ không người mini BK-22 tại vị trí bên cạnh giàn BK-15 hiện hữu với 9 lỗ giếng, hệ thống thiết bị phụ trợ, cầu dẫn, hệ thống đường ống kết nối với giàn BK-15 và cải hoán một số thiết bị trên giàn BK-15.

3/ Khoan mới 9 giếng, trong đó 8 giếng khai thác và 1 giếng bơm ép.

4/ Tổng chi phí đầu tư bổ sung là 90,4 triệu USD (bao gồm VAT). Trong đó, xây dựng và lắp đặt giàn BK-22 với tổng chi phí là 27,8 triệu USD, còn chi phí khoan là 62,6 triệu USD.

5/ Ghi nhận chi phí vận hành khai thác (OPEX) giai đoạn 2022 - 2030 là 12,1 triệu USD.

6/ Ghi nhận chi phí thu dọn mỏ (ABEX) bổ sung ước tính là 18,7 triệu USD.

7/ Dự báo tổng sản lượng khai thác dầu khí của giàn BK-22 giai đoạn 2022 - 2030 là 829,4 nghìn m3 dầu và 97,4 triệu m3 khí đồng hành.

8/ Dự kiến có dòng dầu đàu tiên vào quý 4 năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro - VSP):

Thứ nhất: Tiếp tục vận hành, khai thác mỏ đối với các công trình hiện hữu và thực hiện các hạng mục công việc (đã được phê duyệt tại Quyết định số 1420/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 điều chỉnh năm 2020).

Thứ hai: Triển khai xây dựng các hạng mục công trình, thiết bị theo Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 điều chỉnh năm 2022 - Khu vực Đông Bắc được duyệt, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường.

Thứ ba: Tiếp tục nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến trong công tác khoan, hoàn thiện giếng, cập nhật mô hình mô phỏng mỏ, tối ưu các chế độ khai thác và bơm ép nước, nhằm đạt hệ thu hồi dầu khí cao nhất.

Thứ tư: Tiếp tục triển khai công tác tận thăm dò các khu vực/cấu tạo tiềm năng khác của Lô 09-1. Trên cơ sở kết quả của các giếng khoan tận thăm dò, lập kế hoạch phát triển các khu vực mới trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Thứ năm: Cập nhật Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 và tiếp tục trích nộp Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính đối với thu dọn công trình dầu khí theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương với trách nhiệm được giao là cơ quan chủ trì (Hội đồng Thẩm định Kế hoạch phát triển mỏ Dầu khí) và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về hồ sơ, tài liệu, thông tin số liệu, nội dung thẩm định và việc trình, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển mỏ bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiến độ, tiết kiệm chi phí, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Nhìn từ đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ:

Trong bối cảnh sản lượng dầu khí ở cụm mỏ Bạch Hổ đang sụt giảm, chỉ còn khoảng 3 triệu tấn dầu thô/năm, kế hoạch mở rộng mỏ để gia tăng sản lượng dầu khí là nỗ lực đáng ghi nhận của lãnh đạo PVN, cũng như VSP.

Với tình hình biến động chính trị trên thế giới còn leo thang, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lĩnh vực thượng nguồn, kéo theo những khó khăn về thu xếp vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, việc sớm gia tăng sản lượng ở cụm mỏ Bạch Hổ là hướng đi đúng đắn của PVN và đối tác Nga, Zarubezhneft.

Dự báo, giá dầu thế giới sẽ còn duy trì ở mức cao, trên dưới 80 USD/thùng trong vòng 3 đến 5 năm nữa, việc kịp đưa Khu vực Đông Bắc cụm mỏ Bạch Hổ đi vào khai thác thương mại (trong quý 4/2023), sẽ đáp ứng mục tiêu kép, gia tăng sản lượng dầu khí và nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài đề án mở rộng mỏ Bạch Hổ, VSP sẽ triển khai song song đề án phát triển cụm mỏ mới kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam (KNT/KNTN) ở khu vực lân cận. Việc triển khai đồng bộ EPC trong nước đối với các dự án này, ngoài quyền lợi của VSP và các đối tác, sẽ tạo công ăn việc làm cho chuỗi các tổng công ty thương mại, dịch vụ kỹ thuật, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEMs) và nhà thầu khoan, tạo ra hiệu ứng tích cực sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 thiếu vắng các dự án ngoài khơi.

Bên cạnh việc phát triển các dự án này, VSP hiện đang triển khai một số chương trình địa chất - khoan thăm dò ở khu vực lân cận, bao gồm:

1/ Trong Lô dầu khí 09-3/12: Chương trình khoan thăm dò, khai thác để mở rộng mỏ Cá Tầm (hiện VSP đang đánh giá giếng khoan CT-7X), thăm dò mở rộng mỏ.

2/ Trong Lô dầu khí 16-1/15: Sau giếng thăm dò SV-1X cho kết quả khả quan (vào tháng 12/2020), VSP đang triển khai chương trình khoan SX-2X và trình phê duyệt chương trình khoan SV-3X để triển khai vào năm sau.

3/ Trong Lô dầu khí 12/11: VSP đang triển khai thu nổ địa chấn, cũng như lập Kế hoạch phát triển mỏ đại cương cho cụm mỏ Thiên Nga - Hải Âu, dự kiến từ 5 đến 7 giếng khai thác.

Nhìn tổng quan, có thể thấy đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ (và phát triển cụm mỏ KNT/KNTN) sẽ không chỉ là mục tiêu để VSP tối ưu hóa hệ thống công nghệ, đường ống vận chuyển dầu khí và gia tăng sản lượng, mà trên cở sở đó, còn làm tiền đề để VSP phát triển các dự án ở khu vực lân cận trong tương lai gần.

Với những thách thức từ chuyển dịch năng lượng trong những năm sắp tới, chiến lược gia tăng trữ lượng và sản lượng dầu khí của VSP sẽ không chỉ làm sâu sắc hơn hợp tác liên Chính phủ của Việt Nam và Liên Bang Nga, mà còn làm đòn bẩy tăng trưởng cho PVN trên cả năm lĩnh vực ngành.

Mặt khác, việc sớm gia tăng sản lượng dầu khí từ các cụm mỏ của VSP sẽ giúp cho PVN giảm tải áp lực về cân đối nguồn lực, nhiên liệu dầu và khí cho khâu sau, bao gồm bảo đảm nguồn cung nhiên liệu đầu vào tương thích cho Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn chế biến sâu, cũng như công nghiệp khí, các nhà máy nhiệt điện khí, Đạm Phú Mỹ ở khu vực các tỉnh Đông Nam bộ./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động