RSS Feed for Phát hiện dầu khí tại Lô 15-2/17 bể Cửu Long (ngoài khơi Việt Nam) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 10/01/2025 15:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát hiện dầu khí tại Lô 15-2/17 bể Cửu Long (ngoài khơi Việt Nam)

 - Tại Lô 15-2/17 (trong bể trầm tích Cửu Long, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam), Nhà điều hành vừa phát hiện ra một lớp dầu (dày khoảng 112 mét) trong cấu trúc được đặt tên là “Golden Sea Lion”. Phát hiện này nằm gần Lô 15-1 đang khai thác và Lô 15-1/05 đang được phát triển. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp một số thông tin liên quan đến Lô 15-2/17, cùng một số nhận định ban đầu về dấu ấn nổi bật trong quản trị, điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN).
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2024 và những băn khoăn, lo ngại Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2024 và những băn khoăn, lo ngại

Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ thông tin, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; cũng như các tiêu chí bình chọn (tính đột phá, sự khác biệt, nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển) của các phân ngành năng lượng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2024 của ngành năng lượng Việt Nam. Cùng với nhiều điểm ‘sáng’ được chọn là những băn khoăn, lo ngại được nêu ở phần cuối 10 sự kiện. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

Mỏ Hải Sư Vàng nằm trong Lô dầu khí 15-2/17 ở bể Cửu Long, cách Vũng Tàu khoảng 65 km. Đây là Lô dầu khí do Murphy Oil điều hành thông qua hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) giữa các đối tác Murphy Oil (Hoa Kỳ), PVEP (Việt Nam) và SK Earthon (Hàn Quốc). Trong cơ cấu, PSC, PVEP nắm giữ 35% cổ phần, SK Erathon nắm giữ 25% cổ phần, Murphy nắm giữ 40% cổ phần và là nhà điều hành Lô dầu khí này.

Tại Lô 15-2/17, Nhà điều hành đã cho triển khai giếng khoan thăm dò (Hải Sư Vàng-1X) từ quý 4/2024. Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) được chọn thực hiện khoan thăm dò dự án này.

Phát hiện dầu khí tại Lô 15-2/17 bể Cửu Long (ngoài khơi Việt Nam)
Lô 15-2/17 (trong bể trầm tích Cửu Long, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam).

Lô 15-2/17 (trong Bể Cửu Long):

Theo báo cáo của Nhà điều hành (Murphy): Kết quả này phù hợp với ước tính tài nguyên tiềm năng trước khi khoan khoảng từ 170 triệu thùng dầu đến 430 triệu thùng dầu. Phân tích vẫn đang tiếp tục được triển khai, với kế hoạch khoan thẩm lượng trữ lượng dầu khí vào thời điểm phù hợp sắp tới để lập báo cáo trữ lượng, thiết kế cơ sở và khái toán đầu tư... để sau đó, triển khai phương án phát triển mỏ, đưa vào khai thác thương mại.

Về mặt kỹ thuật, kết quả này phản ánh rất rõ những nỗ lực không biết mệt mỏi, cũng như năng lực của đội ngũ kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN) và Nhà điều hành thông qua nhiều quy trình đánh giá, minh giải địa chấn, giải pháp lựa chọn đối tượng (vỉa chứa dầu) để chính xác hóa vị trí và quỹ đạo giếng khoan. Đó là công tác thuần túy và giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, nhưng những đóng góp trong thầm lặng của họ đã góp phần tạo ra thành quả như hôm nay.

Bể Cửu Long là một trong những khu vực khai thác dầu chính của ngành Dầu khí Việt Nam, diễn ra nhiều hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí thành công trong hơn 20 năm qua. Việc phát hiện trữ lượng dầu mới trong khu vực này sẽ gia tăng sản lượng, doanh thu, cũng như tăng trưởng kinh tế cho các đối tác nước ngoài và Việt Nam.

Đối với nhà điều hành, phát hiện dầu khí mới này sẽ giúp tối ưu hóa giải pháp phát triển khai thác đồng bộ theo tính chất chuỗi. Từ phát hiện này, Nhà điều hành có thể tiếp tục triển khai thêm 1-2 giếng khoan thẩm lượng nữa để chính xác hóa trữ lượng dầu khí làm cơ sở lập báo cáo trữ lượng, công bố trữ lượng và xây dựng mô hình phát triển mỏ.

Theo đó, với cơ sở vật chất hiện có ở Cụm mỏ Lạc Đà Vàng (Lô dầu khí 15-1/05), phát hiện mỏ Hải Sư Vàng này (Lô dầu khí 15-2/17) có thể kết nối vào Cụm giàn khai thác Lạc Đà Vàng (hiện hữu) để tiết giảm chi phí đầu tư và chi phí vận hành trong suốt vòng đời khai thác thương mại của dự án.

Về thăm dò dầu khí, phát hiện Lô dầu khí 15-2/17 không chỉ là tiền đề để PVN phát triển khai thác ở các lô dầu khí này, mà còn thúc đẩy hoạt động thăm dò ở các cụm mỏ lân cận trong bể Cửu Long.

Dấu ấn nổi bật về quản trị, điều hành của PVN:

Trong 5 năm qua, do tình hình kinh tế chính trị có nhiều biến động trên thế giới, cũng như dịch bệnh Covid ảnh hưởng đến các hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, vì vậy, tỷ lệ gia tăng sản lượng trung bình ước đạt 13 triệu tấn/năm (thấp hơn tỷ lệ 1:1 so với sản lượng dầu khí khai thác hàng năm khoảng 18 triệu tấn dầu quy đổi/năm). Đây là con số đáng báo động cho lĩnh vực thăm dò dầu khí trong những năm qua.

Về khai thác dầu khí, sản lượng trong nước đang sụt giảm khoảng 6% hàng năm, hiện chỉ còn hơn 8 triệu tấn dầu thô (bao gồm cả condensate) và hơn 6 tỷ m3 khí. Theo dự báo, sản lượng dầu khí sẽ tiếp tục sụt giảm cho đến năm 2027 (sau khi các cụm mỏ Đại Hùng pha 3, Lạc Đà Vàng, Kình Ngư Trắng/Kình Ngư Trắng Nam và đặc biệt là Lô B đi vào khai thác thương mại). Dầu, khí từ các cụm mỏ mới này sẽ gia tăng sản lượng hàng năm khoảng từ 20 đến 25% và cao hơn nữa vào giai đoạn khai thác bình ổn sản lượng khí từ nhu cầu gia tăng của các nhà máy điện ở hạ nguồn.

Cửu Long và Nam Côn Sơn là những bể có chất lượng dầu thô tốt nhất thế giới (Brent), có giá trị thương mại cao, phù hợp với nhiên liệu đầu vào của các nhà máy lọc dầu trong nước như Dung Quất, Nghi Sơn. Mặt khác, điều kiện đầu tư, khai thác đối với các mỏ dầu khí gần bờ cũng đơn giản hơn đối với các mỏ khí, phụ thuộc vào hạ nguồn. Do đó, phát hiện dầu khí (Lô dầu khí 15-2/17) sẽ giúp PVN tối ưu hóa công tác quản trị điều hành và phân bổ nguồn lực cho các dự án đầu tư mới ở ngoài khơi. Với hệ thống cơ sở vật chất đã có sẵn (gồm hệ thống giàn, giếng khai thác, đường ống vận chuyển khí), những phát hiện mới ở các lô dầu khí 15-2/17, cũng như 16-2 sẽ sớm được triển khai đồng bộ để đưa vào khai thác thương mại.

Trong 5 năm gần đây, PVN đã có nhiều thay đổi về chiến lược phát triển thông qua các giải pháp về quản trị điều hành, quản trị giao diện nhằm tối ưu hóa các hoạt động hợp tác đầu tư. Song song, PVN cũng kiến nghị, tư vấn với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Điện lực (sửa đổi) được ban hành kịp thời, theo kịp nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Những thay đổi này đã góp phần thay đổi diện mạo của Tập đoàn, lập ra nhiều thành tựu kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận cho ngân sách nhà nước và các đối tác nước ngoài.

Như đã biết, Hợp đồng dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 có nhiều nội dung mang tính đột phá, quy định chi tiết, rõ ràng hơn trách nhiệm giữa quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành và vai trò của PVN. Đặc biệt, quy định rõ hơn về vai trò quản lý nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu), qua đó, nâng cấp vai trò chủ động của PVN đối với các hoạt động phê duyệt, thẩm định đầu tư, bao gồm các phê duyệt về mặt kỹ thuật và thương mại như: Chương trình thăm dò, chương trình khoan, kế hoạch phát triển mỏ (ODP/FDP), khái toán kinh tế, báo cáo đầu tư.

Về hợp tác đầu tư, thông qua Hợp đồng dầu khí (sửa đổi), các điều khoản liên quan đến hợp đồng dầu khí đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung (có tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia...) bảo đảm tính linh hoạt, hấp dẫn hơn, nhiều ưu đãi hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia.

Với vòng đời khai thác dài hơn, nhiều ưu đãi hơn, những phát hiện mới này sẽ là tiền đề cho PVN cam kết, thúc đẩy và thu hút thêm nhiều đầu tư từ nước ngoài vào các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi trong hiện tại, cũng như tương lai tới. Đó cũng là một phần trong chiến lược phát triển của PVN trong tình hình mới, nhằm duy trì, phát triển lĩnh vực dầu khí truyền thống, làm nền tảng và là điểm tựa cho các hoạt động đầu tư, mở rộng thị trường sang các lĩnh vực mới - tái khẳng định vai trò Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu của Việt Nam và khu vực ASEAN./.

LÊ MINH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động