Những khác biệt trong thiết kế và xây dựng giàn Thỏ Trắng 3
13:51 | 17/05/2017
Khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn Thỏ Trắng 3
H.4 - Mặt cắt mô hình 3D khu vực shelter giàn BK ThTC3.
Trong số 26 giàn BK mà Vietsovpetro đã lắp đặt và đưa vào khai thác tại lô 09-1, BK ThTC3 là giàn thứ năm liên tiếp, kể từ năm 2013, do Vietsovpetro tự thực hiện hoàn toàn từ khâu thiết kế, mua sắm, chế tạo và lắp đặt (EPCI).
Nếu như vào năm 2013, việc tự thực hiện hoàn toàn EPCI và đưa vào khai thác thành công giàn BK17 đã tạo nên một dấu mốc quan trọng đối với Vietsovptero về việc đã tự chủ hoàn toàn ở tất cả các khâu, cũng như giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư xây dựng giàn BK, thì đến nay, việc xây dựng thành công giàn BK ThTC3 có thể đã trở nên bình thường trong suy nghĩ của CBCNV đang công tác tại Vietsovpetro, cũng như trong ngành Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian gần một năm rưỡi thực hiện thiết kế và xây dựng giàn BK ThTC3 cũng có rất nhiều sự khác biệt và đáng ghi nhận mà chỉ có những người trực tiếp thực hiện dự án như chúng tôi mới có thể hiểu được. Qua bài viết này, tác giả muốn nêu lại một vài sự khác biệt và sáng tạo đó để phần nào tô đậm thêm sự thành công của dự án xây dựng giàn BK ThTC3 cũng như giúp những người “trong cuộc” có thể nhớ lâu hơn về dự án.
Đầu tiên là phải kể đến sự khác biệt trong lịch khoan và lịch lắp đặt giàn BK ThTC3 so với các giàn BK còn lại. Trước đây, đối với các giàn BK khác, việc khoan các giếng khoan sẽ được thực hiện trước khi lắp đặt chân đế và sau khi lắp đặt topside của giàn. Chân đế và sàn MSF của giàn BK ThTC3 được lắp đặt vào đầu tháng 9/2016, còn topside lúc đó dự kiến sẽ lắp đặt vào 5/2017. Trong khi đó, theo kế hoạch khoan thì vào giữa khoảng thời gian này, giàn Tam Đảo 05 sẽ khoan từ 2 đến 3 giếng khoan tại khu vực giàn BK ThTC3. Việc khoan giếng khoan mà chỉ có chân đế, chưa có topside sẽ gặp phải không ít khó khăn vì nếu khoan giếng xong mà không lắp đặt cây thông thì sau khi lắp topside, cần phải đưa tàu khoan quay trở lại để thực hiện việc tie-back giếng khoan và lắp đặt cây thông đầu giếng. Việc này sẽ tốn thêm thời gian và chi phí, đồng thời có thể kéo dài thời gian first oil giàn. Còn nếu khoan xong và lắp đặt luôn cây thông đầu giếng thì sẽ gặp khó khăn và nguy hiểm khi lắp đặt topside sau này.
Nhận thấy được các khó khăn trên, vào ngày 23/8/2016, lãnh đạo Vietsovpetro đã triệu tập cuộc họp giữa các bên liên quan để tìm phương án giải quyết tối ưu. Tại cuộc họp này, Viện NCKH&TK đã đề xuất phương án thiết kế tổ chức thi công lắp đặt topside trong điều kiện đã lắp đặt các cây thông đầu giếng trên chân đế và sàn MSF giàn BK ThTC3. Phương án đã được các đơn vị khai thác, khoan, xây lắp, an toàn và lãnh đạo Vietsovpetro đánh giá là khả thi và cho phép triển khai. Vào tháng 3/2017 Xí nghiệp Xây lắp đã lắp đặt thành công topside giàn BK ThTC3 theo phương án thiết kế này. Đó là lý do giải thích tại sao nhìn vào giàn BK ThTC3, bên ngoài khu vực đầu giếng, có 2 ống thép màu gỉ sét hướng lên trời, cái mà chúng tôi hay gọi đùa với nhau là “đôi tên lửa bảo vệ biển đảo”.
Bằng cách thực hiện thành công phương án thiết kế và lắp đặt topside giàn BK trong điều kiện đã lắp đặt cây thông đầu giếng trên chân đế và sàn MSF sẽ giúp cho Vietsovpetro có thể tối ưu được kế hoạch sử dụng tàu khoan, rút ngắn thời gian thực hiện việc khoan và tie-back giếng khoan, qua đó giảm chi phí đáng kể trong công tác khoan và xây dựng các công trình trong thời gian tới.
Nếu quan sát sâu hơn các thiết bị bên trong giàn BK ThTC3 thì ta cũng có thể phát hiện một số khác biệt nữa, theo chiều hướng tối ưu hóa và giảm chi phí so với các giàn BK trước đây. Điển hình như trên sàn Main Deck của giàn BK ThTC3 ta không còn thấy bình xả khí Vent Scrubber nằm ở phía bên cạnh chân của cần xả khí Vent Boom nữa. Đó là vì trong thiết kế của BK ThTC3 đã gộp 2 bình Vent Scrubber và Closed Drain Tank lại thành một, đặt ở sàn MSF. Qua đó, tiết giảm được 1 bình áp lực. Rồi ta cũng không thể tìm thấy 2 cụm dập giếng kill manifold nằm ở 2 bên đối diện với khu vực đầu giếng. Trong sơ đồ công nghệ của giàn BK ThTC3 đã bỏ 2 cụm kill manifold này, thay vào đó là các kill lines. Việc thay đổi này đã giúp tiết giảm được khoảng 20 cái valve có cấp áp suất cao.
Trong quá trình tự thực hiện thiết kế và xây dựng các giàn BK, Vietsovpetro cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội họp về công tác hoàn thiện và tối ưu. Qua đó, đơn vị thiết kế cũng đã nhận được phản hồi từ đơn vị vận hành về điều kiện sinh hoạt trên các giàn BK hiện hữu. Viện NCKH&TK đã tiếp thu và tiến hành xem xét một cách nghiêm túc, cập nhật thiết kế để có thể cải thiện điều kiện ăn ở cho anh em trên giàn BK ThTC3. Tại khu vực shelters trên Upper Deck của giàn BK ThTC3 ta thấy rất rộng rãi và thông thoáng, có mái che ở các hành lang đi lại. Nhà bếp và nhà vệ sinh đã được tách riêng ra khỏi phòng ngủ. Bằng việc bố trí máy phát điện chính ra bên ngoài, chuyển máy biến thế qua phòng khác đã giúp cho khu vực phòng ngủ và phòng làm việc trở nên rộng rãi hơn nhiều so với các BK khác, có thể chứa tối đa đến 16 người. Hy vọng là điều này sẽ làm cho các anh em vận hành cảm thấy thoải mái hơn và đặc biệt giúp cải thiện được điều kiện ăn ở cho đội khảo sát sửa chữa giàn trong những lúc cao điểm về nhu cầu nhân lực.
Những thay đổi để tạo ra các khác biệt kể trên là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần làm việc cầu thị, có trách nhiệm và sáng tạo của các đơn vị trong Vietsovpetro, từ bộ phận quản lý dự án, khoan, thiết kế, mua sắm, xây dựng và vận hành công trình.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng giàn BK ThTC3 cũng đã gặp phải một số hạn chế, khó khăn mà từng bộ phận cần phải rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo. Hiện Viện NCKH&TK vẫn đang không ngừng nghiên cứu để có được những phương án thiết kế tối ưu hơn nữa, giảm chi phí xây dựng giàn BK thấp hơn nữa nhằm đáp ứng tốt hơn trong tình hình giá dầu thấp và trữ lượng dầu ngày càng suy giảm như hiện nay và trong tương lai.
BÙI TRỌNG HÂN, VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ THIẾT KẾ DẦU KHÍ BIỂN