Ngành Điện đồng hành cùng người nuôi tôm
22:24 | 03/11/2016
Triển khai dự án cấp điện cho hơn 1.500 hộ dân ở Cà Mau
Hoàn thành dự án cấp điện nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer
Bùng nổ nuôi tôm
Trong giai đoạn 2009 - 2013, phong trào nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp phát triển mạnh ở một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ dân tại khu vực này đã tự ý kết hợp việc sử dụng điện sinh hoạt vào phục vụ sản xuất, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản dẫn đến tình trạng lưới điện quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết, do lợi nhuận của con tôm khá cao so với các vật nuôi, cây trồng khác nên những năm qua bà con vùng này đổ xô vào nuôi tôm. Mãi đến năm 2013, địa phương mới quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp, nhưng tình hình nuôi tôm ngoài quy hoạch vẫn không ngừng tăng cao dẫn đến quá tải về điện và phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh, môi trường khác. Cả xã Đôn Châu hiện có hơn 300 hộ nuôi tôm (chiếm gần 1/10 số hộ dân trong xã) với khoảng 500 ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Trong đó có khoảng 300 ha trong vùng quy hoạch, số còn lại là tự phát.
Tương tự như vậy, những năm gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp của các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng tăng hàng nghìn ha mỗi năm, trong đó có rất nhiều diện tích được người dân thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, rồi tự câu điện sinh hoạt để nuôi tôm.
Nếu như năm 2010, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có 25.600 ha nuôi tôm nước lợ thì đến năm 2016 diện tích thả nuôi tăng lên gần 48 nghìn ha. Diện tích nuôi tôm phát triển nhanh như vậy đã đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, gây ra tình trạng nguồn điện thiếu hụt trầm trọng, tạo áp lực rất lớn cho ngành điện trong bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngành Điện đồng hành cùng người nuôi tôm
Trăn trở trước khó khăn của bà con nuôi tôm, ngành điện cùng với chính quyền địa phương quyết định đầu tư thực hiện Dự án thành phần lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Dự án hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3). Đến thời điểm này đã có những dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, từng bước cung cấp điện ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng chục nghìn hộ nuôi tôm.
Ông Huỳnh Khánh Lượng ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Ðề (tỉnh Sóc Trăng) có 30 ao nuôi tôm, với diện tích gần 12 ha. Trước đây, do không đủ điện nuôi tôm, công suất của các trạm biến áp thấp, chỉ đạt 150 KVA cho nên ông Lượng không thể thả nuôi hết các ao mà chỉ thả luân phiên. Từ khi dự án được đưa vào sử dụng, nâng công suất trạm biến áp lên 250 KVA, cung cấp đủ điện phục vụ nuôi tôm, ông đã thả nuôi hết diện tích. Mỗi năm, doanh thu trang trại nuôi tôm của ông Lượng tăng lên hàng tỷ đồng.
"Khi Dự án thành phần lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất, chi phí sản xuất con tôm đã giảm rõ rệt, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn" - ông Huỳnh Khánh Lượng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Đào, nhà ở ấp La Vang Chợ (xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), làm nghề tuôi tôm từ năm 2003. Thời gian đầu gia đình chỉ nuôi 1 ao tôm nhưng đến nay đã tăng lên 4 ao tôm, với tổng diện tích mặt nước 11.000 m2.
Anh Nguyễn Văn Đào cho biết, dù mới dùng 4 mô tơ điện thay cho máy dầu, nhưng tôi thấy tiết kiệm được rất nhiều chi phí, anh Nguyễn Văn Đào tính toán: Mỗi ngày phải chạy máy liên tục 18 tiếng, nếu sử dụng máy diesel, mỗi tháng hết 4 triệu đồng tiền dầu, trong khi chi phí tiền điện chạy mô tơ hết 1 triều đồng.
Với một hồ nuôi với diện tích 3.200 m2, riêng tiền dầu hết trung bình 25 triệu đồng/vụ, gấp khoảng 4 lần so với chạy mô tơ điện. Ngoài ra chưa kể chi phí mua máy cao hơn nhiều so với mô tơ điện và rã máy sửa chữa sau mỗi vụ tôm. Chính vì hiệu quả kinh tế và sự tiện lợi của việc chạy mô tơ điện nên bà con ai cũng trông mong điện về để tiếp sức cho con tôm phát triển.
Ông Thiều Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau (PC Cà Mau) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại PC Cà Mau đã đáp ứng gần như 100% nhu cầu về điện của khách nuôi tôm, chỉ có một số ít trường hợp khách hàng không đủ điều kiện cấp điện do lưới điện phân phối bị quá tải. Tính đến cuối tháng 9/2016, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 10.340 hộ dân được cấp điện áp dụng giá sản xuất, phục vụ cho mục đích nuôi tôm công nghiệp.
Trước đó, để tạo điều kiện cho các hộ dân trong tỉnh mở rộng và phát triển thêm diện tích nuôi trồng, năm 2015 PC Cà Mau đã giành hơn 17 tỷ đồng để đầu tư cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn, trong đó có những vùng nuôi tôm thuộc các huyện như: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và huyện Trần Văn Thời.
Ngoài ra, PC Cà Mau đã cử đoàn công tác đến tham khảo và học hỏi mô hình đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm tại các tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, kết hợp xem xét loại bỏ các chi phí quản lý, nhân công và giám sát, chỉ tính chi phí vật tư thiết bị trong dự toán cho những khách hàng có nhu cầu lắp đặt trạm biến áp riêng phục vụ nuôi tôm. Công ty cũng thông báo cho các Điện lực và phòng ban liên quan tập trung thực hiện nhanh khi khách hàng có nhu cầu lắp điện phục vụ mục đích nuôi tôm.
Phó Giám đốc PC Cà Mau cũng cho biết, trong 2 năm 2014, 2015 và 6 tháng năm 2016 khách hàng nuôi tôm được đầu tư lắp đặt mới 367 trạm biến áp. Công ty đang thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện năm 2016 với số vốn 27,744 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đồng bộ trong tháng 10 năm nay.
Theo ông Đặng Văn Dình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh (PC Trà Vinh), tại tỉnh Trà Vinh trong các năm gần đây ngành Điện đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện trên các vùng nuôi tôm với tổng mức đầu tư gần 39 tỷ đồng (năm 2014, 2015). Tuy nhiên, đây mới chỉ là khoản đầu tư nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết trước mắt cho bà con các vùng nuôi tôm.
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, hàng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp, Tổng công ty cũng đã bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển của các công ty Điện lực để kịp thời giải quyết gấp yêu cầu phụ tải.
Nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, ngành nghề ở nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm cũng như góp phần xóa đói giảm nghèo, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) xây dựng đề án “Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020” có tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.200 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản của bà con nông dân.
NGỌC TUẤN