RSS Feed for Lọc dầu Dung Quất: "Rực sáng" một vùng cát trắng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 01:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lọc dầu Dung Quất: 'Rực sáng' một vùng cát trắng

 - Cách đây hơn 20 năm, những người lạc quan nhất cũng không thể hình dung mảnh đất Dung Quất đầy cát trắng và nắng gió có cơ ngơi như ngày hôm nay. Một nhà máy lọc dầu và hàng loạt nhà máy cơ khí, luyện thép, đóng tàu… hiện đại khác đã làm rực sáng mảnh đất cằn này.

10 năm ngày xuất sản phẩm đầu tiên của Lọc dầu Dung Quất

Quãng đường dài đầy truân chuyên…

Ngày 31/5/1997, Quyết định số 75/BT về việc thành lập Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành đã “khai sinh” nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Ngày này hàng năm được chọn là Ngày truyền thống của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Từ quyết định thành lập ban đầu, để có cơ ngơi Nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng các công trình phụ trợ như hôm nay, BSR đã phải trả qua chặng đường dài đầy truân chuyên với muôn vàn khó khăn.

Với phương châm xây dựng NMLD đầu tiên của Việt Nam, Ngày 10/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 514/QĐ-TTg, phê duyệt dự án NMLD số 1 Dung Quất theo hình thức tự đầu tư. Đầu năm 1998, lễ động thổ xây dựng nhà máy được tổ chức mang theo biết bao kỳ vọng của những người làm dầu khí và nhân dân cả nước.

Khi những công nhân, kỹ sư, giám sát công trình đang hăng say thi công thì chỉ 6 tháng sau ngày khởi công, “bóng mây đen” của cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng trong khu vực châu Á trùm xuống. Việc huy động vốn cho dự án khó khăn.

NMLD Dung Quất đã làm bừng sáng cả một vùng cát trắng.

Để vượt qua “con dốc” này, phương án Liên doanh với Nga để hợp tác xây dựng và vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất được xúc tiến. Hai Chính phủ thống nhất giao cho PVN và Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm Chủ đầu tư của dự án.

Khó khăn này vừa qua thì khó khăn mới lại ập tới. Giải quyết được vấn đề huy động vốn, thì quá trình Liên doanh “Vietross” đàm phán hợp đồng EPC 1, có những vấn đề phức tạp nảy sinh khiến cho tiến độ công việc kéo dài. Hai bên trong Liên doanh không đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề quan trọng. Do vậy hai bên đã đề nghị Chính phủ hai nước quyết định chấm dứt Liên doanh. Phía Nga chấp thuận phương án rút khỏi dự án để chuyển giao lại toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Liên doanh “Vietross” sang phía Việt Nam.

Cuối năm 2002, NMLD đầu tiên của người Việt tiếp tục do những “bàn tay khối óc” Việt Nam làm chủ, xây dựng. Ban QLDA NMLD Dung Quất đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu như giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng sau khi chấm dứt Liên doanh, kiện toàn bộ máy tổ chức và ổn định tư tưởng của cán bộ công nhân viên, tiếp tục đàm phán hợp đồng EPC 1; tập trung giải quyết những phát sinh, vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ và tài chính của các gói thầu EPC 5A, EPC 5B, EPC 7; lập kế hoạch đào tạo tổng thể và chuẩn bị sản xuất v.v.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, NMLD Dung Quất đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành vượt tiến độ, cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2009.

Thay da đổi thịt Quảng Ngãi

Từ khi cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào năm 2009, NMLD Dung Quất đã biến vùng đất khô cằn sỏi đá Bình Sơn thành trung tâm công nghiệp khu vực miền Trung. Trải qua 10 năm vận hành thương mại, đến nay BSR đã sản xuất gần 60 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; doanh thu đạt 44 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước khoảng 7 tỷ USD.

Đối với Quảng Ngãi, sự hình thành và phát triển của NMLD Dung Quất đã mang lại những bứt phá cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, Công ty BSR luôn chiếm khoảng 85 - 90% tổng thu ngân sách của tỉnh, đưa Quảng Ngãi vào nhóm các tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước. Trong giai đoạn xây dựng nhà máy, BSR đã hỗ trợ nhằm ổn định đời sống 1.400 hộ dân trong diện di dời để làm NMLD Dung Quất; đầu tư nâng cấp đường sá, trạm y tế và hạ tầng phục vụ dân sinh tại các khu tái định cư. Ðầu tư xây dựng các khu dịch vụ, thương mại, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đào tạo và giải quyết việc làm... cho các hộ dân trong diện thu hồi đất. 341 hộ dân với khoảng 900 nhân khẩu xung quanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ di dời sang khu ở mới để nhường đất phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy. Công ty BSR sẽ tập trung chương trình an sinh xã hội tại đây để người dân thuộc diện di dời ổn định nơi ở, có công ăn việc làm.

 Khu vực cảng Dung Quất - nay là tâm điểm của các nhà đầu tư.

BSR cũng là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho công tác an sinh xã hội (ASXH) của tỉnh Quảng Ngãi với tổng chi phí trên 250 tỷ đồng. Riêng đối với Quảng Ngãi, Công ty đã dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, xây dựng trường mẫu giáo, nâng cấp Trường tiểu học, xây dựng các công trình dân sinh,…

“Thỏi nam châm” hút đầu tư cho khúc ruột miền trung

NMLD Dung Quất như “thỏi nam châm” thu hút các dự án lớn, ngọn lửa thắp sáng lên niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2018, Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thu hút được 57 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 25.888 tỷ đồng (tương đương 1,12 tỷ USD); trong đó, có 44 dự án trong nước tổng vốn đầu tư hơn 809,6 triệu USD và 13 dự án FDI tổng vốn đầu tư hơn 308,7 triệu USD. Tính đến nay, tổng số các dự án tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi là 301 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD; trong đó có 54 dự án FDI với tổng vốn hơn 1,6  tỷ USD và 247 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10,4 tỷ USD. Trong đó NMLD Dung Quất có tổng vốn đầu tư lớn nhất và là trái tim của Khu Kinh tế Dung Quất. Đến nay có 1 số dự án lớn đã đầu tư vào Dung Quất như Doosan (Hàn Quốc), Thép Hòa Phát…

Bản thân NMLD Dung Quất cũng đang khẩn trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng đảm bảo chất lượng, an toàn và kết nối tích hợp thành công với nhà máy hiện tại. Sự phát triển của BSR trong thời gian qua đã tạo một dấu ấn trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Đây còn là tiền đề thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, điện tử, chế biến và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Với vị trí và tầm quan trọng đó, BSR được coi là trái tim của Khu kinh tế Dung Quất và của Khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có đề án biến Dung Quất thành trung tâm Lọc  - Hóa dầu Quốc gia. Cơ sở để thực thi đề án này là việc phát hiện và sắp đưa vào khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh (CVX) với trữ lượng khoảng 15,7 TCF (445 tỷ m3) là mỏ khí có trữ lượng vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023 với sản lượng trung bình giai đoạn đầu khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau khi mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu là 1,6 -1,7 tỷ m3/năm.

Kỹ sư Việt Nam đã làm chủ công nghệ, vận hành an toàn NMLD Dung Quất.

Theo xu hướng phát triển trên thế giới về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như ô tô chuyển dần sang ô tô điện, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng mới,… thì sản lượng lọc dầu sẽ giảm và tăng dần sản phẩm hóa dầu và hóa chất. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng khí CVX cho sản xuất điện ở Quảng Ngãi/Quảng Nam, định hướng sử dụng khí CVX tích hợp với NMLD Dung Quất cho sản xuất hóa dầu là rất tiềm năng nhằm tận dụng các lợi thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, tiện ích và lợi thế về thị trường tiêu thụ sẵn có của BSR và KKT Dung Quất. Việc kết hợp và tích hợp khí CVX vào NMLD Dung Quất sẽ tạo thành Trung tâm Lọc - Hóa dầu Quốc gia mà trái tim là NMLD Dung Quất. Đây là triển vọng phát triển lọc hóa dầu ở khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Đ. CHÍNH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động