RSS Feed for Lịch sử hình thành và phát triển của Than Thống Nhất - TKV | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 03:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lịch sử hình thành và phát triển của Than Thống Nhất - TKV

 - Công ty Than Thống Nhất - TKV có tuổi mỏ trên 100 năm. Năm 1960 trở về trước là Mỏ Lộ Trí Cẩm Phả, gồm: Khu vực khai thác hầm lò Lộ Trí, Khu vực khai thác lộ thiên tầng 1 - 5 và Khu vực khai thác lộ thiên Núi Trọc, Đèo Nai.

Than Thống Nhất với hành trình chinh phục đỉnh cao mới

Từ ngày 1/8/1960, mỏ Lộ Trí phân chia thành: Mỏ than Thống Nhất khai thác hầm lò; Mỏ than Đèo Nai khai thác lộ thiên; Mỏ than Cọc Sáu khai thác lộ thiên và Xí nghiệp bến Cửa Ông (gồm nhà sàng và bến Cửa Ông).

Từ năm 1928 đến năm 1954, khu vực Mỏ Thống Nhất có tên là Mỏ Lộ Trí.

Sau khi vùng Mỏ được giải phóng (1955), xí nghiệp quốc doanh than Hòn Gai được thành lập. Năm 1959, thực hiện phương án phát triển sản xuất, hai Công trường Lộ Trí (110+140) và lò +52 được quyết định hợp nhất thành một Công trường mang tên Thống Nhất. Thời kỳ này tổng số công nhân cán bộ của Mỏ có khoảng hơn 300 người.

Ngày 01 tháng 8 năm 1960, Mỏ than Thống Nhất được thành lập theo Quyết định số 707-BCN của Bộ Công nghiệp do ông Hoàng Thái làm Giám đốc. Tổng số công nhân cán bộ lúc này đã có 800 người.

Picture2


Tháng 8 năm 1965, Bộ Công nghiệp ra Quyết định thành lập Tổng Công ty than Quảng Ninh, gồm 2 công ty đó là: Công ty than Hòn Gai và Công ty than Cẩm Phả. Mỏ Thống Nhất trực thuộc Công ty than Cẩm Phả quản lý.

Picture3

 

Tháng 8 năm 1969, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/HĐCP về việc thành lập Bộ Điện và Than. Theo quyết định này, hai Công ty than Cẩm Phả và than Hòn Gai hợp nhất thành Công ty than Hòn gai. Mỏ Thống Nhất trực thuộc Công ty than Hòn Gai.

Picture4

 

Tháng 12 năm 1997, Bộ Công nghiệp có Quyết định số 21/1997/QĐ-BCN chuyển Mỏ than Thống Nhất thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Than Việt Nam.

Picture5

 

Đến năm 2001, thực hiện Quyết định số 405/QĐ-HĐQT ngày 01/10/2001 của Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Than Việt Nam, về việc đổi tên các đơn vị thành viên. Mỏ than Thống Nhất được đổi thành Công ty than Thống Nhất.

Quyết định số 2455/QĐ-HĐQT ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đổi tên Công ty than Thống Nhất thành Công ty than Thống Nhất - TKV.

Quyết định số 3328/QĐ-BCT ngày 25 tháng 06 năm 2009 của Bộ Công thương về việc phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty than Thống Nhất - TKV thành Công ty TNHH MTV than Thống Nhất - TKV.

Quyết định số 1946/QĐ-HĐTV ngày 19/8/2010 của Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về việc đổi tên Công ty TNHH MTV than Thống Nhất - TKV thành Công ty TNHH MTV than Thống Nhất - VINACOMIN.

Quyết định số 1173/QĐ-VINACOMIN ngày 01/7/2013 của Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về việc Thành lập "Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty than Thống Nhất - TKV".

Những sự kiện nổi bật, phong trào thi đua và kết quả sản xuất những năm đầu thành lập:

Picture6

 

Ngày 25/4/1955, khu mỏ  Hòn Gai - Cẩm Phả hoàn toàn được giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Xí nghiệp quốc doanh than Hồng Gai, hai khu vực khai thác Đông Lộ Trí và Tây Lộ Trí được nhập lại thành Công trường Lộ Trí. Sau khi tiếp quản, cán bộ công nhân mỏ tiếp tực triển khai công việc khai thác bằng hầm lò. Tuy nhiên, công nghệ khai thác vẫn còn lạc hậu. Lực lượng sản xuất được bổ sung dần, vừa học vừa làm tại công trường. Giai đoạn từ 1955 - 1960, sản lượng than khai thác được khoảng hơn 600 ngàn tấn.

Ngày 01 tháng 8 năm 1960 hai Công trường Lộ trí (110-140) và Lò +52 được Quyết định hợp nhất thành một Công trường mang tên Thống Nhất. Cơ cấu của mỏ được hình thành như một xí nghiệp sản xuất độc lập. Phong trào thi đua sản xuất nhằm nâng cao sản lượng của Mỏ than Thống Nhất ngày càng lên cao.

Công nghệ khai thác tại Lộ Trí vẫn theo phương pháp mở lò bằng hệ thống khai thác chia lớp nghiêng phá hỏa toàn phần, thoát nước tự nhiên. Mỏ được đầu tư một số thiết bị của Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan.

Từ 1960 - 1995, sản lượng than khai thác được tại Lộ Trí đạt gần 2,5 triệu tấn. Ngoài khu vực chính Lộ Trí, Mỏ than Thống Nhất  còn mở rộng một số diện tích khai thác chính nhằm nâng cao sản lượng. Thời kỳ này, mỏ đạt được rất nhiều thành tựu trong lao động sản xuất.

Picture7  

Tháng 5/1964, để mở rộng diện sản xuất và nâng cao sản lượng, mỏ nhận tầng 1/5 của mỏ than Đèo Nai bàn giao. Mỏ tiếp tục khai thác lộ thiên tại khu vực này, bổ sung thêm người và thiết bị. Sau hơn 9 năm khai thác, sản lượng than đã sản xuất được hơn 600 ngàn tấn.

Quý IV năm 1966, Mỏ than Cọc Sáu bàn giao cho Mỏ than Thống Nhất Công trường khai thác hầm lò Long Châu Hà. Đây là công trường khai thác đã được mở bằng phương pháp hầm lò. Mỏ tổ chức đi lò ngầm để mở thên phân tầng khai thác. Sau hơn 10 năm, sản lượng than đã khai thác gần 600 ngàn tấn.

Picture8
 

Quý II/1974, Mỏ than Thống Nhất nhận mỏ Tây Khe Sim để sản xuất (Là một mỏ đã được mở vỉa bằng phương pháp khai thác hầm lò, một mỏ loại trung bình do Việt Nam tự thiết kế và thi công. Công suất mỏ theo thiết kế 300.000 tấn/năm và tồn tại 15 năm). Tháng 8/1995, theo Quyết định của Tổng Công ty than Việt Nam, Mỏ bàn giao Tây Khi Sim cho đơn vị bạn. Gần 20 năm sản xuất tại công trường, sản lượng than đã khai thác được gần 2 triệu tấn.

Picture9

Tháng 4/1974 được phép của Công ty than Hồng Gai, Mỏ đã mở thêm điểm khai thác ở vỉa H12 Khe Chàm. Điểm khai thác này do CNCB Mỏ Thống Nhất thiết kế và thi công mở vỉa. Sản xuất của công trường chủ yếu bằng cơ giới. Sau 14 năm khai thác, mỏ đã sản xuất được ở công trường này gần 500 ngàn tấn than.

Quý II/1975 mỏ nhận công trường khai thác than Nam Quảng Lợi. 

Quý III/1987 mỏ nhận thêm điểm khai thác lộ thiên tại vỉa 14 (Cao Sơn). Mỏ tự thi công mở vỉa.

Quý IV/1988, được phép của Công ty than Cẩm Phả, Mỏ than Thống Nhất chính thức mở lại công trường lộ thiên 110 khu lộ trí (Đây cũng là mỏ tự thiết kế và thi công). Việc tổ chức sản xuất của Công trường bằng cơ giới kết hợp với thủ công. Sản lượng than khai thác của Mỏ giai đoạn 1988 - 1995 tại đây đạt được khoảng 150 ngàn tấn.

Tháng 8/1995 mỏ tiếp nhận khai thác tại vỉa 13-1, 13-2 khu Yên Ngựa, Khe Chàm II bằng cả lộ thiên và hầm lò. Đây cũng là một công trình mỏ tự thiết kế và thi công. Theo thiết kế cho lộ thiên là 40.000 tấn/năm, cho hầm lò là 100.000 tấn/năm. Mỏ sẽ tồn tại trong 15 năm và đến nay Công ty than Thống Nhất tập trung khai thác ở hai khu vực Lộ Trí và Yên Ngựa.

Thời kỳ này, phong trào thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong CNCB của Mỏ rất sôi nổi. Nhiều CNCB trong Mỏ đã sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần đẩy cao sản lượng khai thác than như; Kỹ sư Nguyễn Văn Quý với sáng kiến cải tạo máy uốn sắt chống lò (3/1973); Kỹ sư Phạm Thạnh với cẩu đổ đá ngoài bãi thải; thợ cơ điện bậc 5/7 Trần Quốc Trữ với tời kéo gỗ lên thượng, đã giúp giải phóng sức lao động nặng nhọc cho công nhân mỏ. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất của CBCN Mỏ Thống Nhất trong những ngày đầu thành lập đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp nhiều bằng lao động sáng tạo. Những cá nhân tiêu biểu của Mỏ thời gian này là KS Đỗ Văn Đào, KS Mai Văn Phượng, KS Hồ Sỹ Lộc, KS Đặng Sỹ Trí, Quản đốc Hoàng Văn Công,… 

Tuy những ngày đầu thành lập thành lập gặp phải rất nhiều khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan, nhưng CNCB Công ty Than Thống Nhất - TKV đã đoàn kết tạo nên sức mạnh nhằm phát huy nội lực để duy trì và phát triển sản xuất ổn định, đạt được những thành tựu ban đầu, làm nền tảng vững chắc để Công ty Than Thống Nhất - TKV ngày càng lớn mạnh.

NGUỒN: CÔNG TY THAN THỐNG NHẤT - TKV

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động