RSS Feed for Ký kết các văn kiện Kỳ họp lần thứ 53 - Hội đồng Vietsovpetro | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 19:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ký kết các văn kiện Kỳ họp lần thứ 53 - Hội đồng Vietsovpetro

 - Thông tin từ Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro cho biết: Kỳ họp lần thứ 53 - Hội đồng Vietsovpetro đã thành công tốt đẹp. Các bên tiến hành ký văn kiện Kỳ họp Hội đồng Vietsovpetro lần thứ 53 trước sự chứng kiến của các khách mời và đại biểu tham dự.


Hội đồng Vietsovpetro - Kỳ họp lần thứ 53 bắt đầu làm việc


Kỳ họp lần thứ 53 - Hội đồng Vietsovpetro đã thành công tốt đẹp.

Khai mạc Kỳ họp Hội đồng, ông Nguyễn Quỳnh Lâm - Tổng Giám đốc Vietsovpetro nhấn mạnh: Tập thể CBCNV Vietsovpetro đã vượt qua năm 2020 đầy khó khăn thử thách với kết quả sản xuất, kinh doanh rất khả quan. Điều đó thể hiện được bản lĩnh, tinh thần vượt khó của Tập thể lao động quốc tế LD Việt-Nga Vietsovpetro và có ý nghĩa quan trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ký kết Hiệp định Liên Chính phủ (27.12.2010 - 27.12.2020) về việc cho phép tiếp tục hợp tác giữa 2 Nhà nước trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam trong khuôn khổ Vietsovpetro đến 2030. 

Trong 10 năm thực hiện Hiệp định sau 2010, đây là giai đoạn có nhiều thăng trầm trong quá trình hoạt động của Vietsovpetro, đặc biệt là những khó khăn mà Vietsovpetro phải đối mặt khi giá dầu giảm sâu vào những năm 2015, 2016, tiếp đến là tác động kép của đại dịch Covid-19 năm 2020 và tình hình suy giảm nhanh sản lượng dầu khai thác tại Lô 09-1.

Nhưng đội ngũ lao động Quốc tế Vietsovpetro với tinh thần đoàn kết, kiên trì, bền bỉ, đồng tâm hiệp lực, sẵn sàng chấp nhận sẻ chia khó khăn, vượt qua mọi thách thức, nỗ lực không ngừng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hai Nhà nước giao.

Tính riêng giai đoạn 2011-2020, sau 10 năm gia hạn Hiệp định, tổng trữ lượng thu hồi từ hoạt động tìm kiếm thăm dò tăng thêm 39 triệu tấn dầu; sản lượng dầu khai thác đạt trên 50 triệu tấn, chiếm hơn 20% trong tổng số hơn 239 triệu tấn dầu khai thác từ đầu cho đến nay; doanh thu bán dầu khí đạt trên 31 tỷ USD, chiếm đến 38% tổng doanh thu 83 tỷ USD đạt được từ trước đến nay; đáng chú ý, hoạt động cung cấp dịch vụ cho bên ngoài trong giai đoạn này được đẩy mạnh với doanh thu trên 2,3 tỷ USD; nộp Ngân sách Nhà nước Việt Nam (NSNN) và Lợi nhuận hai Phía lên đến 23 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng số tiền 56 tỷ USD trích nộp NSNN và lợi nhuận hai Phía trích nộp đến nay.

Đặc biệt, Vietsovpetro đang hướng đến những hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập vào năm 2021.

Hội đồng Liên doanh cùng tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro có quyền tự hào với những thành tích ấn tượng không chỉ trong ngành dầu khí mà cả trong ngành công nghiệp nói chung tại Việt Nam, cũng như là điểm sáng trong quan hệ hữu nghị hợp tác bền vững giữa 2 nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Tại Kỳ họp, đồng chí Bondarenko V. A. đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu trong chương trình công tác và kế hoạch tài chính năm 2021 của Vietsovpetro.

Cụ thể: Đầu tháng 12 năm nay, Vietsovpetro đã hoàn thành kế hoạch khai thác dầu tại Lô 09-1 là 2 950 nghìn tấn, sản lượng khai thác khí thiên nhiên đạt 72,6 triệu m3 (103% kế hoạch). Dự kiến đến cuối năm 2020, sản lượng khai thác dầu đạt 3.420,9 nghìn tấn (109,4% kế hoạch), sản lượng khai thác khí thiên nhiên đạt 77,2 triệu m3 (109,6% kế hoạch); đưa khí vào bờ đạt 1.202,26 triệu m3 khí, từ Lô 09-1 sẽ đưa vào bờ 227,6 triệu m3 (151,4% kế hoạch). Doanh thu bán dầu, khí và condensate dự kiến đạt 1.142 triệu USD (83% kế hoạch); tổng nộp NSNN Việt Nam và lợi nhuận hai Phía dự kiến đạt 872,2 triệu USD, riêng lợi nhuận hai Phía ở mức 250,26 triệu USD (124,5% kế hoạch).

Để tiết giảm chi phí, Vietsovpetro đã tăng cường công việc tự thực hiện, giảm thiểu thuê ngoài, quản lý sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả, giãn tiến độ thực hiện một số công việc không thuộc các biện pháp cấp bách. Tổng chi phí cho Lô 09-1 dự kiến là 523 triệu USD so với kế hoạch 610,98 triệu USD (thấp hơn 14% so với kế hoạch).

Trên cơ sở kết quả làm việc với chuyên viên hai Phía, Vietsovpetro kiến nghị các chỉ tiêu chủ yếu năm 2021 như sau:

Thứ nhất: Về khai thác dầu khí, triển khai thực hiện kế hoạch sản lượng 2.999,4 nghìn tấn; sản lượng khai thác khí thiên nhiên dự kiến 76,6 triệu m3.

Thứ hai: Về công tác tìm kiếm thăm dò, dự kiến tiến hành 30.210 mét khoan, kết thúc khoan và thử vỉa 6 giếng; gia tăng trữ lượng dầu thu hồi dự kiến đạt 2.900 nghìn tấn.

Thứ ba: Về khoan khai thác, đảm bảo hoàn thành kế hoạch khoan 65.630 mét, kết thúc thi công và đưa vào khai thác 13 giếng mới, tiến hành 31 lượt sửa chữa giếng khoan và cắt thân hai 15.190 mét tại 7 giếng.

Thứ tư: Đối với Lô 09-3/12, thực hiện 1 lượt sửa chữa lớn đặc biệt giếng khoan.

Thứ năm: Về xây dựng các công trình biển, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tiến độ chế tạo, lắp đặt, xây dựng giàn BK-18A, giàn BK-19 để đưa vào vận hành vào tháng 10,11 năm 2021; tiến hành đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị và thuê dịch vụ để xây dựng giàn nhẹ RC-10 và giàn ống đứng RC RB1 tại mỏ Rồng để đưa các giàn này vào vận hành trong năm 2022.

Thứ sáu: Về đầu tư trang thiết bị mới, áp dụng tổ hợp chương trình quản lý sản xuất nhằm mục đích kiểm soát và tối ưu trực tuyến hệ thống công trình vận chuyển, xử lý sản phẩm, hệ thống gaslift và bơm ép nước duy trì áp suất vỉa. Phù hợp với Nghị quyết Hội đồng và trên cơ sở Luận chứng KTKT mua ROV Work Class đã được phê duyệt, tiến hành tổ chức đấu thầu và thực hiện công tác mua sắm bằng nguồn tiền của Quỹ PTSX. Tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện các hợp đồng sửa chữa tàu và khôi phục khả năng làm việc của cần trục tàu cẩu rải ống Trường Sa trước ngày 01/06/2021.

Thứ bảy: Về công tác mở rộng vùng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình công tác và ngân sách đã được Ủy ban quản lý phê duyệt và các nghĩa vụ đối với các Lô hiện có; Nghiên cứu và đánh giá tiềm năng dầu khí các Lô mở, các lô dầu khí tiềm năng thềm lục địa Việt Nam để xem xét khả năng Vietsovpetro tham gia đầu tư vào mở rộng vùng hoạt động.

Thứ tám: Về các chỉ tiêu tài chính, doanh thu năm 2021 dự kiến ở mức 1 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam dự kiến trên 410 triệu USD, lợi nhuận Phía Việt Nam gần 75 triệu USD và lợi nhuận Phía Nga là 72 triệu USD.

Ngoài nhiệm vụ sản xuất, tại kỳ họp lần này Hội đồng cũng xem xét và thông qua một số nội dung khác liên quan đến việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Vietsovpetro, xử lý các vấn đề còn tồn đọng về thỏa thuận các luận chứng kinh tế kỹ thuật và các tài liệu thiết kế, các biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy ưu điểm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên doanh./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động