Ký hợp đồng EPC dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn
09:19 | 23/12/2023
Đề xuất một số ‘chính sách cấp bách’ phát triển nguồn điện gió và điện khí tại Việt Nam Tập thể các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có văn bản tổng hợp, đánh giá, nhìn nhận và kiến nghị về “một số chính sách cấp bách cho phát triển các dự án điện gió và điện khí (sử dụng khí trong nước)/LNG (nhập khẩu) tại Việt Nam” gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. |
Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 13/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 7027/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền). |
Lễ ký kết. Ảnh: PVN. |
Dự án khí Lô B do các bên gồm: PVN, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO Nhật Bản), Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PTT (PTTEP Thái Lan) cùng tham gia đầu tư theo Hợp đồng phân chia sản phầm dầu khí (PSC).
Chuỗi dự án khí Lô B bao gồm các dự án thành phần là: Dự án phát triển mỏ Lô B và dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (do các đối tác trên và PV GAS tham gia đầu tư thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh - BBC).
Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn do SWPOC triển khai là một dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư 1,277 tỷ USD, nhằm mục tiêu phát triển hệ thống tuyến ống có tổng chiều dài 431 km. Trong đó, tuyến ống biển dài 329 km và tuyến ống bờ dài 102 km (cùng các trạm tiếp bờ, trạm phân phối khí, trạm van). Tuyến ống sẽ đi qua địa phận các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ.
Đây là dự án thuộc khâu trung nguồn, cùng với các khâu hạ nguồn và thượng nguồn cấu thành Chuỗi dự án khí, điện Lô B. Với tầm quan trọng chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Tây Nam bộ, Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn được yêu cầu có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, đầu năm 2027.
Phát biểu tại lễ ký, Tổng giám đốc SWPOC Trần Thanh Hải cho biết: Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn bao gồm gói thầu “Thiết kế chi tiết cho toàn bộ dự án, mua sắm, thi công lắp đặt tuyến ống bờ, các trạm và chạy thử cho toàn bộ dự án (EPC)”. Để đảm bảo tiến độ dự án đường ống đồng bộ với tiến độ chuỗi, SWPOC đã tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC Bờ theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) được chủ đầu tư phê duyệt. Sau quá trình đánh giá, làm rõ hồ sơ thầu và thương thảo, hoàn thiện hợp đồng theo đúng các quy định về đấu thầu của nhà nước. Đến tháng 12/2023, SWPOC đã hoàn thành quá trình LCNT. Theo đó, nhà thầu trúng thầu là liên danh PTSC - Lilama 18 sẽ thực hiện gói thầu EPC Bờ của dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.
Ông Trần Thanh Hải bày tỏ sự tin tưởng liên danh nhà thầu PTSC - Lilama18 sẽ phát huy được sức mạnh kết hợp từ kinh nghiệm và năng lực của cả hai đơn vị, nỗ lực huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, máy móc, điều phối công việc hiệu quả để thực hiện hợp đồng này theo đúng các điều khoản của hợp đồng.
SWPOC cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho liên danh nhà thầu để hoàn thành công việc hợp đồng đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn, tiến độ và chi phí.
Đại diện Liên danh nhà thầu PTSC - Lilama18, Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cam kết: Với năng lực kinh nghiệm của PTSC và Lilama 18 đã thực hiện thành công và an toàn nhiều dự án, cùng sự hợp tác, hỗ trợ, phối hợp tích cực của nhà điều hành SWPOC, Liên danh nhà thầu PTSC - Lilama 18 sẽ nỗ lực thực hiện thành công gói thầu EPC Bờ dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, đáp ứng tiến độ, chất lượng và tuyệt đối an toàn theo đúng các yêu cầu mà hợp đồng đã đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh: Lô B là dự án trọng điểm quốc gia, tổng mức đầu tư gần 7 tỷ USD. Mục tiêu của dự án là khai thác, thu gom nguồn khí Lô B với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến 3,78 tỷ bộ khối (khoảng 107 tỷ m3) và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm - có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Thời gian vừa qua, với sự quyết tâm, lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương và địa phương, sự nỗ lực PVN cùng các đối tác, chuỗi dự án đã đạt được nhiều mốc tiến độ quan trọng.
Nhận định trong thời gian tới sẽ là giai đoạn rất quan trọng của Chuỗi dự án, với số lượng công việc từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn còn rất nhiều, ông Lê Ngọc Sơn đề nghị: SWPOC tích cực phối hợp với liên danh nhà thầu PTSC - Lilama 18 tổ chức triển khai thành công gói thầu EPC Bờ nói riêng, dự án đường ống dẫn khí Lô B nói chung, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra, nỗ lực đảm bảo mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào cuối 2026, đầu năm 2027./.
[*] https://pvn.vn/chuyen-muc/don-vi/swpoc-trao-thau-hop-dong-epc-du-an-duong-ong-dan-khi-lo-b-o-mon-cho-lien-danh-ptsc-lilama-18/d8f892e3-c3a7-4025-956c-dee78fa9edee
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM