RSS Feed for ‘Không gì có thể lay chuyển hợp tác dầu khí Việt - Nga’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 19:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘Không gì có thể lay chuyển hợp tác dầu khí Việt - Nga’

 - Trong bình luận mới đây đăng trên báo "Mùa xuân nước Nga" chuyên gia Elena Niculina - Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định: Trong vài năm gần đây, việc thăm dò, khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Nga ở một số khu vực thuộc thềm Việt Nam trên Biển Đông đã làm Trung Quốc không hài lòng. Nhưng Việt Nam vẫn kiên định bảo vệ quyền, lợi ích của mình, và không gì có thể lay chuyển mối quan hệ hợp tác lâu dài, cùng có lợi của Nga - Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng nhất này của nền kinh tế.

Vietsovpetro: Mô hình hợp tác quốc tế kiểu mẫu thành công ở Việt Nam



TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Vietsovpetro" - một biểu tượng hợp tác hiệu quả nhất

Hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu mỏ, khí đốt trên biển là một phần quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây) cũng như Liên Bang Nga (ngày nay). Sự hợp tác này đã được bắt đầu vào năm 1981, khi Công ty Dầu khí Nhà nước Việt Nam PetroVietnam và Công ty Xô Viết Zarubezhneft đã thành lập một liên doanh bình đẳng "Vietsovpetro". Vào ngày 26 tháng 6 năm 1986, Vietsovpetro đã khai thác được tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ - mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam.

Vào thời gian đó, sự ra đời của Liên doanh đầu tiên này đã không hề dễ dàng, vì trữ lượng dầu trên thềm lục địa Việt Nam chủ yếu tập trung trong địa tầng đá granit. Đây là trường hợp rất hiếm trên thế giới và đòi hỏi công nghệ khai thác đặc biệt. Các giải pháp công nghệ độc đáo đã được các chuyên gia của Vietsovpetro đưa ra trong khuôn khổ của Liên doanh này đã đóng góp đáng kể cho khoa học dầu khí thế giới.

Từ ngày thành lập đến nay, Liên doanh đã thực hiện thành công một khối lượng công việc khổng lồ góp phần quyết định trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Cụ thể, Vietsovpetro đã khai thác được 230 triệu tấn dầu, hơn 33 tỷ mét khối khí đốt, khoan hơn 450 giếng khoan thăm dò, phát hiện được 8 mỏ dầu, một mỏ khí và một số cấu trúc chứa dầu, xây dựng được hơn 50 cơ sở ngoài khơi, lắp đặt được 770 km đường ống. Doanh thu từ bán dầu của Vietsovpetro lên tới 78 tỷ USD. Trong một thời gian dài, Vietsovpetro đã luôn chiếm tỷ trọng lớn trong sản khai thác dầu tại Việt Nam. 

Vietsovpetro đã đào tạo các chuyên gia Việt Nam cao cấp có khả năng thực hiện các giải pháp công nghệ phức tạp nhất trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài biển. Nhờ các hoạt động của Vietsovpetro, Việt Nam đã được xếp vào 'top ba' quốc gia sản xuất dầu hàng đầu Đông Nam Á. Còn tại Nga, Vietsovpetro được công nhận là một trong những dự án kinh tế nước ngoài thành công nhất. Số tiền nhận được từ liên doanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí của Nga, và đội ngũ quốc tế của doanh nghiệp đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị Nga - Việt. Vào tháng 12 năm 2010, thỏa thuận được gia hạn đến năm 2030, Liên doanh được chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn với 51% của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 49% của Zarubezhneft.

"Rosneft" có mặt sớm nhất ngoài Biển Đông

Từ năm 2013, Tập đoàn Dầu mỏ Nga "Rosneft" đã tích cực có mặt tại Việt Nam. Rosneft điều hành hai dự án thăm dò, khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên hai khối của thềm lục địa ở phía Nam của Việt Nam. Tại khối 06.1, Rosneft lần đầu tiên trong lịch sử đã đóng vai trò là nhà điều hành dự án trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác. 

Rosneft Việt Nam cũng sở hữu gần một phần ba cổ phần trong khu phức hợp Nam Côn Sơn, bao gồm các nhà máy nhiệt điện và nhà máy hóa chất chạy bằng khí đốt. Hệ thống này bao gồm đường ống hai pha dài nhất thế giới (400 km đường ống dưới nước và trên đất liền) cũng như đang đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Ban lãnh đạo của Rosneft cho rằng, việc triển khai các dự án tại Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chiến lược quốc tế của Rosneft. Sự chinh phục các mỏ dầu khí ngoài khơi tại một trong những quốc gia phát triển năng động nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ví dụ về hợp tác công nghệ cao giữa Rosneft và các đối tác nước ngoài.

"Gazprom" không hề đến muộn

Bắt đầu từ những năm 2000, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của Việt Nam tăng lên và việc khai thác các mỏ khí thiên nhiên đã được thúc đẩy tích cực hơn. Từ năm 2000, Công ty Gazprom của Nga - doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên đã hoạt động tại Việt Nam. Năm 2002, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Khí đốt của Nga "Gazprom" đã thành lập Liên doanh "Vietgazpromđể đầu tư thăm dò lô 112 thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Và vào năm 2007, khí công nghiệp, khí ngưng tụ đã được khai thác từ các mỏ khí thiên nhiên ở phía Bắc thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2008, một thỏa thuận đã được ký kết về sự tham gia của Vietgazprom trong việc phát triển các khối 129-132 ở vùng nước sâu của thềm phía Nam - nơi có tài nguyên ước tính khoảng 1.430 tỷ mét khối khí và 1.150 triệu tấn dầu. Vào tháng 4 năm 2012 - một thỏa thuận được ký giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, theo đó, công ty Nga đã nhận 49% lượng khí đốt từ các khối 05.2 và 05.3 trên thềm lục địa phía Nam với trữ lượng 55,6 tỷ mét khối.

Ngày 5/4/2012 Gasprom và PVN đã ký thỏa thuận về khai thác hai mỏ khí lớn trên thềm lục địa của Việt Nam (nằm giữa Vũng Tàu và quần đảo Trường Sa). Trước đó, Tập đoàn Dầu khí BP của Anh quốc sau khi ký hợp đồng với PVN đã phải bỏ cuộc vì Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Lần này, sự phản đối của Trung Quốc chỉ kéo dài chưa đầy một tháng, cho đến khi ngoại trưởng Nga S. Lavrop đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5/2012. 

Sau sự kiện này, Carlaus Thayer (chuyên gia nghiên cứu của Học viện Quân sự Úc) đã phải thừa nhận: Hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực kỹ thuật - quân sự và trong lĩnh vực năng lượng là vì lợi ích chung về hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngay trên quê hương của Lê Nin

Một bước tiến mới trong sự phát triển hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong sản xuất dầu khí là việc thành lập các liên doanh để khai thác tại Nga. Vào tháng 9 năm 2007, một thỏa thuận đã được ký kết về việc thành lập một công ty chung "Rusvietpetro", trong đó cổ phần của Zarubezhneft là 51% và PVN - 49%. Vào tháng 3 năm 2009, Công ty đã khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Visovoye trong điều kiện khắc nghiệt của miền Bắc nước Nga, tại Khu tự trị Nenets. Và vào tháng 6 năm 2019, "Rusvietpetro" đã khai thác được tấn dầu thứ 24 triệu tại các mỏ dầu thuộc khối địa tầng nâng Trung tâm Khoreyversky.

Vào tháng 12 năm 2009, Gazprom và PVN đã thành lập công ty TNHH "Gazpromviet" với cổ phần của Gazprom là 51% và của PVN là 49% để phát triển các dự án dầu khí ở Nga, Việt Nam và các nước thứ ba. Năm 2012, Công ty này bắt đầu khai thác mỏ dầu và khí ngưng tụ Nagumanovskoye ở vùng Orenburg và mỏ khí, khí ngưng tụ Severo-Purovskoye ở Khu tự trị Yamalo-Nenets. Vào tháng 11 năm 2014, Gazpromneft và PVN đã thỏa thuận về hợp tác khai thác mỏ dầu Dolginsky trên thềm Bắc Cực của Nga - ở Biển Pechora.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mới chỉ có 45% mỏ dầu và 32% mỏ khí đã được thăm dò tại Việt Nam. Việt Nam theo đuổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, và hiện có hơn 40 công ty dầu khí nước ngoài tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, các công ty liên doanh của Nga và Việt Nam đang hoạt động trong điều kiện cạnh tranh ngày càng tăng, đang tìm kiếm các đối tác mới, các dự án mới.

Mở rộng hợp tác về hạ nguồn trên đất liền

"Vietsovpetro" đã bắt đầu hợp tác với các công ty của Việt Nam như: PVEP, Bitexco và Sovico, đã tham gia vào một số dự án mới ở ngoài khơi Việt Nam và có kế hoạch tham gia phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam. "Gazprom" và PVN đã thành lập một liên doanh "PVGAZPROM" để sản xuất và bán khí hóa lỏng trên lãnh thổ Việt Nam. 

Điểm khởi đầu cho sự phát triển của hoạt động liên doanh là 8 tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm của miền Nam Việt Nam. Dự kiến sẽ xây dựng một khu phức hợp để sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng, với công suất lên tới 12 nghìn tấn mỗi năm và một mạng lưới các trạm xăng để tiếp nhiên liệu cho các phương tiện bằng khí tự nhiên hóa lỏng. Công ty sẽ cung cấp nhiên liệu động cơ khí cho vận tải ô tô, chủ yếu là giao thông công cộng. Ngoài ra, công việc này cũng sẽ được thực hiện với phân khúc vận tải thủy. 

Theo nhận định của chuyên gia Elena Niculina - Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga): Trong vài năm gần đây, việc thăm dò, khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Nga ở một số khu vực thuộc thềm Việt Nam trên Biển Đông đã làm Trung Quốc không hài lòng. Nhưng Việt Nam vẫn kiên định bảo vệ quyền, lợi ích của mình, và không gì có thể lay chuyển mối quan hệ hợp tác lâu dài, cùng có lợi của Nga - Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng nhất này của nền kinh tế.

Bạn cũ và bạn mới

"Một người bạn cũ bằng ba người bạn mới". Đó là tâm sự tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô vào 3/2001 của Tổng thống Nga V. Putin với các cựu sinh viên Việt Nam được Liên Xô đào tạo.

Hợp tác Việt - Xô (trước đây) và Việt - Nga (hiện nay) "đơm hoa, kết trái" mạnh nhất trong lĩnh vực năng lượng. Nếu tính về giá trị, hơn 80% sản phẩm ngành năng lượng của Việt Nam hiện nay đều liên quan đến "viện trợ kinh tế không hoàn lại" và "hỗ trợ kỹ thuật" của Nga. Từ năm 1981, Liên doanh "Vietsopetro" đã được thành lập và hoạt động rất có hiệu quả. Trước khi xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực (2008), hơn 30% ngân sách của Chính phủ Việt Nam được hình thành từ các dự án năng lượng do Nga thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật.

Thực chất của việc Nga tham gia ngày càng sâu vào khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam là sự từ bỏ không tuyên bố vai trò "trung lập" của mình để gián tiếp can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông. Người Việt Nam rất biết ơn nước Nga về điều đó. Mặt khác, trong quan hệ Nga - Trung kể từ khi xẩy ra xung đột biên giới (kéo dài 4.380km giữa hai nước trên song Ussuri vào năm 1969, Trung Quốc đã nhận được những bài học "nhớ đời"). Cho đến nay, người Nga vẫn luôn đề cao cảnh giác trước tư tưởng bành trướng của Bắc Kinh. 

Bằng chứng rõ nét của việc này là khi Việt Nam công khai tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở bãi Tư Chính, vào giữa tháng 7/2019, Tổng thống Nga V. Putin đã gửi thư khen gợi các liên doanh dầu khí Nga - Việt ở Biển Đông về những thành tích đã đạt được như một tín hiệu rất mạnh gửi đến Trung Quốc. Đồng thời, Ngoại trưởng Nga S. Lavrop đã triệu đại sứ Trung Quốc ở Moscow đến Bộ Ngoại giao để chính thức phản đối hành động của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính./.


Nguồn tham khảo: https://rusvesna.su/news/1565947785

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động