Khánh thành nhà máy phục hồi tua-bin khí tại Việt Nam
13:50 | 24/04/2015
Khắc phục chậm trễ các dự án điện BOT, IPP
Hoàn chỉnh thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Cắt băng khánh thành.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Michael Rechsteiner, Phó Chủ tịch phụ trách Dịch vụ Năng lượng của Alstom khẳng định: “Việc xây dựng nhà máy phục hồi tua-bin khí này là một phần trong kế hoạch đầu tư lâu dài của Alstom tại Việt Nam, cũng như thể hiện sự cam kết tăng cường khả năng nội lực cho khu vực đang phát triển rất nhanh này. Đặt một Nhà máy sửa chữa tại trung tâm châu Á sẽ là công cụ cho sự tăng trưởng liên tục của Alstom tại khu vực”.
Nhà máy trị giá 22 triệu EURO, có khu vực nhà xưởng rộng 5.500 m2 được trang bị các máy móc tân tiến nhất, nhằm phục hồi các bộ phận thuộc phần khí nóng của tua-bin khí, mà rất nhiều loại trong số đó lần đầu tiên có tại Đông Nam Á.
Theo Tập đoàn Alstom, khi hoạt động với công suất tối đa, Nhà máy có khả năng sửa chữa vài trăm bộ phụ kiện tua-bin khí mỗi năm.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 12 năm 2013 đến nay, Nhà máy đã thiết lập được các chuẩn mực về môi trường, sức khỏe và an toàn, với 2.000 giờ đào tạo liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn lao động và đã hoạt động 500 ngày an toàn tuyệt đối.
Nhà máy sẽ tạo ra khoảng 150 việc làm mới cho người lao động Việt Nam.
Một số hình ảnh:
Khánh thành bảng tên danh dự ghi nhớ công lao của các vị lãnh đạo hai bên đối với sự ra đời của nhà máy liên doanh.
Các đại biểu thăm nhà máy.
Liên doanh được hình thành năm 2012, là kết quả của hơn 20 năm hợp tác và hiểu biết lẫn nhau của hai bên.
Liên doanh được thành lập bởi ba công ty: Tổng Công ty phát điện 3, Công ty Alstom châu Á Thái Bình Dương và Công ty Alstom Việt Nam.
Liên doanh cung cấp các dịch vụ sửa chữa phục hồi tua-bin khí cho các khách hàng trong nước và các nước trong khu vực. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp các thành phần chính, trong khi Alstom đóng góp phần Công nghệ và các Dịch vụ khác để nâng cao hoạt động hiện tại của Trung tâm Dịch vụ sửa chữa ở Phú Mỹ.
Sự hợp tác mới này là một trong rất nhiều hoạt động giữa Alstom và EVN bao gồm các nhà máy nhiệt điện như: Nhà máy điện tua-bin khí Phú Mỹ và các dự án thủy điện lớn như: Sơn La (2.400MW), Lai Châu (1.200 MW), Huội Quảng (520 MW).
Bên cạnh đó Alstom và EVN đã đồng ý xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư cho EVN, làm việc cùng nhau để triển khai công nghệ giám sát trực tuyến cho nhà máy điện, cung cấp giải pháp giảm mức tiêu hao nhiên liệu và nâng cao hiệu suất nhà máy điện.
NangluongVietnam.vn