RSS Feed for Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 14:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII

 - Sau Đề án Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình lại xin ý kiến Thường trực Chính phủ (tại Tờ trình 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022), Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Trình lại Quy hoạch điện VIII: Có 6 nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ Trình lại Quy hoạch điện VIII: Có 6 nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ

Đề án Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình lại (tại Tờ trình 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022). Trong đó có 6 nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ: (1) Rà soát các dự án điện than, điện khí, (2) Các dự án điện mặt trời, (3) Các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, (4) Cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII, (5) Cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và (6) Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ cho biết: Ngày 20 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh. Lãnh đạo đại diện cho các bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Tư pháp, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đại diện lãnh đạo Viện Năng lượng (tư vấn lập Quy hoạch).

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo về các nội dung chính của Quy hoạch điện VIII và các nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:

Thứ nhất: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là quy hoạch rất khó, nhất là trong bối cảnh hiện có nhiều biến động về năng lượng, chuyển đổi năng lượng trên thế giới do các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, sự thay đổi, phát triển rất nhanh của công nghệ trong ngành năng lượng và yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.

Thứ hai: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt về một số nguyên tắc, quan điểm chủ đạo trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Cụ thể:

1/ Đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết; không được vì lợi ích cục bộ của địa phương, vùng, miền, hay vì lợi ích nhóm mà có tác động, ảnh hưởng đến tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tối ưu của quy hoạch.

2/ Bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW).

3/ Phải hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ).

4/ Cần xem xét quy hoạch tối ưu tổng thể và cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng hiệu quả điện và giá điện. Phải bảo đảm quy hoạch tối ưu nhất, hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện xa, giảm tổn thất điện năng, nhất là giải pháp góp phần tính giá điện phải hợp lý nhất, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và theo cơ chế thị trường.

5/ Phải có tính khả thi để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống. Nhưng giá điện phải hợp lý với điều kiện của Việt Nam và không cao hơn các nước trong khu vực, nhất là giá điện gió và điện mặt trời.

6/ Phải giải quyết được các tồn tại, bất cập trong quản lý, thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; vừa có tính kế thừa những nội dung hợp lý, hiệu quả song không hợp thức hóa cái sai; nhưng phải có giải pháp hợp lý, hiệu quả xử lý những vấn đề phát sinh do thực tiễn khách quan và đảm bảo lợi ích của quốc gia, người sử dụng điện.

Thứ ba: Đánh giá cao Bộ Công Thương, dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đã hoàn thiện Quy hoạch điện VIII có nhiều điểm mới, ưu việt hơn so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26 tháng 3 năm 2021. Các nội dung của Quy hoạch điện VIII đã cơ bản bám sát các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, đã có nhiều nỗ lực cụ thể hóa các giải pháp thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Tuy nhiên, một số nội dung của Quy hoạch điện VIII cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích toàn diện, tổng thể, nhất là việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam để hoàn thiện thêm mới đáp ứng cao nhất các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch nêu trên.

Thứ tư: Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu trong cuộc họp; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

1/ Cập nhật tính toán đồng bộ các nội dung của Quy hoạch điện VIII có tầm nhìn đến năm 2050 (vì các quy hoạch ngành và quy hoạch quốc gia cơ bản lấy mốc thời gian đến năm 2050).

2/ Tiếp tục rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030.

Ngoài các dự án đã được loại bỏ, không đưa vào Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo (phải khẳng định không có hệ lụy pháp lý và không có khiếu kiện), Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khác đang triển khai song hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc về thu xếp vốn, để trao đổi, thống nhất về việc có tiếp tục hay không tiếp tục các dự án điện than trong điều kiện hiện nay, hoặc phương án xử lý khác.

3/ Rà soát tiến độ khả thi các dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước; đồng thời, tính toán cân đối giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030 và tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi. Gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện (vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian).

4/ Về quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030 cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý; đồng thời không hợp thức hóa cái sai. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.

5/ Tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ CHDCND Lào, nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen, linh hoạt... nhất là những nơi có điều kiện trồng rừng và sản xuất hydrogen.

6/ Nghiên cứu về định hướng các cơ chế chính sách cần thiết bảo đảm quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện Quy hoạch.

7/ Xây dựng quy hoạch có tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để quá trình quản lý thực hiện quy hoạch vừa có tính chủ động và có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh; đồng thời, nghiên cứu việc phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực và đề cao trách nhiệm của các cấp trong quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật.

8/ Phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng đánh giá kỹ, trường hợp cần thiết xin ý kiến của các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan được Bộ Chính trị, Chính phủ giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW và quá trình xây dựng, thực hiện Quy hoạch.

Thứ năm: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tiếp tục đầu tư công sức chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định.

Thứ sáu: Văn phòng Chính phủ giúp Thường trực Chính phủ đôn đốc, tham mưu hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khả thi, nhất là tính đồng bộ về thời gian quy hoạch có tầm nhìn đến năm 2050./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động