Hội đồng Khoa học Công nghệ góp phần thúc đẩy hoạt động của PVN
21:23 | 06/06/2014
>> Cổ phần hóa các đơn vị thành viên trong tiến trình tái cơ cấu PVN
>> PVN hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của tháng 5
>> Động lực để PVN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh
Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KHCN PVN phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn nhấn mạnh: Hoạt động KHCN trong Tập đoàn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong số các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Hội đồng KHCN có vai trò tư vấn cho Lãnh đạo Tập đoàn đối với những khó khăn vướng mắc và định hướng công tác nghiên cứu khoa học của toàn Tập đoàn. Do vậy, trong nhiệm kỳ mới 2014 - 2016, các ủy viên Hội đồng KHCN tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để có được những đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội đồng và sự phát triển PVN.
Theo đó, về công tác tái cấu trúc Tập đoàn, Hội đồng KHCN đưa ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và 2015 là hoàn thành cổ phần hóa và chuyển đổi 2 đơn vị: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tiếp tục hoàn thành phương án cổ phần hóa đối với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power). Đối với các dự án nhiên liệu sinh học, Hội đồng KHCN đề nghị Tập đoàn chỉ đạo đẩy nhanh việc phát triển mạng phân phối, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức lợi ích sử dụng xăng sinh học, từ đó, tạo điều kiện cho các dự án có thể tiếp tục phát triển. Đồng thời, cũng kiến nghị Tập đoàn kiên quyết không thành lập thêm các công ty thành viên cấp IV và nhanh chóng xử lý thoái vốn tại các công ty thành viên cấp IV hiện tại, ngoại trừ một số công ty đã được thông qua để tiếp tục duy trì.
Liên quan đến các công bố về địa chất dầu khí trên biển Đông của Trung Quốc, một số đại biểu đề nghị Việt Nam cần mở rộng công tác điều tra cơ bản và tổng hợp các chương trình nghiên cứu nhà nước có sự tham gia của quốc tế, theo đó các công trình này cần được công bố trên các tạp chí thế giới. Đồng thời, cần tổ chức định kỳ các hội thảo, hội nghị quốc tế về lĩnh vực dầu khí với sự tham gia rộng rãi của các học giả nước ngoài, kết hợp với một số nhà xuất bản lớn nước ngoài để công bố các tư liệu nghiên cứu về dầu khí do Việt Nam triển khai, nhằm khẳng định chủ quyền đối với các nghiên cứu đó. Đối với vấn đề an ninh, an toàn các hoạt động dầu khí trên biển Đông, Tập đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp của Việt Nam để tuần tra thường xuyên và có biện pháp ứng phó kịp thời trên vùng biển đang triển khai các dự án của Tập đoàn.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Đỗ Văn Hậu - Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn đề nghị Hội đồng cho ý kiến chi tiết hơn về các dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn cũng như phương hướng xử lý các nhà máy nhiên liệu sinh học. Đồng thời, đề nghị Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh việc hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong nước, và công bố rộng rãi các công trình nghiên cứu của Tập đoàn trên các tạp chí quốc tế uy tín. Về an ninh dầu khí trên biển Đông, Tổng Giám đốc lưu ý Hội đồng cần xem xét và đề xuất các giải pháp để Tập đoàn báo cáo Chính phủ, nhằm tăng cường công tác an ninh tại các công trình dầu khí biển, đồng thời sớm cho ý kiến góp ý trong việc xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2025, định hướng 2035.
NangluongVietnam.vn