Giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030
14:31 | 07/09/2020
Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII
Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn
Phát triển lưới 500kV trong dự thảo Quy hoạch điện VIII - Vấn đề cần bàn
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên BCHTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: Trong những năm qua, ngành điện đã có những đóng góp quan trọng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”.
Cụ thể, đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp điện (nguồn điện và lưới điện) có sự phát triển mạnh mẽ, điện lưới quốc gia được đưa tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; 100% xã, 99,6% hộ dân được tiếp cận với điện lưới quốc gia.
Chất lượng điện được nâng cao, các chỉ số kinh tế, kỹ thuật, an toàn về điện được cải thiện; việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày một được quan tâm.
Theo ông Thanh, mặc dù kết quả đạt được của ngành điện thời gian qua là rất quan trọng, tuy nhiên giai đoạn sắp tới, trước yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: Việc mất cân đối giữa cung và cầu, giữa nguồn điện và hệ thống truyền tải; các dự án chậm tiến độ; việc lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Điều chỉnh Quy hoạch điện VII thời gian qua cũng còn những hạn chế, bất cập cần được chỉ ra để sớm có giải pháp khắc phục trong xây dựng Quy hoạch điện VIII và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Thực trạng phát triển ngành Điện lực Việt Nam
Báo cáo tại buổi giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Giai đoạn từ 2011 đến 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW. So với Điều chỉnh Quy hoạch điện VII, sản lượng điện sản xuất ước thực hiện năm 2020 đạt khoảng 93,3% sản lượng quy hoạch, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 91,6%.
Về nguồn điện: Tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.880 MW. Trong 5 năm đầu (2011-2015), ngành điện đã đưa vào vận hành khoảng 17.000 MW nguồn điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo), đạt hơn 81% khối lượng được giao trong giai đoạn 2011-2015 theo Quy hoạch điện VII.
Giai đoạn 2016-2020, tổng công suất đặt của hệ thống đạt khoảng 94% tổng công suất nguồn điện đã được quy hoạch (khối lượng xây dựng nguồn điện truyền thống chỉ đạt khoảng 60% so với quy hoạch).
Về năng lượng tái tạo: Hiện nay, tổng công suất điện gió và điện mặt trời là khoảng 5.800 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn của hệ thống.
Về lưới điện: Đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010; chiều dài đường dây 220-110 kV tăng từ 23.156 km lên 43.174 km (tăng 1,9 lần); dung lượng các trạm biến áp truyền tải cũng tăng khoảng 2,8 lần so với năm 2010.
Sau gần 5 năm thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch điện VII, lưới điện truyền tải được xây dựng đạt khoảng 70-90% của cả giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng cũng đạt kết quả khá tốt. Sản lượng nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc năm 2019 khoảng 3,1 tỷ kWh, chiếm 1,4% tổng sản lượng điện của hệ thống.
EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo. Đối với các đảo có vị trí chiến lược trên biển (như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải…) EVN đầu tư cấp điện lưới quốc gia để đảm bảo cấp điện ổn định. Tính đến nay, 100% số xã và 99,52 các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện.
Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, chỉ trong vòng 5 năm (2013-2018) cải thiện thứ hạng được 129 bậc, từ vị trí 156/189 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2013 vươn lên vị trí 27/190 vào năm 2018 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Ngành điện đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về kỹ thuật và quản lý kinh doanh, nhờ đó tổn thất điện năng của hệ thống điện giảm từ mức 10,15% vào năm 2010 xuống còn 6,5% năm 2019.
Các hoạt động nhằm tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả được triển khai sâu rộng. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm bằng 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.
Đến cuối năm 2019, có 94 nhà máy điện với tổng công suất 26.126 MW (chiếm 47,5% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành điện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất: Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%.
Thứ hai: Mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền, ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.
Thứ ba: Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.
Thứ tư: Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.
Thứ năm: Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ chuyển đổi ngoại tệ…).
Các đề xuất, kiến nghị
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.
Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án. Cụ thể:
Một là: Bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng, sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư. Kiến nghị thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Hai là: Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.
Ba là: Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.
Bốn là: Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Năm là: Cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
Sáu là: Xem xét ủy quyền cho các Bộ quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các Quy hoạch ngành.
Tiếp đó, phiên thảo luận, các đại biểu đã đặt câu hỏi để Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình. Nội dung tập trung vào các vấn đề:
1/ Nhóm các vấn đề về thể chế, chính sách (Cơ chế, chính sách phát triển điện lực đã ban hành).
2/ Về công tác lập và kiểm điểm tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Điều chỉnh Quy hoạch điện VII.
3/ Các giải pháp để xây dựng và thực hiện Quy hoạch điện VIII sắp tới.../.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM