RSS Feed for Giải quyết sự cố mỏ bằng phần mềm giải tam giác nổ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 15:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải quyết sự cố mỏ bằng phần mềm giải tam giác nổ

 - Trong những năm qua, Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin cùng với các doanh nghiệp trong ngành Than đã đưa ra các giải pháp để thủ tiêu sự cố trong khai thác, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong quá trình khai thác than. Trong đó, phần mềm giải tam giác nổ trong giải quyết sự cố mỏ đã đem lại nhiều hiệu quả, được nhiều đơn vị trong ngành Than áp dụng.

 

 

>> Các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất than
>> Hiệu quả từ ứng dụng hệ thống tháo khí mê tan
>> Các điều kiện và biện pháp mở tường chắn cách ly sau sự cố cháy trong mỏ than hầm lò

Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin, ông Phạm Văn Huyên cho biết, “Trung tâm Cấp cứu mỏ thực hiện nhiệm vụ đặc thù của ngành Than. Đối tượng phục vụ là các đơn vị khai thác than hầm lò, hầu hết diện khai thác ngày càng xuống sâu, tiềm ẩn sự cố lớn và phức tạp; điều kiện làm việc của người công nhân ngày càng khó khăn… Vì vậy, khi sự cố mỏ xảy ra, điều đặc biệt quan trọng đó là phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ và những nạn nhân còn mắc kẹt trong vùng nguy hiểm khi sự cố xảy ra”.

Trong các vỉa than trên địa bàn tỉnh đều có chứa khí mê tan. Có nhiều mỏ thuộc hạng 2, hạng 3, riêng mỏ than Mạo Khê xếp siêu hạng theo độ xuất khí mê tan tương đối. Trong hỗn hợp với không khí, các khí cháy có thể nổ trong một khoảng nồng độ nhất định.

Ví dụ, khí mê tan hỗn hợp với không khí có thể gây nổ khi nồng độ mê tan khoảng từ 4,3% đến 13.5%, nồng độ ôxy trên 12%; khí hidro trong hỗn hợp với không khí có thể gây nổ khi nồng độ từ 4%-75%; khí ôxitcacbon cũng có thể nổ khi nồng độ trong hỗn hợp không khí từ 12,5%-74%... Trong khí mỏ, nhiều loại khí cháy nổ hoà trong không khí có thể làm hỗn hợp gây nổ sớm hơn giới hạn nổ của các khí thành phần; nồng độ khí trong mỏ luôn biến động nên để tính toán và kịp thời ra quyết định khi giải quyết sự cố là vấn đề vô cùng phức tạp đối với lực lượng cấp cứu mỏ.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học mỏ Xô Viết đã lập ra hệ thống bảng tra cứu tìm giới hạn cháy nổ qua 6 bước. Tuy nhiên, với cách làm này phải mất từ 30 - 60 phút mới xác định được tam giác nổ và điểm nguy hiểm. Sau khi xác định, chỉ huy lực lượng cấp cứu mỏ mới đưa ra được quyết định xử lý giải quyết sự cố. Cách làm này đã có tác dụng tích cực, tuy nhiên, yêu cầu trong cấp cứu, giải quyết sự cố mỏ phải được triển khai khẩn trương hơn nữa.

Theo Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin, việc đơn giản quá trình tra bảng và dựng tam giác nổ luôn là mối quan tâm của những người làm công tác cấp cứu mỏ. Nếu bước xử lý này nhanh và chính xác sẽ là cơ sở cho người chỉ huy giải quyết sự cố ra quyết định hợp lý.

Với những tình huống thực tế trong quá trình giải quyết sự cố mỏ và dựa trên số liệu của quy định về tổ chức cấp cứu mỏ chuyên trách, Trung tâm đã phối hợp với Viện Điện tử - Tin học tự động hoá lập ra phần mềm tam giác nổ. Với sáng kiến này, khi có sự cố mỏ xảy ra, lực lượng cấp cứu mỏ có thể nhập các thông số đầu vào như: thời gian thực hiện đo, vị trí và đặc điểm đo nồng độ các loại khí thành phần trong mỏ vào máy tính. Chỉ trong khoảng một phút, phần mềm đã cho kết quả xác định được tam giác nổ và điểm nguy hiểm khi có sự cố mỏ. Từ những thông số hiện trên máy tính, lực lượng cấp cứu mỏ sẽ điều chỉnh lượng khí trong mỏ, loại trừ nguy hiểm cháy nổ một cách chính xác, không để hình thành hỗn hợp nguy hiểm nổ, đảm bảo an toàn cho lực lượng cấp cứu mỏ cũng như nạn nhân còn mắc kẹt trong mỏ. Sáng kiến này hình thành và được áp dụng từ năm 2007, đến nay được ứng dụng trong toàn ngành. Sắp tới, sáng kiến này sẽ được báo cáo tại hội thảo cấp cứu mỏ quốc tế.

Ngoài việc ứng dụng phần mềm giải tam giác nổ trong giải quyết sự cố mỏ, thời gian qua, Trung tâm Cấp cứu mỏ còn thường xuyên tổ chức đào tạo, huấn luyện sử dụng những thiết bị, phương án cấp cứu mỏ thông dụng; mời chuyên gia nước ngoài về tập huấn, hướng dẫn cán bộ, công nhân, chiến sĩ tiếp cận những trang thiết bị công nghệ mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp tổ chức, tham gia các hội thao cấp cứu mỏ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò của cán bộ chỉ huy trong công tác điều hành, giải quyết các tình huống sự cố. Cùng với đó, công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, giải quyết sự cố cũng luôn được sắp xếp bố trí hài hoà, chủ động cao, đảm bảo đáp ứng giải quyết mọi sự cố xảy ra đạt kết quả cao nhất.

Theo: Baoquangninh

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động