RSS Feed for EVNSPC cảnh báo hỏa hoạn do sử dụng điện trong mùa nắng nóng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVNSPC cảnh báo hỏa hoạn do sử dụng điện trong mùa nắng nóng

 - Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời phối hợp với các lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CNCH) địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn sử dụng điện, đảm bảo an toàn PCCC và kiểm tra an toàn trong sử dụng điện đối với các cơ sở, qua đó đã phát hiện, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm về điện.
Các tỉnh phía Nam đồng hành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả Các tỉnh phía Nam đồng hành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Trong tháng 3 và tháng 4/2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng, các tháng mùa khô và cả năm 2024; đồng thời tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc với địa phương để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố phía Nam.

Sản lượng điện tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục tăng cao Sản lượng điện tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục tăng cao

Theo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC): Nắng nóng gay gắt trên diện rộng đã làm sản lượng điện tiêu thụ của các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục tăng cao.

Thống kê từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công An): Năm 2023 cả nước xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại tai sản ước tính sơ bộ khoảng 878 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện của cơ sở, hộ gia đình chiếm 58,6%.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.555 vụ cháy, nổ, làm 28 người chết và 26 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 90 tỷ đồng.

Tại khu vực miền Nam, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ như: Vụ cháy xảy ra khoảng 12 giờ ngày 10/4 tại Cục Hậu cần, Quân khu 9 (ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Sau hơn 16 giờ tích cực khoanh vùng, đám cháy đã được dập tắt và không ảnh hưởng đến lưới điện.

Vào khoảng 14h45 ngày 10/4/2024, tại địa bàn xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã xảy ra một vụ cháy ảnh hưởng tại khoảng cột 115-126 đường dây 22 kV 3 mạch tuyến 472-474-482 Đức Lập, lực lượng xung kích phòng cháy chữa cháy của Điện lực Đức Hòa - Công ty Điện lực Long An tham gia cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp cứu chữa nên đám cháy đã được khống chế. Đồng thời chữa cháy triệt để không để nguy cơ cháy lây lan ảnh hưởng đến đường dây truyền tải 110 kV Đức Lập - Đức Hòa. Đến 21h58 đám cháy được kiểm soát hoàn toàn, lưới điện 22 kV và 110 kV Đức Lập - Đức Hòa an toàn, không có thiệt hại về vật tư thiết bị cũng như không có thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Mới đây, lúc 9h30 ngày 11/4/2024 bất ngờ xảy ra cháy lớn rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 79 ở ấp Suối Lớn (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Đám cháy sát với đường dây điện 22 kV, công nhân Điện lực Phú Quốc đã cùng lực lượng chức năng địa phương kịp thời dập tắt đám cháy thành công, ước diện tích thiệt hại rừng khoảng 2.000 m². Vụ này cũng không ảnh hưởng tới lưới điện.

Tại An Giang, xảy ra một vụ cháy ở núi Dài, ấp An Thanh, huyện Tri Tôn vào khoảng 14 giờ ngày 24/4. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng diện tích bị cháy gần 4 ha, đám cháy được dập tắt vào khoảng 22 giờ 15 cùng ngày. Vụ thứ hai cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước, ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn vào khoảng 10 giờ ngày 26/4 đến sáng ngày 27/4 đám cháy đã được dập tắt. Cả hai vụ cháy đều không ảnh hưởng đến lưới điện của PC An Giang.

Trước tình hình đó, các đơn vị thành viên Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời phối hợp với các lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CNCH) địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn sử dụng điện đảm bảo an toàn PCCC và kiểm tra an toàn trong sử dụng điện đối với các cơ sở, qua đó đã phát hiện, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm về điện.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH, giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 và số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023), EVNSPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực thành viên triển khai một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất: Phối hợp với cơ quan công an, UBND cấp xã tiếp tục kiểm tra hệ thống, thiết bị điện tại cơ sở, hộ gia đình, kịp thời phát hiện vi phạm, không bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện để khuyến cáo nguy cơ xảy ra cháy, nổ và có hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn. Trong quá trình kiểm tra cũng cần đánh giá việc lắp đặt dây dẫn, thiết bị bảo vệ, sử dụng thiết bị điện, nhất là thiết bị có sinh nhiệt tại hộ gia đình, khu vực sản xuất, kho chứa hàng hóa dễ cháy, trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ có bảo đảm an toàn PCCC không; đo công suất tiêu thụ tại thời điểm sử dụng lớn nhất để xác định có hiện tượng quá tải hay không.

Thứ hai: Kết hợp tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn sử dụng điện đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở, hộ gia đình qua tin nhắn, ứng dụng Zalo, App chăm sóc khách hàng EVNSPC và các hình thức thông báo khác gửi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba: Mọi người dân, khách hàng sử dụng điện thực hiện nghiêm các khuyến cáo như sau:

- Thiết kế, lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

- Lắp đặt cáp dẫn, dây dẫn điện phải đặt trong khay cáp, máng cáp, thang cáp, hộp cáp hoặc rãnh cáp, ống luồn dây chuyên dùng.

- Lắp đặt thiết bị bảo vệ như cầu chì, cầu dao, apomat, CB… phù hợp với công suất sử dụng đối với từng khu vực, từng thiết bị điện có công suất lớn; tách riêng nguồn điện chiếu sáng, sản xuất kinh doanh, phục vụ chữa cháy và thoát nạn.

- Lắp đặt, sự dụng thiết bị có sinh nhiệt, trong khu vực có nhiều chất cháy, môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy, nổ theo quy định.

- Các mối nối dây điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nối so le nhau và phải được cuốn bằng băng keo các điện hạ thế.

- Không sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ hơn tiết diện yêu cầu của thiết bị tiêu thụ điện. Dây có cách điện không đảm bảo, không câu mắc đấu nối dây điện tùy tiện.

Thứ tư: Khi lắp đặt Pano, biển báo, biển hiệu phải cách đường dây dẫn điện cao áp không nhỏ hơn 2 mét, có biện pháp chống nguy cơ đổ vào lưới điện gây cháy, nổ. Không để vật dụng, vật tư, hàng hóa, trực tiếp dưới, gần thiết bị tiêu thụ điện, cần đảm bảo khoảng cách an toàn (trên 0,5 mét).

Thứ năm: Không sạc xe điện, điện thoại, pin, sạc dự phòng, máy tính, khi không có người ở nhà, sạc qua đêm. Ngắt các thiết bị điện cần thiết khi hết giờ làm việc, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà. Không dựng lều, hàng quán dưới đường dây điện, hành lang an toàn lưới điện./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động