RSS Feed for EVNHCMC: Bước tiến mới về chỉ số tiếp cận điện năng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 08:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVNHCMC: Bước tiến mới về chỉ số tiếp cận điện năng

 - Chỉ số tiếp cận điện năng được các tổ chức quốc tế đánh giá là mức độ thuận lợi trong việc cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng. Trao đổi với Năng lượng Việt Nam, ông Lê Văn Phước, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh (EVNHCMC) khẳng định: Giờ đây, các khách hàng sử dụng điện chỉ thực hiện 1 thủ tục duy nhất về cấp điện.

EVN: Tạo đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngành điện đã và đang triển khai cải cách thủ tục tiếp cận điện năng, ông có thể cho biết về những cải thiện chỉ số này của EVNHCMC?

Kết quả xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015 của Việt Nam ở vị trí 108/189 quốc gia được đánh giá, tăng 27 bậc so với năm 2014 (vị trí 135/189 nước), là chỉ số có kết quả thay đổi tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ năm 2015, chỉ số này được đánh giá qua 4 tiêu chí: số thủ tục; thời gian thực hiện; chi phí đầu tư so với thu nhập bình quân quốc gia; giá điện và độ tin cậy cung cấp điện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2014, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố xây dựng quy trình, rút ngắn thủ tục và thời gian thực hiện cấp điện chuyên dùng cho khách hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, thời gian giải quyết các thủ tục của ngành điện bình quân khoảng 7,81 ngày, thấp hơn 5,19 ngày so với quy trình nội bộ của Tổng công ty là 13 ngày và thấp hơn 10,19 ngày so với quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BCT là 18 ngày. Còn với công trình do ngành điện đầu tư, thời gian thực hiện từ khi khách hàng đề nghị cấp điện đến khi nghiệm thu đóng điện bình quân khoảng 32,9 ngày, thấp hơn 26,1 ngày (theo đánh giá bình quân năm 2015 của Doing Business).

 

Thời gian tiếp cận điện đã được cải thiện một bước, nhưng thời gian tới, EVNHCMC sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này như thế nào, thưa ông?

EVNHCMC đã hiệu chỉnh quy trình ngành điện, sẽ chủ động đầu tư cấp điện chuyên dùng qua lưới điện trung áp cho khách hàng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (ngoại trừ khách hàng đầu tư kinh doanh bất động sản), nhằm nâng cao hơn nữa chỉ số tiếp cận điện năng. Theo đó, các khách hàng này sẽ chỉ phải thực hiện 1 thủ tục duy nhất về đề nghị cấp điện, giảm 5 thủ tục khách hàng phải thực hiện, các thủ tục liên quan còn lại sẽ do điện lực thực hiện. Tổng công ty sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư công trình điện chuyên dùng cho khách hàng với tổng thời gian thực hiện từ khi nhận hồ sơ đề nghị cấp điện của khách hàng đến khi hoàn tất xây dựng công trình và cấp điện cho khách hàng là không quá 23 ngày, thấp hơn 36 ngày theo đánh giá bình quân năm 2015 của Doing Business.

Như vậy, thời gian giải quyết các thủ tục của các sở, ngành là không quá 15 ngày làm việc, gồm các thủ tục thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trồng trụ, thỏa thuận phù hợp quy hoạch và cấp phép thi công. Riêng, đối với công trình điện do khách hàng đề nghị tự đầu tư, thời gian giải quyết các thủ tục thuộc trách nhiệm của ngành điện và các sở, ngành là không quá 21 ngày làm việc, cụ thể như sau:

Thời gian giải quyết của ngành điện là không quá 6 ngày làm việc, rút ngắn 12 ngày làm việc so với Thông tư 33/2014/TT-BCT là 18 ngày, bao gồm 2 thủ tục thỏa thuận đấu nối (3 ngày) và nghiệm thu đóng điện (3 ngày), giảm 1 thủ tục so với quy trình hiện nay (thủ tục thỏa hiệp thiết kế). Thời gian giải quyết các sở, ngành là không quá 15 ngày làm việc, bao gồm 3 thủ tục: thỏa thuận hướng tuyến và vị trí trồng trụ, cấp phép thi công (Sở GTVT thực hiện 12 - 15 ngày), thỏa thuận phù hợp quy hoạch (Sở Công Thương thực hiện 3 ngày).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp chăm sóc khách hàng, trong đó chú trọng đến các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh điện năng, kiện toàn các biểu mẫu trong quy trình dịch vụ khách hàng hướng đến hồ sơ điện tử, giải quyết các dịch vụ khách hàng qua internet, giảm thiểu giao dịch trực tiếp vào năm 2020.

Giá điện do Nhà nước quy định, nhưng việc đo đếm công tơ điện, tính minh bạch trong việc đo đếm đã được EVNHCMC thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, Tổng công ty luôn quan tâm đến công tác đo đếm điện năng, luôn đảm bảo việc đo đếm được thực hiện chính xác và minh bạch. Các công tơ đo đếm trước khi sử dụng đều phải thực hiện kiểm định và chỉ những công tơ có kết quả kiểm định đạt mới được phép lắp đặt cho khách hàng. Đơn vị thực hiện kiểm định là những đơn vị đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận có khả năng kiểm định, điển hình là Công ty Thí nghiệm Điện lực TP.Hồ Chí Minh. Khi thực hiện lắp đặt, các công tơ luôn được lắp đặt ở vị trí thuận tiện cho khách hàng theo dõi, kiểm tra chỉ số điện năng tiêu thụ của mình. Trong trường hợp khách hàng có nghi ngờ về tính chính xác của công tơ, các Công ty Điện lực sẽ phối hợp với khách hàng kiểm tra sai số ngay tại hiện trường, hoặc thông qua các đơn vị kiểm định độc lập khác như Quatest 3, Chi cục Đo lường TP.Hồ Chí Minh…

Hiện nay, các hướng dẫn về lắp đặt hệ thống đo đếm, kiểm tra sai số đều được phổ biến công khai tại trụ sở của các Công ty Điện lực cũng như Trung tâm Chăm sóc Khách hàng để giúp khách hàng nắm bắt thông tin và hiểu về chính sách chăm sóc khách hàng của Tổng công ty.

Thời gian tới, thực hiện theo lộ trình lưới điện thông minh của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty sẽ triển khai chương trình công tơ điện tử và hệ thống đo xa cho tất cả các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020. Qua đó, khách hàng sẽ dễ dàng hơn trong theo dõi và giám sát được quá trình sử dụng điện của mình, phát hiện và khắc phục kịp thời khi phát hiện các trường hợp đo đếm bất thường, góp phần tăng tính tương tác hai chiều giữa khách hàng và ngành điện.

Cảm ơn ông!

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động