RSS Feed for EVN - Vai trò tiên phong trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 02:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN - Vai trò tiên phong trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

 - Đóng vai trò là đơn vị đi tiên phong trong các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện đến khách hàng và cộng đồng thông qua nhiều hoạt động cụ thể.
Nhiều mô hình, giải pháp hay về sử dụng điện tiết kiệm trên địa bàn Thủ đô Nhiều mô hình, giải pháp hay về sử dụng điện tiết kiệm trên địa bàn Thủ đô

Với những khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu thì việc nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết. Thời gian qua, đã có nhiều mô hình sử dụng điện hiệu quả được các khách hàng trên địa bàn Thủ đô áp dụng, góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm chi phí và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cuộc thi trực tuyến ‘Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả’ Cuộc thi trực tuyến ‘Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả’

Sáng ngày 20/9/2022, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022”.


Để làm rõ những hoạt động mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang thực hiện để triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dưới đây là trao đổi của ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.

EVN - Vai trò tiên phong trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp căn cơ giúp đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng quốc gia. Xin ông cho biết những hoạt động cụ thể mà Tập đoàn đang thực hiện để triển khai giải pháp này?

Ông Võ Quang Lâm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Trong giai đoạn 2011 - 2021, EVN đã tập trung vào 2 giải pháp chính, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm.

Với nhiều hình thức khác nhau, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra, cùng như những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Các chương trình tiết kiệm điện trọng tâm đã triển khai sâu rộng trong giai đoạn này bao gồm: Các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; thực hiện giảm tổn thất điện năng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình giờ trái đất; Chương trình gia đình tiết kiệm điện…

Đồng thời, EVN đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.

Song song với giải pháp tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, EVN tập trung vào 1 số dự án cụ thể để làm mẫu cho các doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, compact bằng đèn tiết kiệm điện; Hỗ trợ lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); Thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi trồng thuỷ sản cho bà con nông dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR)...

Nhờ việc thực hiện đồng bộ những giải pháp trong 10 năm vừa qua, đã giúp ngành điện tiết kiệm được 37 tỷ kWh (tương đương với số tiền khoảng gần 67.000 tỷ đồng). Đây là con số rất lớn giúp giảm chi phí điện năng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức độ cạnh tranh của từng doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Nhìn lại việc sử dụng điện năng của chúng ta trong những năm vừa qua, ngành điện chúng tôi nhận thấy hiệu quả sử dụng năng lượng chưa thực sự cao, điều này thể hiện ở hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng GDP/tăng trưởng điện) tuy có giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021) nhưng so với thế giới và khu vực thì vẫn còn cao (bình quân hệ số đàn hồi của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần).

Nhu cầu về năng lượng của nước ta vẫn còn tăng trưởng ở mức cao. Xin ông cho biết về những giải pháp, chương trình mà EVN đang và sẽ thực hiện nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là giải pháp đối với nhóm đối tượng sử dụng năng lượng trọng điểm và ngành công nghiệp?

Ông Võ Quang Lâm: Trong 2 năm vừa qua chúng ta đã phải trải qua đại dịch Covid-19 rất cam go, nhưng nhờ các chính sách linh động của Đảng và Chính phủ cho đến nay nền kinh tế của chúng ta đang trên đà phục hồi. EVN dự báo trong những năm sắp tới nhu cầu sử dụng điện của cả nước, đặc biệt là khu vực miền bắc sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này đặt là thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới đây. Do đó, EVN đã xây dựng 4 nhóm giải pháp cơ bản để đáp ứng như sau:

Một là: Tăng cường các nguồn điện tại chỗ cho hệ thống điện:

Theo sự phân công của Chính phủ, EVN đang tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, triển khai các dự án quan trọng như: Dự án Thuỷ điện Hoà Bình (mở rộng) với công suất là 480 MW, Thuỷ điện Ialy (mở rộng) với công suất là 360 MW, Thuỷ điện Trị An (mở rộng) với công suất là 200 MW.

Ngoài 3 dự án thuỷ điện mở rộng trên, EVN cũng đang đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng dự án điện Quảng Trạch với công suất là 1.200 MW và dự án Thuỷ điện Tích năng Bác Ái cũng với công suất 1.200 MW. Đây là những nguồn điện rất quan trọng trong thời gian tới.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng ký và đàm phán hợp đồng mua điện với các đối tác ở Lào với công suất khoảng 3.000 MW để nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2025; các đối tác ở Trung Quốc cũng sẵn sàng cung cấp điện cho chúng ta với công suất khoảng 550 MW.

Hai là: Nâng cao tính khả dụng của hệ thống điện khu vực phía bắc:

EVN đã đạt được những kế hoạch sửa chữa điện hiện hành ở khu vực phía Bắc để đảm bảo khả năng cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng. Trên tuyến Sông Đà, EVN đang vận hành một cách linh hoạt các hồ thuỷ điện để đảm bảo cung ứng đủ điện cho người dân và cung ứng đủ nước cho vùng hạ du trong mùa đông xuân.

Ba là: Đẩy nhanh các công trình đường dây:

Giải pháp này đã đạt được 1 số kết quả nhất định như tuyến đường dây Bắc - Nam mạch 3 giúp tăng liên kết Bắc - Nam, sẵn sàng cho việc đưa điện từ miền Trung và miền Nam ra phía Bắc trong mùa khô. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào các đường dây giải tỏa công suất cho các nhà máy thuỷ điện nhỏ ở phía Bắc, bởi các nhà máy này có tiềm năng rất lớn; đồng thời đẩy nhanh các dự án đường dây để có thể sẵn sàng mua điện từ Lào và Trung Quốc trong những năm sắp tới.

Bốn là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả:

Trong những năm vừa qua nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc liên tục tăng cao. Đây là vùng kinh tế trọng điểm, có tiềm năng phát triển và cũng là vùng đòi hỏi nguồn cung điện tại chỗ rất lớn. Do đó, EVN đã xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 và trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành.

Trong đó, mục tiêu quan trọng có thể kể đến như công tác vận động, tuyên truyền tiếp tục sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình cũng như tại các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải để giảm áp lực cho ngành điện.

Hiện cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng).

Có thể khẳng định tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối công nghiệp là rất lớn. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế./.

Xin cảm ơn ông!

MINH KHUÊ (THỰC HIỆN)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động