RSS Feed for EVN, TKV tìm kiếm khoản vay không bảo lãnh Chính phủ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 17/04/2024 04:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN, TKV tìm kiếm khoản vay không bảo lãnh Chính phủ

 - Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang hoàn tất thỏa ước khoản vay không bảo lãnh Chính phủ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), sau khi dành cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một khoản vay bằng hình thức này.

5.500 tỷ đồng xây dựng cảng TT Điện lực Duyên Hải

Thông tin trên được công bố tại Hội thảo kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam “Đề xuất tài trợ của AFD bằng khoản vay không bảo lãnh của Chính phủ”, diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/3, tại Hà Nội.

Hạn chế nợ công

Các nguồn vốn từ bảo lãnh Chính phủ ngày càng hạn chế do những vấn đề liên quan đến nợ công. Cho nên, các doanh nghiệp tự tìm kiếm các khoản vay không bảo lãnh để phục vụ cho nhu cầu đầu tư là hết sức quan trọng.

TKV là tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước, hoạt động trong 4 lĩnh vực: than, điện, khoáng sản và hóa chất. Đại diện TKV, ông Đoàn Xuân Thiệu cho hay, hàng năm TKV cần khoản vốn khoảng 1,5 tỷ USD để đầu tư phát triển ngành theo quy hoạch của Chính phủ.

“TKV đang đàm phán với AFD để ký một khoản vay trị giá 35 triệu Euro cho các dự án liên quan đến môi trường”, ông Đoàn Xuân Thiệu cho biết.

Than và khoáng sản là vấn đề nhạy cảm đối với môi trường. TKV hi vọng với nguồn vay của AFD sẽ giúp cải thiện việc khai thác mỏ cũng như nâng cao chất lượng sống cho những người dân sống ven mỏ”, ông Thiệu nói.

Thực tế, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân tăng nhanh, trung bình khoảng 15%/năm. Vì vậy, đáp ứng đủ nhu cầu điện ngày một tăng cao của nền kinh tế là một nhiệm vụ hết sức khó khăn của ngành Điện nói chung và EVN nói riêng.

Theo ông Hoàng Phương - Chuyên viên Ban Tài chính EVN, việc tìm kiếm đa dạng các vốn đối với EVN rất quan trọng bởi nhu cầu đầu tư của ngành Điện rất lớn, khoảng 3-4 tỷ USD/năm.

Những năm gần đây, ông Phương nói “EVN gặp nhiều khó khăn trong quá trình vay vốn” do nguồn vốn trong nước không đáp ứng đủ. 

Theo ông Phương, với các khoản vay nước ngoài, EVN đang dựa nhiều vào nguồn vốn vay bảo lãnh của Chính phủ, tạo ra áp lực lớn nợ công, đồng thời là bất lợi cho chính EVN trong quá trình thu xếp vốn.

EVN muốn tìm kiếm các nguồn vốn vay theo các hình thức khác, đặc biệt là vay không có bảo lãnh Chính phủ, do hình thức này có nhiều điều kiện mở hơn, thuận lợi hơn cho quá trình thu xếp vốn của Tập đoàn. 

Năm 2008, EVN là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được áp dụng hình thức vay không bảo lãnh Chính phủ của AFD cho khoản vay 5 triệu USD, để đầu tư dự án Thủy điện Huội Quảng. Đến nay, EVN đã sử dụng gần hết khoản vay này.

“EVN kỳ vọng được AFD cho vay khoản vay không bảo lãnh Chính phủ đối với một số dự án năng lượng tái tạo”, ông Phương nói.

Vay không dễ

Trong giai đoạn 2016-2020, AFD hướng đến 3 mục tiêu:

Thứ nhất, ưu tiên năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng để đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Thứ hai, cải thiện khả năng tiếp cận với năng lượng tại các khu vực nông thôn và cận đô thị cũng như phấn đấu để chi phí năng lượng có thể tiếp cận được.

Thứ ba, nâng cao độ an toàn và tăng cường hệ thống năng lượng (truyền tải, phân phối).

Tại Việt Nam, AFD thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, cũng như lĩnh vực sản xuất để tăng cường hiệu quả và hiệu suất.

Các khoản vay không bảo lãnh Chính phủ, cho phép các doanh nghiệp đầu tư lâu dài cho các dự án phát triển của mình mà không làm tăng tình trạng vay nợ công của quốc gia. Đối với nhà nước Việt Nam, đây là công cụ hấp dẫn bởi vì nợ công của Việt Nam đang tiệm cận với mức trần mà khu vực cho phép.

Thực hiện các khoản hỗ trợ dự án ở Việt Nam, AFD đã đề xuất cho các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam các sản phẩm tín dụng không có bảo lãnh chính phủ là các doanh nghiệp có tự chủ về tài chính cao.

Vay không bảo lãnh Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước sẽ có được nguồn vốn trung, dài hạn, giúp trung hòa với các nguồn vốn ngắn hạn hiện có với cơ cấu phù hợp để tài trợ cho các dự án khả thi, hiệu quả mà ngân hàng đang cho vay hoặc xem xét cho vay.

Vay không bảo lãnh Chính phủ, doanh nghiệp phải thỏa mãn 11 điều kiện của AFD, chẳng hạn, dự án góp phần giải quyết các vấn đề phát triển bền vững; Doanh nghiệp tự chủ trong quản lý; có cổ đông là Nhà nước; hoạt động trong khu vực có quy định và thiết chế có độ tin cậy cao; doanh nghiệp có hình ảnh tốt...

Cạnh đó, AFD cũng cảnh báo các doanh nghiệp nhà nước về những rủi ro khi vay không bảo lãnh Chính phủ, liên quan đến khả năng thanh toán, lãi suất...

Cho vay không bảo lãnh là toàn bộ các hoạt động tài trợ vốn dành cho các đối tượng thứ ba không phải là Nhà nước, các ngân hàng trung ương. Do đó, các khoản vay không được bảo lãnh được xử lý tương tự như các khoản vay dành cho khu vực tư nhân.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính thì những doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn vay nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận sẽ không còn được Nhà nước bảo lãnh khi vay vốn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cơ chế bảo lãnh Chính phủ trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi theo hướng giảm dần và tiến tới ngừng cơ chế bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc vay vốn nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Theo đó, cơ chế bảo lãnh chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước không tạo ra lợi nhuận, các lĩnh vực liên quan nhiều đến đời sống người dân như môi trường, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Việc giảm dần hoặc không duy trì cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vốn vay nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước trong việc tự tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài mà không cần cơ chế bảo lãnh của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nhà nước phải tự tìm kiếm nguồn vốn vay cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp này phải hoàn thiện cơ chế quản trị, năng lực và sử dụng vốn hiệu quả.

Tuy nhiên, do phần vốn của Nhà nước vẫn nằm trong các doanh nghiệp nhà nước nên việc tiếp cận các nguồn vốn không có bảo lãnh của Chính phủ vẫn sẽ được Bộ Tài chính kiểm soát, đánh giá, đặc biệt trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Bộ Tài chính sẽ đánh giá toàn bộ quy trình, gồm tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp trong ba năm hiện tại và dòng tiền mà doanh nghiệp sẽ sử dụng trong 10 - 15 năm tiếp theo, dòng vốn này sẽ thường xuyên bị kiểm soát.

Từ năm 2008, cho vay không bảo lãnh Chính phủ trung bình chiếm trên 30% hoạt động của AFD.

Cam kết của AFD trong lĩnh vực điện vượt 1,5 tỷ Euro/năm, chiếm hơn 20% tổng cam kết của AFD, vào các giai đoạn khác nhau: sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Việt Nam là một trong những nước được thụ hưởng hàng đầu về các khoản tài trợ có bảo lãnh chính phủ của AFD. Tính từ khi có mặt tại Việt Nam, năm 1994, AFD đã tài trợ cho 81 dự án và đã cam kết trên 1,6 tỷ Euro.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động