Dự án cáp ngầm xuyên biển: Cơ hội vàng cho huyện đảo Phú Quốc
06:00 | 06/06/2012
Đảo Phú Quốc nhìn từ trên cao
Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, khi tiếp nhận lưới điện từ địa phương đầu năm 2002, hệ thống điện trên đảo Phú Quốc chỉ có 41 km đường dây trung thế, 44 km đường dây hạ thế, 1 trạm phát điện diesel công suất 3 MW.
Nguồn điện này chỉ đủ cấp điện cho 4.252 khách hàng với sản lượng điện thương phẩm chưa đầy 6 triệu kWh/năm.
Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Kiên Giang đã đầu tư đồng bộ để nâng cấp lưới điện với 96 km đường dây trung thế, 89 km đường dây hạ thế, 192 trạm biến áp phân phối, với tổng dung lượng là 21.070 kVA, 1 phân xưởng diesel quy mô 24,7 MW hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo cấp điện cho 13.000 khách hàng. Nhờ đó, cung ứng điện trên đảo được cải thiện.
Tuy nhiên, do máy móc quá cũ, hư hỏng nhiều nên nguồn phát thiếu và không ổn định, thường phải cúp điện luân phiên từng khu vực. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh trên đảo, nhất là trong điều kiện tiềm năng du lịch đảo Phú Quốc ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện trên đảo tăng bình quân khoảng 15%/năm.
Để đảm bảo cung cấp điện cho đảo Phú Quốc, EVN SPC đã tiếp tục bổ sung máy diesel. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu cao nên mặc dù giá điện kinh doanh tại Phú Quốc chưa tính thuế vẫn lên đến 6.525 đồng/kWh và mỗi năm ngành điện phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Một trong những giải pháp bền vững đang được EVN SPC triển khai là đưa điện lưới ra đảo. Sau một thời gian dài chuẩn bị, mới đây, EVN SPC và Công ty Prysmian PowerLink S.r.l. (Italia) đã ký hợp đồng EPC, xây dựng hệ thống cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc để đưa điện lưới ra đảo. Đây là tuyến cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm này, với chiều dài 55,8 km, công suất truyền tải 131 MVA, tổng mức đầu tư khoảng 2.336 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, điểm đầu sẽ được đấu nối từ trạm 110kV Hà Tiên đến giáp bờ biển phía Hà Tiên (thuộc ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, TX. Hà Tiên) với phần đường dây trên không dài 0,3 km.
Tiếp theo là phần cáp ngầm xuyên biển, từ bờ biển Hà Tiên sang bờ biển Phú Quốc (thuộc mũi Đá Bạc, ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc) dài 55,813km.
Tiếp theo là phần đường dây trên không dài 7,6 km từ bờ biển Phú Quốc đến trạm 110kV Phú Quốc (trạm này có quy mô 2 MBA x 40MVA).
Dự án sẽ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới trong chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 2-DPL2 và vốn của EVNSPC. Dự kiến, cuối năm 2013, công trình sẽ được nghiệm thu, đưa vào vận hành, giúp đảm bảo cung cấp điện ổn định, lâu dài cho huyện đảo Phú Quốc.
Cơ hội phát triển cho huyện đảo Phú Quốc
Theo cam kết, nhà thầu EPC không chỉ có nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình, mà còn phải đảm bảo an toàn trên biển và đất liền, an ninh quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trong quá trình thi công.
Theo ông Phạm Ngọc Lễ, dự án cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho huyện đảo, nâng cao sức cạnh tranh, đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của đất nước.
Đây không chỉ là niềm vui của người dân mà còn là tin tốt cho các nhà đầu tư. Chắc chắn khi có điện lưới, tiến trình phát triển của Phú Quốc sẽ nhanh gấp nhiều lần, góp phần đưa Phú Quốc thực sự trở thành hòn ngọc của khu vực phía Nam, thu hút khách du lịch quốc tế cũng như thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, dự án cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra đảo còn góp phần bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cùng với việc chuẩn bị đón điện lưới, UBND huyện đảo Phú Quốc đang triển khai các dự án đầu tư chuyển dịch kinh tế, bố trí lại ngành nghề. Trong đó, có nghề chế biến hải sản đông lạnh, sản xuất nước mắm, chế biến hồ tiêu chất lượng cao.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống năng lượng huyện Phú Quốc giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2030.
Theo đó, ngoài việc kéo cáp ngầm 110kV xuyên biển để cấp điện lưới cho đảo Phú Quốc, sẽ ưu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ khai thác sử dụng năng lượng tái tạo ở các cấp độ khác nhau, trong đó có nghiên cứu sử dụng nhiệt điện chạy bằng than, nhiên liệu khí, điện gió và nguồn điện mặt trời.
Từ nay đến khi hệ thống cáp ngầm đi vào vận hành, nguồn cấp điện chủ yếu của huyện đảo vẫn là nguồn phát diesel.
Ngọc Loan (nguồn: Congthuong)