RSS Feed for Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 3) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 09:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 3)

 - Công tơ điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng dùng điện, như biết được phụ tải thực tế đang sử dụng qua các thông số điện áp và dòng điện để điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt là dễ phát hiện xẩy ra dò điện ở các thiết bị lâu năm, chất lượng cách điện bị suy giảm, qua đó ngăn ngừa được tai nạn về điện. Hơn nữa, việc sử dụng công điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR khách hàng dễ dàng giám sát được chỉ số điện năng, hoàn toàn đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1)
Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 2)

KỲ 3: NHỮNG ĐIỂN HÌNH ĐANG ĐƯỢC NHÂN RỘNG

Thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã đổi mới mạnh mẽ việc ghi chỉ số công tơ bằng bằng số GCS (ghi chỉ số) điện tử, với hơn 209.295/209.897 công tơ. Đến thời điểm hiện tại, PC Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị đứng đầu Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), bước đầu xây dựng thành công hệ thống Mini SCADA với tiện ích cao, chi phí hợp lý và triển khai hoàn chỉnh hệ thống thu thập dữ liệu từ xa công tơ điện tử.

Ngay từ năm 2013, theo định hướng của EVN và chỉ đạo của NPC về phát triển lưới điện thông minh, PC Vĩnh Phúc đã thay thế tập trung công tơ điện tử tại khu vực thành phố, thị xã. Đến nay đã có 61.000 công tơ khách hàng của 723 trạm biến áp công cộng tại Thành phố Vĩnh Yên, và Thị xã Phúc Yên được thay thế bằng công tơ điện tử RF và thực hiện ghi chỉ số qua hệ thống đo xa tự động.

Tiếp đến, năm 2016, PC Vĩnh Phúc tiếp tục đưa vào vận hành chính thức hệ thống đo xa tại 750 điểm đo của các khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng bán điện 3 giá. Đến tháng 7/2017 Công ty tiếp tục hoàn thành thay thế, lắp đặt mới 1.423 công điện tử 3 giá có chức năng đo xa bằng công nghệ GPRS/3G cho các trạm biến áp công cộng và chuyên dùng bán điện một giá trên địa bàn.

Sử dụng máy tính bảng kiểm tra tiền điện cho khách hàng tại Công ty Điện lực Thái Nguyên.

Nói về tiện ích của công tơ điện tử và hệ thống đo xa, Phó Giám đốc PC Vĩnh Phúc - Lê Đức Thuận khẳng định: Công tơ điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng dùng điện, như biết được phụ tải thực tế đang sử dụng qua các thông số điện áp và dòng điện để điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt là dễ phát hiện xẩy ra dò điện ở các thiết bị lâu năm, chất lượng cách điện bị suy giảm, qua đó ngăn ngừa được tai nạn về điện. Hơn nữa, việc sử dụng công điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR khách hàng dễ dàng giám sát được chỉ số điện năng, hoàn toàn đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Còn đối với PC Vĩnh Phúc, công điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR giúp đảm bảo an toàn cho người lao động, thu thập được dữ liệu sử dụng điện của từng khách hàng, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp, hiệu quả trong cung cấp điện, tránh được sai sót trong việc ghi và nhập chỉ số.

Trên thực tế, PC Vĩnh Phúc cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc bước đầu xây dựng thành công hệ thống Mini SCADA điều khiển từ xa lưới điện trung áp nhằm theo kịp xu hế vận hành lưới điện theo hướng hiện đại phục vụ cho công tác quản lý kỹ thuật - vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Trao đối với phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Dung - Phó giám đốc Điện lực Thành phố Vĩnh Yên cho biết, thời gian qua nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng nên hệ thống điện đã tạo được độ tin cây rất cao.

Còn với Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) việc “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ” luôn gắn với tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các hệ thống lưới điện. Đến nay, ngoài hệ thống đường dây trung, hạ áp, PC Thái Nguyên quản lý vận hành gần 700km cáp quang, và một hệ thống mạng LAN, WAN kết nối tốc độ 1Gb, với 543 máy tính được cài đặt Windows bản quyền. Nhờ vậy công tác chỉ đạo và điều hành hết sức thuận lợi.

Từ việc ứng dụng khoa học công nghệ truyền thông 3G, bước vào năm 2017, PC Thái Nguyên đã triển khai lưới điện thông minh bằng sử dụng cáp quang nội bộ và thiết kế phần mềm chung, kết nối thêm 15 điểm MC Recloser đưa về phòng điều độ để điều khiển và giám sát. Theo đó, đơn vị này đã lắp dặt 80 bộ cảnh báo sự cố kết nối và truyền tín hiệu thông tin vận hành về Trung tâm điều khiển và nhắn tin tới số điện thoại của các lãnh đạo qua giao thức tiên tiến hiện hành. 

Ngoài ra, PC Thái Nguyên đã phối hợp triển khai trung tâm điều khiển từ xa 110kV trên phần mềm SCADA DMS nhằm điều chỉnh điện áp giờ cao điểm chính xác, kịp thời góp phần giảm tổn thất trên lưới điện trung thế.

Cùng với đó đơn vị này còn triển khai lắp đặt hệ thống giám sát từ xa của trạm trung gian 35kV về tại tổ trực điện lực nhằm duy trì ổn định việc giám sát thông số, theo dõi chế độ vận hành, giảm bớt người quản lý trực tiếp tại trạm.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh dịch vụ khách hàng ở Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) cũng rất đáng ghi nhận. Từ năm 2014, PC Bắc Ninh đã áp dụng việc phát hành hóa đơn điện tử tại 10 điện lực trực thuộc, gắn với việc đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng, qua ATM, thu hộ tiền điện, vv...

Nhiều người dân ở Thành phố Thái Nguyên, cũng như ở Thành phố Bắc Ninh đều khẳng định: Ngày trước muốn đi nộp tiền điện phải chờ đúng ngày, đến đúng địa điểm quy định và phải chờ viết hóa đơn rất mất thời gian. Còn từ khi thực hiện thu tiền điện bằng hóa đơn điện tử đến nay thì hết sức tiện lợi. Khách hàng có thể đến bất cứ điểm thu nào cũng nộp được tiền điện.

Càng tiện lợi hơn khi các công ty điện lực: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc ứng dụng máy tính bảng để ghi sổ nợ, phát triển khách hàng và chấm nợ Online chi trả biên lai tại chỗ. Tính ưu việt của ghi sổ nợ trên máy tính bảng đã làm giảm không gian lưu trữ và công tác bảo quản sổ, giúp phát hành hóa đơn nhanh chóng, kịp thời.

Ngoài ra, ghi chỉ số bằng máy tính bảng cũng giúp cho việc tìm kiếm khách hàng nhanh chóng, giảm sai sót, thống kê được những trường hợp chưa ghi sổ. Đặc biệt, chương trình phát triển khách hàng bằng máy tính bảng còn giúp cho việc lập dự toán vật tư, thông báo tiền nhân công cho khách hàng sau khi khảo sát xong và quyết toán vật tư cấp mới chính xác. Số liệu khách hàng chấm nợ được kết nối Online trên máy tính bảng, nhân viên chỉ việc đối chiếu số tiền thu nộp chính xác bằng phần mềm, không phải cộng và đối chiếu thủ công, góp phần tăng năng suất lao động.

Trên thực tế, chương trình sử dụng máy tính bảng còn được sử dụng để lắp đặt hệ thống đo xa công tơ điện tử của những khách hàng có sản lượng lớn, các trạm biến áp công cộng, góp phần quan trọng trong việc theo dõi sản lượng, giám sát điện năng tiêu thụ, cảnh báo, phát hiện kịp thời các trường hợp bất thường trong quản lý kỹ thuật chống tổn thất điện năng, cũng như thống kê và lập kế hoạch cung ứng điện hàng năm.

Về nội dung này ông Dương Văn Hạnh - Phó giám đốc Điện lực Gang thép Thái Nguyên cho biết, hiện nay thiết bị đo xa đã được lắp đặt cho 100% khách hàng lớn, chuyên dùng, 40% cho khách hàng sinh hoạt. Nhờ kết nối thiết bị này trên mạng điện tử nên khách hàng có thể tra cứu xem được chỉ số sử dụng điện của mình hàng ngày để điều chỉnh sao cho hợp lý. Và điều quan trọng là từ khi 100% khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử thì công tác kiểm soát được tốt hơn, giải quyết thỏa đáng những phát sinh thắc mắc của người sử dụng điện. Giảm được giấy tờ in ấn, thời gian chờ đợi và khách hàng có thể tự in hóa đơn cho mình...

Có thể nói, từ thành công bước đầu của việc triển khai chủ trương “Đẩy mạnh khoa học công nghệ” theo tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã đúc rút được những kinh nghiệm bước đầu hết sức quý báu. Trước hết là kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo của cấp ủy, ban giám đốc và các bộ phận chuyên môn... Ứng dụng khoa học công nghệ phải đi đôi với cải cách thủ tục và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Sau khi ứng dụng khoa học công nghệ phải có các quy chế, quy định hướng dẫn để duy trì chương trình thường xuyên. Hàng năm phải tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả từng chương trình và phát hiện những vấn đề bất cập, hoặc phát sinh để cải tiến điều chỉnh, hoàn thiện ứng dụng. Phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên nhằm đáp ứng với yêu cầu hiện đại hóa ngành điện...

Những kinh nghiệm trên đây chính là cơ sở để NPC đẩy nhanh thực hiện lộ trình đến 2020 góp phần cùng EVN huy động có hiệu quả các nguồn lực về khoa học, công nghệ nhằm đảm bảo nâng tỷ lệ đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 20%/năm; tỷ lệ đóng góp của KHCN trong tốc độ tăng trưởng chung của EVN đạt ít nhất 80% và nâng tỷ lệ ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ hiện đại tăng gấp đôi so với hiện nay.

Đón đọc kỳ tới: "Điện phải đi trước một bước" vào CMCN 4.0

BÀI VÀ ẢNH: TRẦN VŨ THÌN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động