RSS Feed for Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 09:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1)

 - Đối với một đơn vị có chức năng chính là "kinh doanh điện năng" như Tổng công ty Điện lực miền Bắc, việc xác định rõ các nguồn vốn để huy động đủ cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) thường là một vấn đề quan trọng và mang tính quyết định. Là một doanh nghiệp trực thuộc EVN, thông thường vốn hoạt động nghiên cứu và phát triển (R-D) của Tổng công ty phải có sự thống nhất/cân đối từ Tập đoàn. Theo đó, các nguồn vốn cho hoạt động R-D trong thời gian qua đã được hình thành tương đối đa dạng, từ các nguồn khác nhau. Nhưng thực tế cho thấy, trong điều kiện nguồn vốn cho các hoạt động R-D hàng năm được cân đối không lớn (thường chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu), thì việc "liệu cơm gắp mắm" là "bắt buộc" đối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc để phát huy tối đa hiệu quả của từng đồng vốn đầu tư cho khoa học công nghệ.

Ngành năng lượng Việt Nam và cách mạng công nghiệp 4.0
Chỉ tiêu tiếp cận điện năng của NPC tiếp tục được cải thiện

Tầm nhìn chiến lược về khoa học công nghệ

Năng lượng nói chung và điện năng nói riêng luôn luôn được coi là "hạ tầng cơ sở" mang tính quyết định trong mọi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). Đặc tính nổi trội của cuộc CMCN lần thứ Tư (CMCN 4.0) trong lĩnh vực năng lượng là hệ thống năng lượng của loài người đang có xu hướng chuyển từ "hóa thạch" sang "tái tạo", với các nội dung cụ thể bao gồm:

1/ Nguồn năng lượng nói chung, sẽ chuyển từ nguồn "hữu hạn" (than, dầu, khí, uranium) sang "vô hạn" (ánh sáng mặt trời, gió, sinh khối, điạ nhiệt).

2/ Hệ thống năng lượng sẽ chuyển từ "tập trung"/"qui mô lớn" (từng khu đô thị, khu công nghiệp, từng bể than, bể dầu khí) sang "phân tán"/"nhỏ lẻ" (từng doanh nghiệp, từng ngôi nhà, từng hộ gia đình, từng cá nhân).

3/ Lưới điện thông minh sẽ đảm bảo liên kết mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi để phục vụ việc mua - bán điện năng hoàn toàn mở. Và,

4/ Môi trường và sinh thái trong việc sản xuất và tiêu dùng năng lượng sẽ được kiểm soát (hạn chế ô nhiễm).

Nắm bắt được xu thế chung đó, trong hai năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung đang có nhiều chuyển biến tích cực trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ (nguồn điện, lưới điện, vận hành hệ thống điện, kinh doanh điện, dịch vụ khách hàng, quản lý, bảo vệ môi trường, vv...). Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R-D) trong lĩnh vực điện năng luôn được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả, có ảnh hưởng tích cực đến việc lựa chọn công nghệ mới trong đầu tư và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh điện năng.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc là một trong những đơn vị "kinh doanh chiến lược" (Strategic Business Unit), được EVN giao nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ cung cấp điện với các dịch vụ giá trị gia tăng, đáp ứng lộ trình phát triển thị trường điện, bao gồm các nhóm vấn đề như:

1/ Xây dựng đường truyền viễn thông, hệ thống cáp quang, mạch vòng, điều khiển từ xa, trạm biến áp không người trực.

2/ Ứng dụng công nghệ đo đếm điện năng tiên tiến, thông minh; sử dụng công nghệ công tơ đọc và thu thập dữ liệu từ xa.

3/ Trang bị đồng bộ các hệ thống rơ le bảo vệ, hệ thống quản lý lưới điện phân phối SCADA/DMS, hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối gắn với dịch vụ khách hàng và quản lý nhu cầu; khuyến khích khách hàng tham gia điều khiển nhu cầu phụ tải (Demand Response).

4/ Xây dựng các cơ sở dữ liệu, các trung tâm phục vụ khách hàng, phục vụ quản lý vận hành, điều độ vận hành hệ thống điện, vv...

5/ Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức, hoàn thiện cơ chế quản lý và mô hình tổ chức các hoạt động KHCN, xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN.

Lộ trình và kế hoạch thực hiện

Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phát triển KHCN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã đề ra lộ trình và ban hành kế hoạch "Đẩy mạnh khoa học công nghệ" (Quyết định số 1951/QĐ-EVNNPC, ngày 03/7/2017). Theo đó, các hoạt động KHCN của Tổng công ty được triển khai đẩy mạnh theo các chuyên đề/nội dung và tập trung vào các lĩnh vực cơ bản như: tổ chức quản lý (2 chuyên đề), quản trị điều hành (7 chuyên đề), quản lý kỹ thuật vận hành (10 chuyên đề) và kinh doanh chăm sóc khách hàng (8 chuyên đề).

Từng nội dung/chuyên đề hoạt động KHCN nói trên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đều được xác định rõ 6 tham số cụ thể, gồm:

Thứ nhất: Người chỉ đạo trực tiếp là những viên chức/cán bộ trực tiếp điều hành về chuyên môn và nghiệp vụ.

Thứ hai: Đơn vị chủ trì là những ban trực thuộc Tổng công ty chịu trách nhiệm trong lĩnh vực có liên quan.

Thứ ba: Đơn vị tham gia là các ban có liên quan và/hoặc các đơn vị trực thuộc được thừa hưởng kết quả R-D.

Thứ tư: Nguồn vốn được ghi rõ trên cơ sở xác định sơ bộ (khái toán) vốn R-D theo phân bổ và/hoặc giao kế hoạch định kỳ hàng năm của EVN.

Thứ năm: Dự kiến kết quả được ghi rõ và nêu trong kế hoạch bằng các số liệu mang tính định lượng cụ thể.

Thứ sáu: Tiến độ thực hiện được xác định chính xác đến từng quý.

Bố trí và huy động vốn cho R-D là khâu quyết định. Đối với một đơn vị có chức năng chính là "kinh doanh điện năng" như Tổng công ty Điện lực miền Bắc, việc xác định rõ các nguồn vốn để huy động đủ cho hoạt động KHCN thường là một vấn đề quan trọng và mang tính quyết định. Là một doanh nghiệp trực thuộc EVN, thông thường vốn R-D của Tổng công ty phải có sự thống nhất/cân đối từ Tập đoàn. Theo đó, các nguồn vốn R-D trong thời gian qua đã được hình thành tương đối đa dạng, từ các nguồn khác nhau như: vốn khấu hao cơ bản, vốn đầu tư xây dựng, vốn phát triển công nghệ thông tin, vốn lưu động, vốn sản xuất (tính trực tiếp vào giá thành), vốn vay WB (DEP2), vv...

Bên cạnh đó, việc xác định rõ những kết quả mong đợi đối với từng chuyên đề R-D là một trong những khâu cần thiết. Thực tế cho thấy, trong điều kiện nguồn vốn cho các hoạt động R-D hàng năm được cân đối không lớn (thường chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu), việc "liệu cơm gắp mắm" là bắt buộc đối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc để phát huy tối đa hiệu quả của từng đồng vốn đầu tư cho công tác KHCN.

Các đề án R-D quan trọng

Trong kế hoạch năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang triển khai 27 chuyên đề về KHCN. Trong đó, các chuyên đề có liên quan đến cuộc CMCN 4.0 về "lưới điện thông minh" được coi là trọng tâm của kế hoạch, như sau:

1/ Hoàn thiện mạng lưới hoạt động KHCN.

2/ Triển khai hệ thống ERP.

3/ Hoàn thiện văn phòng điện tử, hình thành cổng thông tin điện tử, nâng cấp cổng thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ điện trực tuyến, triển khai chữ ký số.

4/ Trang bị hệ thống dự phòng cho tổng đài chăm sóc khách hàng, nâng cấp hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS.

5/ triển khai phần mềm PMIS, bổ sung chức năng cho phần mềm CRM, nâng cấp phần mềm truy thu, thoái hoàn cài đặt trên thiết bị di động.

6/ Xây dựng phần mềm dự báo phụ tải và giao nhận điện năng.

7/ Triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư, thiết kế máy biến áp chịu quá tải cao.

8/ Xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS, thí điểm lưới điện thông minh (DMS), ứng dụng thiết bị bay không người lái.

9/ Ứng dụng công nghệ công tơ trả trước, vv...

Ngoài ra, các chuyên đề theo yêu cầu thực tế khác cũng được Tổng công ty Điện lực miền Bắc kịp thời triển khai trong kế hoạch năm 2017. Trong đó, trang bị hệ thống thiết bị bảo mật mới cho hệ máy tính điện tử; xây dựng kho dữ liệu dùng chung; hoàn thiện hệ thống cáp quang và đường truyền số liệu; đưa vào sử dụng hệ thống sửa chữa Hotline; trang bị máy rủa sứ Hotline; lắp đặt thiết bị chỉ báo sự cố lưới 35kV; xây dựng xưởng sản xuất tủ bảng điện; mua sắm, lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa.

Bài học kinh nghiệm

Nhìn chung, việc sơ bộ đánh giá công tác R-D tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho phép rút ra các bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Số lượng các chuyên đề/chủ đề tuy không lớn (do nguồn vốn còn hạn hẹp), nhưng nội dung tương đối bao trùm và phân bổ tương đối hợp lý, phù hợp với yêu cầu của thực tế (xem hình 1).

Hình 1: Phân bổ các chuyên đề R-D theo lĩnh vực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Thứ hai: Các đơn vị chủ trì được huy động tối đa, gồm hầu hết các ban của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Theo đó, số lượng các chuyên đề cũng được phân bổ tương đối đồng đều giữa các khối kinh tế và kỹ thuật trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc (xem hình 2).

Hình 2: Phân bổ các đơn vị chủ trì R-D theo lĩnh vực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Thứ ba: Ưu tiên các đề tài/chủ đề có liên quan đến lưới điện thông minh và được triển khai theo thứ tự ưu tiên như sau: Lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho các trạm biến áp (TBA) công cộng và TBA chuyên dùng. Nhân rộng công tơ điện tử cho khách hàng sau TBA. Lắp đặt thiết bị điều khiển từ xa cho các TBA 110kV và 220kV. Trang bị đồng bộ hệ thống rơ le bảo vệ cho các hệ thống lưới trung áp. Trang bị/lắp đặt hệ thống quản lý và tự động hóa SCADA/DMS cho lưới điện phân phối. Triển khai hệ thống thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa (RE), đo xa tự động (ARM). Áp dụng hóa đơn điện tử và các phương thức thanh toán bằng thẻ thông minh, vv...

Thứ tư: Để đảm bảo hiệu quả tuyệt đối, những chuyên đề quan trọng đã và đang được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo chủ chốt, như việc hình thành phòng KHCN trực thuộc Ban Kỹ thuật do Tổng giám đốc Thiều Kim Quỳnh trực tiếp chỉ đạo. Đề án đào tạo chuyên gia, triển khai hệ thống ERP do Phó tổng giám đốc Hồ Mạnh Tuấn chỉ đạo. Các chuyên đề về kỹ thuật do các ông: Lê Minh Tuấn, Dư Cao Minh chỉ đạo. Các chuyên đề kinh tế do ông Lê Quang Thái, Hồ Mạnh Tuấn chỉ đạo và các chuyên đề về CNTT do bà Đỗ Nguyệt Ánh chỉ đạo, vv...

Thứ năm: Công tác R-D trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc được triển khai tương đối đồng loạt ở tất cả các đơn vị thành viên.

Kết luận

Thực tế đã cho thấy phát triển KHCN là động lực quan trọng nhất để phát triển Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong tương lai tới.

Trong năm 2017, các hoạt động R-D tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang tiếp tục được triển khai phù hợp với các nội dung và yêu cầu chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0. Nhiều chuyên đề đã hoàn thành và mang lại kết quả thiết thực trước mắt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng của Tổng công ty.

Việc chuyển giao các công nghệ mới và triển khai các đề án R-D thời gian qua đã trực tiếp nâng cao trình độ KHCN của Tổng công ty, đồng thời đã góp phần phát huy năng lực nội sinh, nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý điều hành.

Kỳ tới: Từ chủ trương đến hiện thực

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động