Đầu tư cho công nghệ và bài học của PC Thái Nguyên
15:56 | 04/10/2017
Giải pháp cấp điện mùa nắng nóng của PC Thái Nguyên
PC Vĩnh Phúc đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin
Dịch vụ khách hàng của EVNNPC tiếp tục được nâng cao
PC Thái Nguyên làm việc với các cơ quan báo chí về hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ.
Vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ
Tiền thân là Nhà máy điện Thái Nguyên, PC Thái Nguyên hiện quản lý, vận hành trên 2.452 km đường dây trung thế, trên 7.183 km đường dây hạ thế và 2.710 trạm biến áp (TBA), với tổng dung lượng 1.351.208 kVA.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, PC Thái Nguyên ý thức sâu sắc rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh, dịch vụ khách hàng và quản lý vận hành lưới điện có vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển bền vững của ngành điện. Ứng dụng khoa học công nghệ không những mang lại hiệu quả trong quản lý nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Từ đó, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện "Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ", PC Thái Nguyên đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các hệ thống lưới điện. Đến nay, ngoài hệ thống đường dây trung, hạ áp, PC Thái Nguyên quản lý vận hành gần 700km cáp quang, và một hệ thống mạng LAN, WAN kết nối tốc độ 1Gb, với 543 máy tính được cài đặt Windows bản quyền. Nhờ vậy, công tác chỉ đạo và điều hành hết sức thuận lợi.
Cũng từ việc ứng dụng khoa học công nghệ truyền thông 3G, bước vào năm 2017, PC Thái Nguyên đã triển khai lưới điện thông minh bằng sử dụng cáp quang nội bộ và thiết kế phần mềm chung, kết nối thêm 15 điểm MC Recloser đưa về phòng điều độ để điều khiển và giám sát.
Theo đó, PC Thái Nguyên lắp đặt 80 bộ cảnh báo sự cố kết nối và truyền tín hiệu các thông tin vận hành về Trung tâm điều khiển và nhắn tin tới số điện thoại các lãnh đạo qua giao thức tiên tiến hiện hành. Ngoài ra, PC Thái Nguyên đã phối hợp triển khai Trung tâm điều khiển từ xa 110kV trên phần mềm SCADA DMS, nhằm điều chỉnh điện áp giờ cao điểm chính xác, kịp thời, góp phần giảm tổn thất trên lưới điện trung thế.
Nhân viên PC Thái Nguyên kiểm tra chỉ số công tơ bằng máy tính bảng.
Cùng với đó, PC Thái Nguyên triển khai lắp đặt hệ thống giám sát từ xa của Trạm trung gian 35kV về tại Tổ trực điện lực, nhằm duy trì ổn định việc giám sát thông số, theo dõi chế độ vận hành, giảm bớt người quản lý trực tiếp tại trạm.
Đầu tư cho công nghệ và bài học thực tiễn
Một trong những thành công được khách hàng ghi nhận là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh dịch vụ khách hàng. Từ năm 2014, PC Thái Nguyên đã áp dụng phát hành hóa đơn điện tử tại 10 điện lực trực thuộc, gắn với việc đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng, qua ATM, thu hộ tiền điện…
Chị Nguyễn Thị Minh - một khách hàng ở Thành phố Thái Nguyên nhiều năm sử dụng hóa đơn điện tử cho biết: Việc thu tiền điện bằng hóa đơn điện tử hết sức tiện lợi cho khách hàng. Ngày trước muốn đi nộp tiền điện phải chờ đúng ngày, đến đúng địa điểm quy định và phải chờ viết hóa đơn - rất mất thời gian. Còn từ khi thực hiện thu tiền điện bằng hóa đơn điện tử đến nay thì hết sức tiện lợi. Chúng tôi có thể đến bất cứ điểm thu nào cũng nộp được tiền điện.
"Đi chợ ghé qua quầy thu cũng nộp được. Bà con láng giềng nhờ nộp hộ cũng được. Nói chung là rất tiện ích...", chị Minh phấn khởi nói.
PC Thái Nguyên cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng máy tính bảng trong công tác ghi sổ nợ, phát triển khách hàng, và chấm nợ online chi trả biên lai tại chỗ bằng máy in nhiệt. Tính ưu việt của ghi sổ nợ trên máy tính bảng là giảm không gian lưu trữ và công tác bảo quản sổ, giúp phát hành hóa đơn nhanh chóng, kịp thời.
Ghi chỉ số bằng máy tính bảng cũng giúp cho việc tìm kiếm khách hàng nhanh chóng, giảm sai sót, thống kê được những trường hợp chưa ghi sổ. Việc sử dụng máy tính bảng để phát triển khách hàng cũng hết sức tiện ích: không phải viết tay, biên bản, hồ sơ tại hiện trường mà có thể chụp lại các giấy tờ liên quan để bổ sung vào hồ sơ, giảm thời gian đi lại của khách hàng, vv…
Chương trình phát triển khách hàng bằng máy tính bảng còn giúp cho việc lập dự toán vật tư, thông báo tiền nhân công cho khách hàng sau khi khảo sát xong và quyết toán vật tư cấp mới chính xác…
Sử dụng máy tính chấm nợ oline bằng máy tính bảng kết hợp với máy in nhiệt tích hợp đầu đọc thẻ từ và phát hành thẻ khách hàng cũng là một thành công của PC Thái Nguyên. Chương trình này giúp tìm kiếm khách hàng và chấm nợ nhanh chóng. Số liệu khách hàng chấm nợ được kết nối oline trên máy tính bảng, thu ngân viên chỉ việc đối chiếu số tiền thu nộp chính xác bằng phần mềm, không phải cộng và đối chiếu thủ công, góp phần tăng năng suất lao động.
Mặt khác, sử dụng chương trình này cán bộ quản lý tại các điện lực thường xuyên theo dõi được tổng số tiền đã thu tại các quầy theo thời gian do máy tính truyền về. Ngoài ra, chương trình sử dụng máy tính bảng còn được sử dụng để lắp đặt hệ thống đo xa công tơ điện tử những khách hàng có sản lượng lớn, các trạm biến áp công cộng, góp phần quan trọng trong việc theo dõi sản lượng, giám sát điện năng tiêu thụ, cảnh báo và phát hiện kịp thời các trường hợp bất thường trong quản lý kỹ thuật chống tổn thất điện năng, cũng như thống kê, lập kế hoạch cung ứng điện hàng năm.
Quầy thu tiền điện bằng hóa đơn điện tử của Điện lực Gang thép Thái Nguyên.
Nói về nội dung này, ông Dương Văn Hạnh - Phó Giám đốc Điện lực Gang thép Thái Nguyên cho biết thêm: Hiện nay, thiết bị đo xa đã được lắp đặt cho 100% khách hàng lớn, chuyên dùng, 40% cho khách hàng sinh hoạt. Nhờ kết nối thiết bị này trên mạng điện tử nên khách hàng có thể tra cứu, xem được chỉ số sử dụng điện của mình hàng ngày để điều chỉnh sao cho hợp lý. Đối với ngành điện thì cập nhật được dữ liệu của khách hàng để có kế hoạch điều chỉnh khi cần thiết. Đặc biệt từ khi 100% khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử, công tác kiểm soát được tốt hơn, giải quyết thỏa đáng phát sinh thắc mắc của người sử dụng điện. Giảm được giấy tờ in ấn, thời gian chờ đợi. Khách hàng có thể tự in hóa đơn cho mình.
Từ thành công bước đầu của việc ứng dụng khoa học công nghệ, PC Thái Nguyên đã đúc rút được những bài học hết sức thiết thực. Trước hết muốn thành công phải có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chuyên môn. Ứng dụng khoa học công nghệ phải đi đôi với cải cách thủ tục và phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, sau khi ứng dụng khoa học công nghệ phải có các quy chế, quy định hướng dẫn để duy trì chương trình thường xuyên. Đồng thời, hàng năm phải tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả từng chương trình và phát hiện những vấn đề bất cập, hoặc phát sinh để cải tiến điều chỉnh và hoàn thiện ứng dụng. Theo đó, phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, CNV nhằm đáp ứng với yêu cầu hiện đại hóa ngành điện.
TRẦN VŨ THÌN