RSS Feed for Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 23:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế [Kỳ 1]

 - LTS: Theo TS. Nguyễn Hồng Minh - Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam: Nói đến tính đặc thù không phải để xin đặc quyền, đặc lợi mà mong muốn cung cấp cơ sở khoa học cho việc tư duy quản lý và ứng xử phù hợp với những hoạt động có đặc điểm riêng. Bởi bản chất tự nhiên của các quá trình địa chất, các tích tụ dầu khí phân bố không đồng đều trên toàn bộ vỏ trái đất, trong từng khu vực, trong từng nước và cả trong từng lô, mỏ dầu khí. Và cũng theo lẽ đó, không tích tụ dầu khí (mỏ) nào giống tích tụ nào. Đặc điểm này dẫn đến tính rủi ro cao trong thăm dò dầu khí, thường được đo đếm bằng tỷ lệ thành công địa chất. Tỷ lệ thành công địa chất trung bình của thế giới hiện nay vào khoảng 30%. Điều này cho thấy, mặc dù các công ty đã sử dụng những công nghệ tốt nhất, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà thăm dò kỳ cựu nhất, nhưng cứ 3 giếng khoan thăm dò thì chỉ có 1 giếng phát hiện có tích tụ dầu khí. Hai giếng còn lại, với chi phí hàng chục triệu, có khi hàng trăm triệu USD coi như mất trắng...

Dầu khí Việt Nam trước thách thức chưa từng có trong lịch sử
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho trường hợp Việt Nam

KỲ 1: CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA PVN

Ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành "đầu tàu kinh tế" quốc dân và đi đầu trong kinh tế biển của đất nước. Đã phát hiện và đưa vào khai thác nhiều mỏ dầu khí, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước xuất khẩu dầu thô, góp phần rất quan trọng cho sự ổn định và phát riển nền kinh tế quốc dân thời gian qua. Ngoài việc phát triển công nghiệp khai thác dầu khí, ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển nhiều lĩnh vực quan trọng khác như: chế biến, lọc hóa dầu, kinh doanh sản phẩm dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí và  cung  cấp vật tư thiết bị cho ngành dầu khí, xây dựng các nhà máy điện với doanh thu hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ khác của đất nước...

Những thành tựu cơ bản

Ngành Dầu khí Việt Nam mà nòng cốt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, tương đối đồng bộ, đa dạng các hình thức sở hữu, phát triển hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ về đầu tư phát triển các dự án điện. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu chiến lược đề ra. Đóng góp to lớn cho ngân sách nhà nước. Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và đi đầu trong công tác an sinh xã hội. Có tiềm lực tài chính, năng lực kinh doanh mạnh.

Ngoài những kết quả đạt được nêu trên, PVN và ngành dầu khí đã đóng góp vai trò to lớn trong một số lĩnh vực, nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược biển Việt Nam; thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá (1); chủ động tạo ra một số nguyên, nhiên, vật liệu cho các ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hoá trong nước, giảm nhập siêu hàng năm (2).

Đối với PVN, trong số những thành công giai đoạn vừa qua có ba điểm sáng khá nổi bật:

Thứ nhất: Trong công tác chuyên môn là việc phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu trong đá móng nứt nẻ granite là thành tựu khoa học - công nghệ đã mang lại lợi ích kinh tế lớn, làm thay đổi quan điểm truyền thống về tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Có thể xem đây là một kỳ tích đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn cho công nghệ dầu khí thế giới (3).

Thứ hai: Trong các lĩnh vực hoạt động chính, thì lĩnh vực dịch vụ dầu khí là điểm sáng đáng ghi nhận, đã thực sự trở thành công cụ quan trọng trong tiến trình từng bước tự lực, nâng cao tính chủ động và tăng cường hiệu quả trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác của ngành Dầu khí Việt Nam (4).

Thứ ba: Trong công tác quản lý thì việc triển khai thành công giải pháp xây dựng mô hình tổ chức, quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước đã phát huy tác dụng to lớn, tạo cơ chế chuyển biến tích cực trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh; tập trung có hiệu quả các nguồn lực về con người và tài chính để hoàn thành các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2006-2015.

Nguyên nhân kết quả đạt được

Trước hết, là do có chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Đảng, Nhà nước; sự giám sát, kiểm tra, hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên và hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương.

Vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tình hình kinh tế - chính trị và xã hội nước ta được duy trì ổn định; môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng cải thiện.

Sự nỗ lực và quyết tâm của bản thân PVN và ngành dầu khí; cán bộ công nhân viên PVN được đào tạo cơ bản về chuyên môn, có tâm huyết, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và luôn nêu cao tinh thần vượt khó.

Tồn tại, hạn chế

1/ Sản lượng khai thác dầu khí chưa đạt mục tiêu chiến lược đề ra.

2/ Một số dự án đầu tư ra nước ngoài chưa được đánh giá đầy đủ về rủi ro, tính khả thi và hiệu quả; sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các dự án đầu tư ra nước ngoài còn khiêm tốn.

3/ Việc dự báo tình hình và phân tích nguyên nhân của từng dự án không thành công, hoặc không hiệu quả để đúc kết các bài học kinh nghiệm chưa được thực hiện thấu đáo. Chưa đánh giá so sánh hiệu quả việc đầu tư ra nước ngoài so với trong nước theo các tiêu chí về khả năng gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác và các chi phí liên quan. Các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí thường có trị giá lớn, cạnh tranh cao. Trong khi đó, PVN không có cơ chế linh hoạt, đặc thù cho hoạt động này nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, dễ bị mất cơ hội.

4/ Sự tham gia của các thành phần kinh tế khác ở trong nước vào PVN và ngành dầu khí còn hạn chế. Đối với lĩnh vực cốt lõi là tìm, kiếm thăm dò và khai thác dầu khí cần vốn lớn, kỹ thuật chuyên sâu, thời gian thực hiện kéo dài, rủi ro cao… nên ngoài nhà nước và các công ty lớn nước ngoài thì các thành phần tư nhân trong nước hiện nay hầu như chưa đủ sức tham gia trong lĩnh vực này (5). Lĩnh vực tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí phù hợp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong nước, cần được tiếp tục phát huy. Ngoài ra, phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này còn rất lớn, cần quyết liệt thoái vốn tại các doanh nghiệp này.

5/ Quy mô, tiềm lực tài chính của PVN tuy đã tăng lên rõ rệt song vẫn còn khiêm tốn so với các tập đoàn dầu khí trong khu vực và trên thế giới. 

6/ Việc triển khai cơ chế tài chính còn chưa đồng bộ, ít nhiều ảnh hưởng đến việc đầu tư của ngành dầu khí. Tính trung bình trong 10 năm qua (2006-2016), lãi dầu nước chủ nhà để lại cho PVN đạt mức 32% (6) so với mức tối thiểu 50% (theo Kết luận 41-KL/TW), đặc biệt trong năm 2013 và 2014 mức để lại chỉ còn 25%. Số tiền lãi dầu để lại này là cơ sở quan trọng để hoạch định và thực hiện các kế hoạch của PVN.

7/ Quá trình xây dựng PVN theo mô hình Tập đoàn kinh tế công nghiệp - thương mại - tài chính những năm 2006-2008 đã xảy ra tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải ở một số lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính nên hiệu quả thấp.

Một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục khắc phục trong hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn vừa qua của PVN:

Thứ nhất: Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng hóa thạch phi truyền thống (khí than, băng cháy…) còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan.

Thứ hai: Về tìm kiếm, thăm dò và khai thác, việc xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích đầu tư vùng nước sâu, xa bờ trong nước và cơ chế linh hoạt để phát triển đầu tư ra nước ngoài chưa thật sự mạnh mẽ. Việc tìm kiếm thêm đối tác chiến lược trong lĩnh vực này đến nay còn hạn chế (7).

Thứ ba: Về công nghiệp khí, tiến độ một số dự án khí chậm hoàn thành, làm mất lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, việc xây dựng chính sách để công nghiệp khí phát triển ổn định, tái đầu tư vào khâu đầu và khâu sau còn thiếu tính chủ động. Tỷ trọng khí dùng để chế biến sâu vẫn còn nhỏ (8).

Thứ tư: Về chế biến dầu khí, chế biến sản phẩm hóa dầu còn chậm, không đồng bộ, chưa tận dụng được nguồn khí thiên nhiên trong nước để giảm chi phí nguyên liệu. PVN mới chỉ triển khai thành công sản phẩm phân đạm và nhựa PP còn các dòng sản phẩm hóa dầu khác (chất dẻo, xơ sợi và chất tẩy rửa tổng hợp…) để tạo nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước còn hạn chế (9).

Thứ năm: Về tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí, còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật mang tính đột phá, chưa xử lý căn cơ một số vấn đề tồn tại trong kinh doanh xăng dầu (10), nhất là giá cả vẫn chưa được vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường. Dự trữ dầu thô, xăng dầu còn bất cập; ngoài nguyên nhân hạn chế về nguồn vốn còn có lý do là công tác quản lý và giám sát thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ sáu: Về dịch vụ dầu khí, tuy có đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số tồn tại như: tỷ trọng kỹ thuật chất lượng cao còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, không đồng đều; dịch vụ dầu khí cho khâu sau còn yếu. Thiếu cơ chế, chính sách để hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài.

Ngoài ra còn một số vấn đề cần quan tâm khác như tiềm lực vật chất, nhân lực kỹ thuật và trình độ công nghệ hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển dầu khí vùng biển nước sâu, xa bờ. Rủi ro trong đầu tư thăm dò khai thác càng ngày càng lớn, giá thành của 1 tấn dầu quy đổi cho cả trữ lượng và sản lượng càng ngày càng cao. Công tác tái cấu trúc ở một số đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn hoạt động, không thoái được vốn, tiềm ẩn nhiều lao động dôi dư. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp (11); tuy có nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên là việc sử dụng các nguồn lực còn chưa hiệu quả…

Kỳ tới: Tính đặc thù và một số bất cập về cơ chế hoạt động đối với ngành Dầu khí Việt Nam

ThS. NGUYỄN NGỌC TRUNG - BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

Ghi chú: 

(1) Một số mặt hàng thiết yếu: xăng dầu có Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro…; phân bón: đạm Phú Mỹ, Cà Mau.

(2) Như là xăng dầu, xơ sợi, nhựa PP... là các sản phẩm sau lọc - hoá dầu.

(3) Cụm công trình khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về công nghệ năm 2010.

(4) Theo các chuyên gia đánh giá, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của nước ta hiện nay đứng đầu trong Công ty dầu khí quốc gia (NOC) tại  khu vực (các lĩnh vực khác chúng ta đều xếp sau). Dịch vụ dầu khí đã chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước (sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia), đưa Việt Nam vào 1 trong 10 nước chế tạo được giàn khoan biển.

(5) Hiện nay trong nước chỉ có duy nhất Công ty TNHH dầu khí Bitexco (Tập đoàn tư nhân Bitexco) cùng với đối tác nước ngoài (Pearl Oil) thành lập liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng tìm kiếm thăm dò và phân chia sản phẩm (PSC) lô 4.02 ngoài khơi Việt Nam.

(6) Giai đoạn 2006-2014, tiền lãi dầu để lại cho PVN là 61,2 nghìn tỷ đồng trên tổng số lãi 191 nghìn tỷ đồng (tương đương 32%).

(7) Đến nay PVN mới chỉ có hợp tác chiến lược với Nga về dầu khí (trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga).

(8) Chế biến sâu khí hiện nay chỉ có sản xuất phân đạm (Phú Mỹ và Cà Mau), chiếm khoảng 10% tổng sản lượng khí tiêu thụ (0,95-0,98 tỷ m3/9,7-10 tỷ m3).

(9) Sau 10 năm triển khai, ngành dầu khí chưa xây dựng được 3 cụm hóa dầu gắn với lọc dầu và khí như định hướng chiến lược. Hiện chỉ có nhà máy sản xuất polypropylen Dung Quất, công suất 150.000 tấn/năm, đáp ứng 20% nhu cầu trong nước; về xơ sợi polyester khả năng sản xuất là 300.000 tấn/năm, dự kiến đáp ứng 65% nhu cầu trong nước; tuy nhiên dự án xơ sợi Đình Vũ hiện nay vẫn chưa được vận hành thương mại.

(10) Về quy hoạch hệ thống, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương nhân đầu mối, quản lý chất lượng xăng dầu và gian lận thương mại, hỗ trợ ngư dân và thẩm lậu xăng dầu trên biển…

(11) Trong giai đoạn 2006-2013, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu hợp nhất bằng 22%/năm; đối với Công ty mẹ PVN bằng 13%/năm. Đáng chú ý là trong lĩnh vực cốt lõi, tỷ suất này có xu thế giảm từ 47,3% trong năm 2010 xuống còn 17,8% vào năm 2014.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động